Khiếp đảm "thánh soi" chốn công sở

Hoa bàng hoàng khi biết người bạn thân thiết đã loan tin cô ngủ với đối tác để ký hợp đồng.

Môi trường công sở dường như đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của mỗi người bởi, ngoài thời gian sinh hoạt ở nhà thì hầu hết công nhân viên chức đều sinh hoạt tại công ty mình. Chỉ khác một điều, ngôi nhà là chốn yêu thương với những mối quan hệ thân thiết ruột thịt, còn chốn công sở chỉ tồn tại duy nhất một mối quan hệ, đó là đồng nghiệp.

Cũng chính vì thế nên môi trường công sở không chỉ khiến người ta đau đầu vì công việc mà cả những thị phi không đáng có. Đó là khi mọi người gặp phải “thánh soi” - những người có tính đố kỵ, luôn ghen tỵ với thành công của người khác, kẻ hay soi mói đời tư của đồng nghiệp và thích mang chuyện mọi người ra làm quà...

Tuấn Minh – nhân viên kỳ cựu của một công ty xây dựng tại Hà Nội cũng chia sẻ về những ức chế của mình trong môi trường công sở của mình. Theo anh, chuyện nhức đầu nhất chính là vấn nạn “nội soi” của không ít kẻ rỗi việc văn phòng. Anh cho hay, trong đám nhân viên anh quản lý có cô tên Thúy Hạnh (32 tuổi) có tật chuyên soi mói đời tư người khác rồi đi kể lể, đem câu chuyện làm quà cho mọi người. Hạnh làm nhân viên văn thư, công việc không nhiều, chỉ chạy lặt vặt chỗ này sang chỗ kia, đánh vài ba cái hợp đồng văn bản, còn lại thời gian vào mạng tám chuyện hay chạy đi "buôn" với các chị em khác trong phòng.

Văn phòng có khoảng 20 nhân viên cả nam và nữ, Hạnh đều thân thiết hết thảy nên gặp ai cô cũng có chuyện để “tám”. Với bản tính xởi lởi, cởi mở nên Hạnh rất dễ dàng đưa mọi người vào "bẫy". Những điều được mọi người chia sẻ "bí mật" thì đều bị cô loan tin khắp phòng như một “điệp viên ngầm”.

Không chỉ thế, Hạnh còn là “chùm soi” của hội phụ nữ chốn công sở. Cô rất thích soi chuyện riêng tư của mọi người. Ai làm gì, yêu ai, ăn gì, mặc đồ lót màu gì, họa tiết ra sao cô cũng biết hết. Nhân viên nào được thưởng nóng, cô đều nắm rõ và nài nỉ đi ăn khao cho bằng được. Đặc biệt, trưa nào cô cũng lượn vài vòng trong công ty, dò xét xem mọi người mang đồ ăn gì, món nào ngon là cô không ngại "xin" san sẻ.

Chưa hết, vào lúc nghỉ trưa, Hạnh thường xuyên lôi kéo các cô khác tụm năm tụm bảy tám róc, kể cho nhau nghe những câu chuyện "bắt gặp" được của anh A, chị B trong văn phòng. Việc nói xấu sau lưng đã đành, có khi cô còn chọc khoáy vào nỗi đau của người khác, mang những khó khăn của đồng nghiệp ra để mua vui.

Khiếp đảm "thánh soi" chốn công sở - 1

Những câu chuyện tưởng như vô hại nhưng lại làm đau lòng không ít người… (Ảnh minh họa)

Bà Tám công sở, nói xấu sau lưng có lẽ vẫn là chuyện rất đỗi bình thường ở công sở. Nhưng sợ nhất vẫn là những những kẻ có tâm địa ác độc, tiểu nhân, miệng thì nam mô mà bụng thì một bồ dao găm chuyên tìm mọi cách để “dìm” đồng nghiệp.

Đó là câu chuyện đầy nước mắt của cô gái 26 tuổi bắt đầu khởi nghiệp đã phải nộp đơn xin nghỉ sau nửa năm làm việc tại một công ty bảo hiểm. Mai Hoa – cô nhân viên kinh doanh trẻ trung, xinh đẹp, năng nổ, với cách nói chuyện duyên và thuyết phục, mới vào làm Hoa đã kiếm được gần chục hợp đồng bảo hiểm, đạt doanh số gần với các nhân viên đã có kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Tài năng, xinh xắn nên cô được các đồng nghiệp yêu mến, hợp tác. Chưa đầy hai tháng, Hoa đã trở thành những đồng nghiệp thân thiết với mọi người, nhất là với Mai Ly (cô bạn cùng phòng). Làm gì, đi đâu, hai cô bạn cũng luôn sánh vai bên nhau, chia sẻ mọi kinh nghiệm và cả các mối quan hệ cho nhau.

Thế nhưng, Hoa không hề biết cô bạn thân thiết lại đang sống hai mặt với mình. Trước mặt Hoa, Mai Ly tỏ vẻ cởi mở, nói tốt nhưng sau lưng, cô kể xấu Hoa với mọi người trong công ty: “Hoa dùng nhan sắc hẹn hò ngủ với đối tác để được ký hợp đồng…” khiến mọi người có cái nhìn thiếu thiện cảm với Hoa.

Những câu chuyện bí mật của hai người, chuyện khó nói của Hoa đều bị Ly đem đi kể lể, bôi xấu với đồng nghiệp. Khi nhận ra bản chất xấu xa của người bạn thân, cô mới bàng hoàng đau đớn và vội vã viết đơn xin nghỉ việc.

Mọi người quên mất một điều quan trọng nhất, đồng nghiệp cần phải hỗ trợ nhau làm tốt công việc được giao. Nhưng không ít môi trường công sở, lắm người rảnh hơi rỗi việc nên thích săm soi, dèm pha đời sống cá nhân đồng nghiệp khiến nhiều người bị rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười.

Nói về vấn đề này, bạn Thanh Thủy (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) tâm sự: "Mình từng trải qua vấn nạn này khi mới lần đầu đi làm. Phải nói đó là khoảng thời gian rất kinh khủng, cảm giác như cực hình khi bị mọi người tìm cách cô lập chỉ vì mình trẻ và có học thức tốt hơn. Nói chung đâu cũng vậy, công ty nào cũng tồn tại những mặt xấu, có điều qua thời gian mình đã trưởng thành hơn, những chuyện ngồi lê đôi mách này không còn ảnh hưởng đến mình nữa.”

Tương đồng về ý kiến của bạn Thủy, anh Mạnh Hùng (nhân viên FPT) nhận định: “Theo mình, tốt với nhau thì nói thẳng trước mặt. Nói sau lưng coi như không có. Tốt với nhau, vui vẻ với nhau thì nói chuyện, không thì việc ai người nấy làm. Không hiểu về tôi, tôi sẽ giải thích. Giải thích rồi cố tình không hiểu nếu ảnh hưởng công việc, cuộc sống - nhẹ thì bỏ qua, nặng thì đừng trách nhau cạn tình cạn nghĩa. Chẳng việc gì phải đau đầu vói bọn ngồi lê đôi mách, rảnh rỗi chốn công sở”.

Những câu chuyện “bà tám” nơi công sở, những câu chuyện tưởng như vô hại nhưng lại làm đau lòng không ít người… Chính những người dựng chuyện vô tình đẩy không ít đồng nghiệp vào hoàn cảnh dở khóc dở cười, có khi phải tự nộp đơn xin nghỉ việc vì không chịu đựng được “lời nói bóng gió” hư thực của tập thể.

Lời khuyên dành cho dân công sở khi đi làm, mọi người tự giác làm việc, tự mình phải rèn bản lĩnh để tự vệ và tạo môi trường thân thiện, đừng nên đối xử cách ly với đồng nghiệp.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Khiếp đảm "thánh soi" chốn công sở - 2

Tan sở... chở nhân tình vào khách sạn

Khiếp đảm "thánh soi" chốn công sở - 3

"Phát ớn" với đồng nghiệp ăn mặc hở hang

Khiếp đảm "thánh soi" chốn công sở - 4

Chồng "nhậu" thâu đêm với đồng nghiệp nữ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Phong ([Tên nguồn])
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN