Ngại cưới vì...giá vàng tăng cao
Mùa cưới đến, giá vàng tăng cao liên tục, nhiều cặp đôi đắn đo, lo ngại, thậm chí phải hoãn cưới.
Hầu hết các đám cưới truyền thống ở Việt Nam không thể thiếu vàng. Đây là vật lễ mà chú rể, ba mẹ chồng tặng cho cô dâu. Các nam thanh niên thường có quan niệm phải “để dành tiền mua vàng cưới vợ”. Thời gian gần đây, nhiều người phải than trời, thậm chí ngại cưới vì giá vàng quá cao.
Những bộ vàng cưới luôn được các tiệm vàng bố trí sẵn để thuận tiện phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: MINH THƯ
Hoãn cưới vì giá vàng tăng cao
Anh Phong (quê Thừa Thiên Huế) cho biết người yêu anh lớn tuổi hơn nên gia đình bên gái hối cưới. Anh cũng cố gắng để cuối năm nay sẽ cưới vợ nhưng đến thời điểm hiện tại, anh lại ngại cưới vì giá vàng cứ mãi tăng.
Để cưới, nếu phải mua bộ vàng cưới đúng như kỳ vọng của bản thân và của nhà gái, tiền tích góp của anh sẽ hết sạch, không còn tiền để sử dụng cho những chi phí sau khi lập gia đình.
“Tôi thấy mua vàng cưới thời điểm này rất phí. Giai đoạn khó khăn, kiếm tiền khó, nếu phải đầu tư vào bộ vàng cưới cao hơn giá bình thường thì tiếc lắm, mà vàng cưới vốn dĩ mua đi bán lại sẽ lỗ. Nhưng nếu không chuẩn bị chu đáo cho lễ cưới thì tôi biết chắc chắn sẽ có những điều tiếng không hay” - anh Phong nói.
Anh Phong cũng cho biết đã thuyết phục nhà gái đợi đến năm sau xem giá vàng có ổn định hơn không rồi cưới. Nhưng cũng vì chuyện này mà nhà trai và nhà gái có mâu thuẫn. Anh và người yêu đang rối, chưa biết phải làm gì tiếp theo.
Cũng hoãn cưới vì giá vàng tăng cao, anh Duy (quê Đồng Tháp) chia sẻ: "Chúng tôi dự tính cưới từ tháng bảy vừa rồi nhưng đợi mãi giá vàng vẫn trên đỉnh, càng ngày càng tăng cao. Việc mua vàng cùng chi phí cho lễ cưới sao cho trọn vẹn ý nghĩa trong thời buổi không chỉ vàng mà mọi thứ đều tăng là có quá sức với tôi. May là vợ sắp cưới tôi cũng hiểu và thông cảm nên hai đứa quyết định hoãn lại lễ cưới, báo cho cha mẹ hai bên.
Cô ấy còn bảo anh cứ làm, có gì em phụ thêm, nghe thương lắm nhưng mình phải có trách nhiệm, ráng không để cô ấy thiệt thòi”.
Tương tự, anh Điền (ngụ TP Thủ Đức) tâm sự: “Tháng 11 này mới tổ chức đám cưới nhưng hiện tại vì giá vàng tăng nhanh, vượt qua khoản để dành mua vàng nên tôi phải phải giảm bớt chi phí cho các phần khác như chụp ảnh, trang trí… để bù vào phần mua vàng, hoặc mua ít vàng lại, nếu không phải hoãn cưới.
Tôi cũng khó xử, đang định hội ý với vợ, gia đình để tôi thư thả, ráng đi làm kiếm thêm ít nữa để cho cái lễ cưới trọn vẹn hơn”.
Người dân sắm vàng để chuẩn bị cho việc cưới hỏi. Ảnh: NHẬT TRUNG
Chia sẻ về việc vàng nhẫn có giá tăng cao, chị Đặng Diễm, quản lý một tiệm vàng quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết thị trường đang chuộng vàng nhẫn hơn, vừa lưu trữ được vừa đeo để làm đẹp, cùng với đó là nhu cầu vàng nhẫn cho việc cưới hỏi cũng tác động đến tâm lý chung.
Cân nhắc việc thuê vàng cưới
Để góp phần giảm bớt chi phí vàng cưới, có nhiều cặp đôi đã cân nhắc lựa chọn dịch vụ thuê vàng cưới với thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, dịch vụ này chưa được phổ biến lắm.
Bảng giá dịch vụ cho thuê vàng cưới tại một cửa hàng trang sức thuộc công ty TNHH Trang Sức Kim Lộc Phát. Ảnh: MINH THƯ
Cũng đang có nhu cầu mua vàng cưới, chị Uyên (quận 3) chia sẻ: “Lúc đó, tôi có tìm đến một tiệm vàng ở quận 10 nhưng giá cọc là 100% tiền vàng cùng mức phí thuê khoảng 3 triệu đồng cho 1 bộ, gồm: 1 vòng, 1 kiềng, 1 nhẫn, 1 đôi bông tai. Tôi đắn đo suy nghĩ mãi, sau cùng quyết định mượn thêm tiền để mua”.
Đồng quan điểm, chị Tâm cũng tính toán rồi quyết định mua vàng thay vì thuê vàng.
“Vợ chồng tôi cũng cân nhắc đến việc thuê vàng cưới. Nhưng đi thuê cũng hên xui lắm, tôi sợ lỡ trong khi mượn mình làm móp méo này nọ rồi bị trừ tiền thì cũng rắc rối” - chị Tâm chia sẻ.
Theo Thạc sĩ tâm lý Dương Thị Thu Hà (Phó Viện trưởng Viện Tâm lý Đời sống) thực tế cho thấy có nhiều người trẻ khi cưới phải bất chấp vay mượn tiền mua vàng làm quà cưới để đảm bảo thể diện cho chính họ và gia đình. Còn dịch vụ thuê vàng không hẳn tối ưu vì các cặp đôi có thể cảm thấy thiếu tự tin khi biết rằng vàng họ sử dụng trong đám cưới không thực sự thuộc về họ, đồng thời điều này thể hiện áp lực về tài chính mà các cặp đôi đang gặp phải.
Nếu việc thuê vàng trở nên phổ biến, có thể dẫn đến hiện tượng đám cưới trở thành một sự kiện “hình thức” hơn là một ngày lễ ý nghĩa. Từ đó, thúc đẩy xã hội suy nghĩ lại về giá trị thực sự của lễ cưới” - Ths Thu Hà nói.
Về vấn đề vàng cưới, TS Lưu Tuấn Anh, chuyên gia văn hoá cho biết chưa có quy định chính thức nào về việc phải tặng vàng trong các dịp cưới hỏi.
“Đây là thói quen, là nét đẹp trong dịp cưới hỏi giữa đôi bên gia đình thông gia được truyền từ nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Trao tặng vàng cưới là để chúc phúc, mong phú quý cho cặp vợ chồng mới cưới.
Ngoài ra, số vàng cưới được trao tặng cũng là của hồi môn dành cho họ. Đồng thời, giá trị của số vàng cưới được trao tặng cũng thể hiện phần nào tình hình kinh tế của gia đình đôi bên”.
TS Lưu Tuấn Anh
TS Lưu Tuấn Anh cho rằng việc trao tặng vàng khi cưới hỏi là một hành động đẹp nhưng nếu phải đi vay mượn để có được số vàng cưới trao tặng thì sau lễ cưới chắc chắn sẽ tạo ra gánh nặng cho đôi vợ chồng mới cưới, điều này cần phải được cân nhắc, suy nghĩ.
“Theo tôi, đối với các gia đình có điều kiện khó khăn, chúng ta có thể trao tặng vàng cưới với số lượng và giá trị mang tính tượng trưng chứ không nhất thiết phải trao vàng đeo chất đầy vòng tay, vòng cổ; hoặc có thể thay vàng bằng các hiện kim, hiện vật khác có giá trị thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các nghi thức trong lễ cưới, đảm bảo hàm ý chúc phúc, mong cầu điều tốt đẹp cho đôi vợ chồng mới. Điều đó sẽ bớt áp lực cho các bạn trẻ trong ngày vui của đời mình” - TS Lưu Tuấn Anh nói.
Sau hai tuần “đóng băng”, giá vàng trên thị trường bất ngờ tăng vọt và liên tục nhảy múa, liên tục thiết lập kỷ lục mới. Cụ thể, tại phiên giao dịch 26-9, giá vàng tại công ty PNJ và SJC lần lượt áp dụng giá 81,9-82,5 triệu đồng/lượng và 81-82,6 triệu đồng/lượng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Đám cưới hot nhất Cần Thơ đầu năm 2024 thu hút sự quan tâm của đông đảo dân mạng bởi số của hồi môn “khủng”.