Còn nói 10 điều này trong buổi phỏng vấn là bạn đang tự đánh trượt mình từ vòng gửi xe

Trước khi bước ra khỏi cửa, đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng và nói rằng bạn rất mong nhận được phản hồi từ họ. Hãy nhập cuộc với ấn tượng ban đầu tốt đẹp và để lại ấn tượng tương tự khi rời đi.

Nhiều người không biết rằng việc liên tục “à, ừm…” có thể khiến đối phương nghĩ rằng bạn thiếu tự tin, không đủ năng lực. Việc lựa chọn từ ngữ của bạn có thể ảnh hưởng nhiều đến cách người đối diện ấn tượng về bạn. 

Tâm lý học nói rằng, chúng ta chỉ mất 7 giây để tạo ấn tượng đầu tiên và những gì bạn nói có sức mạnh duy trì hoặc tái tạo ấn tượng đó. Dưới đây là những sai lầm cản trở sự thành công trong quá trình xin việc của bạn và cách để xử lý tốt hơn.

"À, ừm..."

Còn nói 10 điều này trong buổi phỏng vấn là bạn đang tự đánh trượt mình từ vòng gửi xe - 1

Trong văn nói, những từ như “à, ừm…” rất phổ biến và dường như đã quá quen thuộc song trong các trường hợp, sự kiện quan trọng, đây là những từ không nên được sử dụng. Chúng ta thường sử dụng những từ này để thêm vào câu khi chúng ta không biết nên nói gì. Và việc lặp lại những từ ngữ này có thể làm xấu đi hình ảnh của bạn, đặc biệt là khi bạn đang ứng tuyển vào vị trí bán hàng, PR hoặc bất kỳ công việc nào đòi hỏi khả năng giao tiếp.

Thay vào đó, bạn có thể tạm dừng và cho mình thời gian để suy nghĩ xem nên nói gì tiếp theo. Nhà tuyển dụng cũng sẽ biết rằng bạn đang suy nghĩ để đưa ra câu trả lời của mình.

"Anh/chị có thể cho tôi biết thêm về công ty?"

Việc ứng viên đặt câu hỏi về công ty có vẻ như đang thể hiện sự quan tâm của mình nhưng thực tế thì đa phần nó sẽ không có lợi cho bạn. Là ứng viên cho một vị trí nào đó trong công ty, bạn phải có trách nhiệm tìm hiểu về công ty cũng như vị trí đó. Điều này sẽ tạo cho nhà tuyển dụng cảm nhận rằng bạn thực sự quan tâm đến công ty và bạn đã dành thời gian, công sức để tìm hiểu trước khi đến buổi phỏng vấn.

Thay vào đó, bạn có thể hỏi về kế hoạch tăng trưởng của công ty trong 3 năm tới hay những câu hỏi cụ thể hơn mà bạn không thể tìm thấy câu trả lời trên trang web của công ty.

"Lương thưởng thế nào?"

Còn nói 10 điều này trong buổi phỏng vấn là bạn đang tự đánh trượt mình từ vòng gửi xe - 2

Lương thưởng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cảm xúc của 1 người với công việc của họ. Tuy nhiên, lời khuyên mà các chuyên gia dành cho bạn là nên tránh đề cập đến các con số cụ thể về lương cũng như chế độ phúc lợi trong cuộc phỏng vấn đầu tiên.

Cuộc phỏng vấn đầu tiên là cơ hội để bạn cho nhà tuyển dụng tiềm năng của bạn, những điều bạn có thể đem lại cho công ty, không phải những gì bạn có thể nhận được từ họ. Bạn có thể nêu lên mối quan tâm của mình về mức lương nếu nhà tuyển dụng chủ động đề cập đến điều đó hoặc trong cuộc phỏng vấn tiếp theo.

Thay vào đó, bạn có thể nói: “Tôi mong được nghe thêm về các chính sách dành cho nhân viên công ty trong buổi trò chuyện tiếp theo của chúng ta”.

"Xin lỗi, tôi tới trễ"

Một lời xin lỗi ngay lập tức và trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu là điều không bao giờ nên xảy ra. Việc đến muộn không chỉ gây ấn tượng xấu cho nhà tuyển dụng mà hành động này còn cho thấy rằng bạn không quan tâm đến thời gian của họ.

Trong trường hợp này, không có lời nói nào phù hợp hơn là bạn cần phải đến đúng giờ và không để các sự cố đến muộn xảy ra.

"Tôi có bằng cấp về..."

Bạn có thể cảm thấy rằng nói ra những bằng cấp của mình chính là cách để chứng minh năng lực với nhà tuyển dụng song thực tế chúng đều đã được liệt kê trong hồ sơ và trừ khi họ trực tiếp hỏi bạn về chúng, bạn không cần thiết phải liệt kê trong buổi phỏng vấn. Điều quan trọng nữa cần lưu ý là bằng cấp chỉ là một trong những khía cạnh mà công ty xem xét đến. Họ còn quan tâm đến kinh nghiệm, kỹ năng và con người của bạn.

Thay vào đó, bạn có thể chờ đến khi người phỏng vấn hỏi bạn về trình độ học vấn của bạn hoặc nói rằng “Bên cạnh những thành tích đạt được ở trường học, tôi còn có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng thực tế. Tôi mong muốn được chia sẻ và học hỏi thêm tại quý công ty”. Trong trường hợp bạn chưa có bằng, hãy tập trung vào những kinh nghiệm, thế mạnh mà mình có: “Dù tôi không được đào tạo chính quy về mảng A nhưng tôi đã có B năm làm việc trong vị trĩ C và đã đạt được những thành tích nhất định như…”.

"Sếp cũ của tôi..."

Còn nói 10 điều này trong buổi phỏng vấn là bạn đang tự đánh trượt mình từ vòng gửi xe - 3

Bạn có thể gặp phải tình huống nhà tuyển dụng hỏi về công việc trước đây của bạn, lý do bạn rời đi. Đừng nghĩ rằng phàn nàn về mọi thứ sẽ khiến họ nghĩ rằng bạn thật mạnh mẽ khi có thể vượt qua ngần ấy khó khăn. Nói xấu về nơi từng làm việc, về sếp cũ của bạn có thể làm tổn hại đến quá trình xin việc của bạn ở bất cứ đâu và sẽ là điều bạn hối tiếc sau này.

Thay vào đó, bạn có thể nói rằng mình chưa có được sự phát triển ở vị trí công việc cũ.

"Tôi chưa làm điều đó bao giờ"

Trung thực có thể mang lại lợi thế cho bạn trong cuộc phỏng vấn nhưng quá trung thực và thẳng thắn có thể khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về bạn. Nếu bạn là sinh viên mới ra trường hoặc ai đó đang tìm kiếm một công việc mới, trong lĩnh vực bạn chưa có kinh nghiệm trước đó, tốt nhất là hãy nêu bật điểm mạnh và kỹ năng của bạn thay vì nói rằng bạn thiếu kinh nghiệm.

Thay vào đó, bạn có thể nói rằng: “Dù phần lớn kinh nghiệm của tôi là làm việc ở bộ phận A, nhưng tôi đã tham gia các khóa học ngắn hạn và hỗ trợ cho sếp cũ của mình trong việc B, C…”; “Trong những năm học đại học, tôi đã tham gia hoạt động trong tổ chức D và tại đây tôi đã có một số kinh nghiệm về lĩnh vực E…”.

"Tôi sẽ trở thành một doanh nhân"

Còn nói 10 điều này trong buổi phỏng vấn là bạn đang tự đánh trượt mình từ vòng gửi xe - 4

Một trong những câu hỏi mà bạn có thể gặp phải trong buổi phỏng vấn xin việc là: “Bạn thấy mình ở đâu trong 3-5 năm nữa?”. Nếu bạn có tư duy kinh doanh, đừng vội trả lời rằng bạn muốn trở thành một doanh nhân hoặc cởi mở kể về công việc kinh doanh của chính bạn trong tương lai. Loại câu trả lời này có thể khiến nhà tuyển dụng của bạn nghĩ rằng vì sao họ cần đào tạo bạn khi bạn sẽ sớm rời đi.

Thay vào đó, bạn có thể trả lời chung chung về kế hoạch tương lai và nhấn mạnh sự gắn bó lâu dài với công ty. Bạn cũng có thể nói mình sẽ phấn đấu trở thành người quản lý, dẫn dắt nhóm của mình đến thành công hay tổng quát hơn là có bước tiến trong vị trí cũng như kiến thức, kinh nghiệm của mình.

"Tôi không biết"

Sự căng thẳng và lo lắng trong một cuộc phỏng vấn có thể khiến bạn kém tập trung hơn, bối rối mà nói rằng: “Tôi không biết”, “Tôi không chắc”. Dù vì lý do nào thì nhà tuyển dụng có thể coi câu trả lời này đồng nghĩa với việc bạn không có khả năng.

Khi đối mặt với một câu hỏi khó, hãy dành một chút thời gian để hít thở sâu và bình tĩnh đưa ra câu trả lời.

Thay vào đó, bạn có thể nói rằng: “Đó là một câu hỏi hay. Tôi có thể dành một chút thời gian để suy nghĩ về câu trả lời của mình không?”

"Tôi ổn. Tôi không có bất kỳ câu hỏi nào"

Thông thường, trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn có bất kỳ câu hỏi nào không. Dù bạn muốn nhanh chóng kết thúc buổi phỏng vấn nhưng đừng vội chấm dứt nó mà hãy đặt ra một vài câu hỏi hay, thể hiện quan tâm đến công ty và rằng bạn thực sự muốn vị trí công việc đó. Đây cũng là cơ hội để bạn có thể đặt câu hỏi và được nhà tuyển dụng trả lời.

Thay vào đó, bạn có thể hỏi rằng: “Những thách thức lớn nhất mà một người ở vị trí này sẽ phải đối mặt là gì?”, “Là một nhân viên trong công ty, môi trường làm việc ở đây như thế nào? Anh/chị có đang tìm kiếm những kỹ năng nào cụ thể ở một ứng viên lý tưởng không?”.

Trước khi bước ra khỏi cửa, đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng và nói rằng bạn rất mong nhận được phản hồi từ họ. Hãy nhập cuộc với ấn tượng ban đầu tốt đẹp và để lại ấn tượng tương tự khi rời đi.

Nguồn: [Link nguồn]

Người khôn ngoan luôn biết cách từ chối công việc phỏng vấn mà không làm mất lòng ai

Dưới đây là những lời khuyên hữu ích để bạn có thể từ chối vị trí công việc không phù hợp mà vẫn giữ được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Anh ([Tên nguồn])
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN