Lò xử lý rác tại nhà của "ét-vê" 2K3

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Đôi bạn nữ sinh năm 2003, Bùi Thị Mai Thu và Nguyễn Hương Giang đã xây dựng mô hình thiết kế lò xử lý rác thải tại nhà.

Đôi bạn cùng tiến Thu (áo xanh) - Giang

Đôi bạn cùng tiến Thu (áo xanh) - Giang

Để rác thải không còn là nỗi đau đầu

Đam mê với công nghệ, lại thích mày mò nghiên cứu, chế tạo kỹ thuật cơ khí, Bùi Thị Mai Thu và Hương Giang cùng nhau tìm hiểu, sáng chế mô hình, đồng thời hoàn thiện, phát triển thêm và mang công trình này dự thi chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021.

Mai Thu nhận định, ở mỗi gia đình lượng rác thải với nhiều loại khác nhau, chiếm số lượng không nhỏ. Chẳng hạn như rác thải, vật dụng gói thức ăn, các loại túi ni lông đựng đồ… mỗi ngày thải ra rất lớn. Tình trạng này làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây ra dịch bệnh lây truyền nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người. Trong khi việc xử lý rác thải hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn, chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác đầy đủ.

“Thực tiễn đó đã thôi thúc chúng mình lên ý tưởng xây dựng mô hình thiết kế lò xử lý rác thải tại nhà bằng công nghệ lọc khí đốt qua nước vôi trong. Mặc dù hiệu quả mang lại từ mô hình có thể chưa triệt để. Chúng mình nghĩ, nó cũng đã phần nào giải quyết được vấn đề hiện tại ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có công nhân thu gom rác thải và nhà máy xử lý rác thải hiện đại”, Bùi Thị Mai Thu chia sẻ.

Với những vật liệu đơn giản, nguyên liệu dễ tìm, mọi người dân đều thực hiện được như gạch, xi măng, cát, sắt hoặc thùng phi sắt là có thể tạo ra chiếc lò này. Hai “nhà sáng chế” 2K3 mong có thể góp một phần sức nhỏ để hạn chế lượng rác thải trong mỗi gia đình, giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Đốt rác để quay tua bin phát điện

Mô hình lò xử lý rác này được các nữ sinh thiết kế theo kiểu chiếc bếp lò thông thường nhưng điểm mới ở chỗ, khi chúng ta đốt rác chủ yếu là ni lông, các loại giấy như hộp sữa, vỏ kẹo... tạo ra khí CO2 và một số khí độc hại khác. Khi các khí này thoát ra sẽ được lọc qua một lớp than hoạt tính hoặc than củi ở phía trên cùng một lượng lớn khí độc này, sẽ được giữ lại ở bề mặt của lớp than đó.

Mô hình lò xử lý rác thải của hai nữ sinh

Mô hình lò xử lý rác thải của hai nữ sinh

Qua quá trình lọc, do các khí như CO2, SO2, H2S, axit sunfuric H2SO4… có hàm lượng lớn, nên một phần vẫn bị thoát ra ngoài lớp than. Lượng khí còn lại sẽ đi qua một đường ống nhỏ được thiết kế ở phía trên. Đường ống này được thiết kế dạng cong, đi xuyên qua một bể nước.

Khi đốt nhiệt độ rất cao có thể lên đến hàng nghìn độ C, đường ống chạy qua bể nước này góp phần giảm bớt nhiệt độ không khí bên trong, tránh hư hại thành ống. Đầu ống đặt cắm vào bể nước vôi trong, khi đó một số phản ứng hóa học sẽ xảy ra và khí H2S, axit sunfuric H2SO4 hòa tan trong nước tạo thành dung dịch axit. Các dung dịch axit này được trung hòa bởi nước vôi trong, sẽ không còn nhiều khí độc hại thoát ra môi trường.

Nguyễn Hương Giang, thành viên sáng chế mô hình cho biết thêm, nhiệt từ quá trình đốt trong lò đốt rác còn được sử dụng để tạo hơi nước. Bình chứa nước kín thì hơi nước có áp suất lớn có thể làm quay tua bin nối với máy phát điện, tạo thành điện dùng trong sinh hoạt. Nhiệt dư thừa cũng có thể được sử dụng cho các mục đích khác như tạo ra nước nóng dùng trong sinh hoạt.

“Điểm sáng tạo của chiếc lò xử lý rác thải là khi đốt rác, khí độc không bị lan tỏa ra môi trường, bởi đã được lọc qua một lớp than hoạt tính, một lượng khí dư còn lại sẽ đi qua đường ống tác dụng với nước vôi trong để giảm lượng khí độc thải ra môi trường. Đồng thời nó cũng như một “bác sĩ” để chữa trị được phần nào về căn bệnh phổi và ung thư phổi đang đe dọa tính mạng con người trên trái đất hiện nay”, Hương Giang chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Nam sinh Y khoa chế tạo dụng cụ đặt ống thở có camera hỗ trợ bệnh nhân COVID-19

“Giữa tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bộ đặt nội khí quản có camera là một dụng cụ tối cần thiết giúp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Dung ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN