Gác bằng cử nhân, chàng trai làm giàu từ rễ và gốc cây bỏ đi

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Tốt nghiệp Đại học Công nghệ thông tin, Nguyễn Kim Ngọc gác bằng cử nhân, chạy theo nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Đến nay, Ngọc đã có một cơ ngơi tại xã vùng xa của tỉnh Đắk Lắk và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Anh Ngọc tạo hình cái ghế từ một gốc cây

Anh Ngọc tạo hình cái ghế từ một gốc cây

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Kim Ngọc (SN 1992, trú tại xã Cư Kpô, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) trải qua nhiều ngành nghề khác nhau ở thành phố lớn.

Một lần đi chơi cùng bạn bè, Ngọc thấy khúc gỗ thô sơ qua bàn tay điêu luyện của người thợ biến thành sản phẩm độc đáo. Anh tò mò tìm hiểu cách chế tác. Sau đó, Ngọc quyết định về quê Đắk Lắk tìm hướng khởi nghiệp cho bản thân. Ngày đêm, anh tỉ mẩn vẽ, đục đẽo, phay hy vọng những gốc cây vô tri trở thành sản phẩm có hồn theo cách riêng nào đó.

Sau thời gian miệt mài học hỏi các xưởng mộc, chàng trai trẻ đã biết cách tạo hình từ gỗ rồi dần trưởng thành trong nghề. “Nguồn vốn ban đầu không nhiều, tôi thu mua rễ và gốc cây bỏ đi của người dân ở các buôn đồng bào dân tộc trên địa bàn và mua thêm máy phay. Khi nhìn một gốc cây, tôi lên ý tưởng chế tạo ra bàn, ghế, khay,… cắt phần dư thừa bỏ đi, dùng phấn vẽ để tạo hình, phay theo đường phấn, chà nhám, sơn và đem bán”, anh Ngọc chia sẻ.

Xưởng gỗ nhỏ của anh Ngọc ở xã vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk

Xưởng gỗ nhỏ của anh Ngọc ở xã vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk

Năm 2019, Ngọc mở một xưởng nhỏ tại quê nhà xã Cư Kpô để sản xuất. Hằng ngày, anh miệt mài bên những khúc gỗ, tỉ mỉ chạm khắc từng chút một. Sản phẩm làm ra dần được khách hàng đặt mua.

Ban đầu, khách hàng chủ yếu là người quen, người trên địa bàn. Sau đó, nhiều người huyện khác tìm đặt hàng. Những năm qua, anh đã đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sản phẩm đa dạng, từ bàn, ghế, tủ, …

Những thợ chạm khắc chính của xưởng anh Ngọc

Những thợ chạm khắc chính của xưởng anh Ngọc

Hiện Nguyễn Kim Ngọc thành lập công ty đồ gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động là phụ nữ và thanh niên trên địa bàn. Anh Nguyễn Xuân Sáng, thợ chính của xưởng gỗ, đồng hành cùng anh Ngọc từ ngày đầu mở xưởng chia sẻ, bản thân từng có thâm niên 13 năm làm việc tại cơ sở gỗ mỹ nghệ, là thợ chạm khắc đồ gỗ có tay nghề. Khi Ngọc mở xưởng gỗ, anh chuyển về làm cùng đến nay đã được 6 năm. Sáng là thợ chính của xưởng, cùng với anh Ngọc lên ý tưởng hình thành những vật dụng, bàn ghế từ những khúc gỗ thô sơ.

Ghế đu đưa là sản phẩm được khách hàng đặt nhiều nhất

Ghế đu đưa là sản phẩm được khách hàng đặt nhiều nhất

Theo anh Sáng, lương thợ chính khoảng 15 triệu đồng/tháng. Xưởng có 3 thợ chính; 5 thợ phụ chà nhám và nhân viên bán hàng. Giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc và thu nhập của anh em trong xưởng vẫn đảm bảo. Công việc chà nhám không vất vả nên nhân công là phụ nữ, tiền công 180 nghìn đồng/ngày/người, so với mức thu nhập ở quê như vậy khá ổn.

Các sản phẩm chủ yếu được khách hàng đặt mua sỉ

Các sản phẩm chủ yếu được khách hàng đặt mua sỉ

Các sản phẩm xưởng anh Ngọc làm ra, chủ yếu khách hàng đặt mua sỉ. Ngoài ra, công ty giới thiệu lên mạng xã hội để bán lẻ. Mặt hàng được nhiều người đặt là bàn ghế và ghế đu đưa, ghế dành cho người già.

Anh Ngọc giới thiệu sản phẩm của công ty

Anh Ngọc giới thiệu sản phẩm của công ty

Hiện, anh Ngọc mở rộng quy mô sản xuất thành 2 xưởng và làm thêm đồ gỗ nội thất. “Thị trường rộng, nhu cầu cao, nguồn khách hàng quay lại mua rất nhiều, cần phát triển đa dạng loại hình mặt hàng. Nguyên liệu đầu vào, tôi mua của người dân và liên kết với các xưởng. Một tháng xưởng có thể làm 100 -150 ghế nhỏ các loại; những bộ đồ nội thất lớn, làm được 10 bộ/tháng. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận 50 triệu đồng/tháng”, anh Ngọc nói.

Mô hình kinh tế khởi nghiệp của anh Ngọc có sự đổi mới trên địa bàn huyện

Mô hình kinh tế khởi nghiệp của anh Ngọc có sự đổi mới trên địa bàn huyện

Anh Vũ Minh Cường, Phó chủ tịch Hội LHTN huyện Krông Búk, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp huyện cho biết, câu lạc bộ gồm 23 thành viên chính thức. Nguyễn Kim Ngọc là thành viên tham gia đầu năm 2021, hoạt động năng nổ. Mô hình kinh tế khởi nghiệp của anh Ngọc có sự đổi mới.

Từ những rễ và gốc cây, anh Ngọc biến thành những sản phẩm độc đáo

Từ những rễ và gốc cây, anh Ngọc biến thành những sản phẩm độc đáo

“Sau khi về địa phương, Nguyễn Kim Ngọc phối kết hợp với các bạn thanh niên làm mộc trên địa bàn để cùng sản xuất, xây dựng hệ thống đồ thủ công mỹ nghệ cụ thể và thành lập công ty, tạo việc làm cho nhiều lao động. Nguồn gốc nhập gỗ và xuất gỗ rõ ràng được anh Ngọc mua lại của người dân và nhập khẩu từ nước ngoài. UBND huyện quan tâm hỗ trợ các bạn thanh niên khởi nghiệp trong quá trình giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương”, anh Cường cho biết thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Chàng trai bỏ việc quản lý, về quê trồng măng tây làm giàu

Từ bỏ công việc quản lý kinh doanh tại một công ty ở thành phố với mức lương ổn định, Hồ Thế Mỹ quyết định gác...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thảo ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN