Nhiều bạn trẻ đổi nghề, thử sức lĩnh vực mới

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Trở lại sau khoảng thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều bạn trẻ quyết định thử sức với những công việc mới với mong muốn “bùng nổ” sau đại dịch.

Nhiều bạn trẻ quyết định lựa chọn những công việc mới, ít chịu ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài sau đại dịch

Nhiều bạn trẻ quyết định lựa chọn những công việc mới, ít chịu ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài sau đại dịch

Dịch bệnh Covid-19 khiến cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ mất đi công việc của mình. Để quay trở lại với cuộc sống thường ngày và thực hiện những ước muốn, đam mê, nhiều bạn trẻ quyết định từ bỏ công việc cũ, tìm kiếm công việc online, linh hoạt và thử sức với những nghề nghiệp có triển vọng hậu đại dịch Covid-19.

Bắt đầu công việc chăm sóc khách hàng cho một công ty về thời trang ngay khi vừa bước chân khỏi cánh cửa đại học, Nguyễn Kim Anh (26 tuổi), quyết định chuyển nghề trở thành một freelancer và nhận thiết kế nội dung truyền thông cho các cá nhân, cơ sở kinh doanh nhỏ sau 3 năm gắn bó với công việc cũ.

“Kết thúc công việc đã quen thuộc sau nhiều năm và cơ hội thăng tiến đã ở rất gần rồi, mình cũng rất khó khăn để đưa ra quyết định này. Đại dịch và những ảnh hưởng của nó khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Mình có thể đã làm tốt công việc cũ nhưng thực sự đó không phải đam mê của mình. Mình muốn có một công việc mình thực sụ yêu thích và không dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như đại dịch vừa rồi”, Kim Anh nói

Dành nhiều tháng để tìm hiều, Kim Anh nhận thấy nhu cầu chỉnh sửa hình ảnh, thiết kế logo, banner, chiến dịch truyền thông... cho cá nhân hoặc các shop nhỏ đang tăng lên đáng kể ngay trong đại dịch.

Sẵn có năng khiếu trong việc sử dụng máy tính, Kim Anh vừa mày mò, vừa nhận yêu cầu thiết kế và đăng một số sản phẩm lên các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm, nhận góp ý.

Kim Anh quyết định từ bỏ công việc cũ để trở thành một freelancer

Kim Anh quyết định từ bỏ công việc cũ để trở thành một freelancer

Được nhiều người khen ngợi, khuyến khích mở lớp hướng dẫn cho những người chưa biết gì về nghề và muốn bắt đầu từ cơ bản, Kim Anh ấp ủ dự định mở khóa học thiết kế cho riêng mình. Đầu tháng 9 vừa rồi, cô gái trẻ bắt đầu lớp học trực tuyến đầu tiên với khoảng 15 học viên.

"Khi bắt đầu lớp học, mình lo sẽ không có người tham gia. Thực tế, số học viên lại tăng, ai cũng tranh thủ đợt nghỉ dịch học thêm kỹ năng, cải thiện tư duy thiết kế để tự kinh doanh, nhận thêm việc hay xin tăng lương ở công ty", cô gái chia sẻ.

Kim Anh cho biết ý tưởng dạy về một lĩnh vực mới mẻ như freelancer giúp cô có mức lương cao hơn thời điểm đi làm văn phòng lúc trước, linh hoạt hơn về thời gian cá nhân. Quan trọng hơn cả, cô được sống với sở thích và đam mê của mình.

Sau nhiều tháng cố gắng bám trụ với quyết tâm chờ dịch kết thúc sẽ quay lại với công việc của mình, Phùng Bảo Khoa (25 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) quyết định mở lớp dạy thêm tiếng Trung.

Hướng dẫn viên trẻ Bảo Khoa quyết định thực hiện ước mơ của mình sau nhiều năm ấp ủ

Hướng dẫn viên trẻ Bảo Khoa quyết định thực hiện ước mơ của mình sau nhiều năm ấp ủ

“Mình bắt đầu có ý định mở lớp dạy thêm từ khá lâu rồi nhưng do điều kiện, tính chất công việc và chi phí mở lớp khiến mình chưa thể thực hiện ước muốn này. Đợt dịch vừa rồi cho mình rất nhiều bài học, thay vì sống mãi trong vòng an toàn, mình muốn thực hiện những dự định mình còn dang dở”, Bảo Khoa chia sẻ.

Nhận thấy hình thức dạy học online có thể giúp tiết kiệm nhiều chi phí, chàng trai trẻ quyết định bắt tay vào tìm kiếm học sinh để mở lớp. Là một hướng dẫn viên tiếng Trung, Bảo Khoa có kiến thức, kỹ năng và cách truyền tải dễ hiểu trong việc sử dụng ngôn ngữ này.

Ban đầu, chàng trai mở lớp học làm quen cơ bản với ngôn ngữ trong 2 tuần và hoàn toàn miễn phí, số học sinh tham gia lên tới gần 30 người. Sau khi kết thúc khóa học miễn phí, nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên, Khoa quyết định mở lớp dạy tiếng Trung theo giáo trình mà chàng trai trẻ đã nghiên cứu trong suốt thời gian qua.

“Hiện tại, đã có 10 bạn đăng ký khóa học và đã nộp học phí cho mình. Nếu trừ đi các chi phí, nó gần tương đương với mức thu nhập mình có thể kiếm được khi còn làm du lịch. Quan trọng hơn cả, mình sẽ được ở bên gia đình nhiều hơn và có thời gian thực hiện những kế hoạch của bản thân”, Khoa chia sẻ thêm.

Thay vì quay trở lại làm việc hành chính ở công ty cũ, Trần Bảo Hân (26 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) quyết định trở thành một trợ lý online sau khi phỏng vấn thành công tại một công ty về lĩnh vực truyền thông, quảng cáo. Đối với công việc mới này, Bảo Hân chỉ cần ngồi trước máy tính ở nhà, sắp xếp và giải quyết mọi vấn đề của công ty.

Hậu đại dịch, Bảo Hân quyết định thử sức với công việc mới là trở thành một trợ lý online

Hậu đại dịch, Bảo Hân quyết định thử sức với công việc mới là trở thành một trợ lý online

Bảo Hân cho biết cô bắt đầu tìm hiểu về công việc trợ lý online từ đầu tháng 7. Trước đó, cô gái trẻ từng nghe đến ngành nghề này nhưng nghĩ nó chỉ phát triển ở những nước phương Tây.

"Trợ lý online sẽ xử lý vấn đề hành chính nhân sự cho cá nhân, doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến. Từ những công việc như sắp xếp lịch trình, đặt lịch hẹn cho đến chấm công, tuyển dụng, tính lương... Mình bất ngờ khi biết ở Việt Nam có công ty cung cấp dịch vụ này do nghề còn khá mới lạ", cô nói.

Bảo Hân cho biết, công việc mới này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố tự nhiên, đem lại thu nhập ổn định và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Mỗi ngày, cô gái trẻ sẽ bắt đầu làm việc từ 9h sáng bằng cách liệt kê các đầu việc, giải quyết theo thứ tự ưu tiên mà khách hàng yêu cầu tới 17h chiều

Cô gái trẻ đảm nhiệm nhiều đầu việc từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản tới phức tạp như quản lý các nhóm marketing, dịch văn bản, thiết kế PowerPoint, xử lý văn bản pháp lý... Ngoài ra, cô cũng làm việc thêm giờ, luôn có mặt để xử lý vấn đề của khách hàng ngay cả trong ngày nghỉ lễ.

"Mình thấy công việc khá thú vị vì được tiếp xúc với khách hàng trong và ngoài nước, ở nhiều lĩnh vực. Tuy phải xử lý nhiều việc nhưng mình lại có nhiều thời gian rảnh hơn trước. Bản thân mình cũng liên tục nghiên cứu thêm để hoàn thành công việc vì luôn phải giải quyết vấn đề ở các mảng, vị trí khác nhau. Bận rộn là vậy, song mình có thể chủ động thời gian vì làm online", Bảo Hân chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bạn trẻ rời phố về quê, khởi nghiệp làm nông, khó hay dễ?

“Khởi nghiệp chỉ là bước đầu của sự nghiệp, các bạn phải tính xa hơn, 5 hay 10 năm, phải bền chí, luôn học hỏi và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Đức ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN