Chồng kiên quyết làm cơm hoá vàng xong xuôi mới cho tôi về Tết ngoại

Ăn Tết quê nội hay quê ngoại vẫn là cuộc chiến không hồi kết của một số cặp vợ chồng.

Ngày Tết, ai cũng muốn được sum vầy bên mâm cơm gia đình (ảnh minh hoạ)

Ngày Tết, ai cũng muốn được sum vầy bên mâm cơm gia đình (ảnh minh hoạ)

Mỗi dịp Tết đến, câu chuyện ăn Tết quê nội hay quê ngoại lại trở thành chủ đề gây ra nhiều tranh cãi bởi mỗi người, mỗi gia đình có hoàn cảnh và quan điểm khác nhau. Đối với nhiều cặp vợ chồng, “Tết nội hay Tết ngoại” là cuộc chiến không hồi kết khi không thể thống nhất quan điểm và không có sự quan tâm công bằng giữa hai bên gia đình.

Lấy chồng xa gần 200 cây số, được về quê ngoại đón giao thừa là mơ ước xa xỉ của chị Hoàng Linh (31 tuổi). Chồng chị là con trai duy nhất trong nhà, trên có hai chị gái, dưới có một em gái, bố chồng lại mất sớm, chỉ còn một mình mẹ già nên chị hiểu, việc về quê ngoại ăn Tết ngày 30, mùng 1 là điều không thể. Chị chỉ mong ước tối mùng 2 Tết có mặt ở quê mẹ để sáng mùng 3 kịp ăn bữa cơm hoá vàng nhưng suốt 4 năm qua, chị vẫn chưa được toại nguyện.

Mỗi năm, chị đều là người chủ động đem chủ đề này ra bàn bạc với chồng và bày tỏ mong muốn được đưa con về ngoại ăn Tết từ chiều mùng 2. Tuy nhiên, chồng chị lập tức gạt phăng với lý do “Không thể để mẹ già ăn Tết một mình”“Phụ nữ lấy chồng thì phải theo chồng, ngày Tết phải lo chu toàn bên nội mới đến bên ngoại”.

Những năm trước, vừa bầu bí, con nhỏ, vừa vướng dịch COVID-19, chị buộc phải thuận theo ý chồng, trưa mùng 3 khi “Tết đã tan, tiệc đã tàn” chị mới có mặt ở nhà mẹ. Chị biết, bố mẹ rất buồn, bản thân cũng không vui nhưng không thể làm khác. Năm nay, con cái cứng cáp, chị cũng phần nào tự chủ kinh tế nên quyết tâm đấu tranh để được về ngoại đón Tết từ mùng 2 nhưng vẫn bị chồng phản đối kịch liệt.

“Chồng bảo, nếu muốn về ngoại từ mùng 2 thì một mình tôi bắt xe về, con cái phải ở lại với bà nội đến khi hoá vàng xong xuôi. Thấy tôi cự cãi quyết liệt, anh ấy lại quay sang nói: “Vậy thì chia đôi con, 1 đứa theo mẹ về ngoại, 1 đứa ở lại quê nội với bố”. Tôi nỡ lòng nào để hai đứa trẻ xa nhau ngày Tết. Tôi một lần nữa nói rõ với chồng hoàn cảnh nhà mình rằng, bố mẹ tôi không có con trai, chị gái cũng lấy chồng xa Tết nay không thể về, chỉ còn tôi là niềm vui sum vầy của ông bà nên không muốn về quá muộn. Chồng tôi chốt một câu: “Ông bà ngoại vui thì bà nội buồn.”. Tôi biết, mình không thể thay đổi quan điểm của chồng nên năm nay sẽ tự làm theo ý mình”, chị Linh tâm sự.

Cũng vì cuộc chiến “Tết nội Tết ngoại” mà Thu Huyền (32 tuổi) hối hận khi lấy chồng xa. Chị lấy chồng năm 25 tuổi, nhà chồng cách nhà đẻ hơn 300 cây số, gần 7 năm chị chưa được đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ.

Hoàn cảnh nhà chị có phần đặc biệt khi bố mẹ chị chỉ sinh được 2 người con, con trai cả không may mắc bệnh tâm thần, không lấy vợ và chị là con gái thứ thì đi lấy chồng xa. Ngược lại, nhà chồng chị con cháu đuề huề, phía trên chồng chị là một anh trai và 2 chị gái đều đã kết hôn, sinh con đẻ cái.

Dẫu vậy, chồng chị chưa bao giờ chịu đưa vợ con về đón Tết sum vầy cùng ông bà ngoại mà luôn có quan điểm rõ ràng: “Tết nhà nội trước, Tết nhà ngoại sau”.

“Nói là trước với sau nhưng 7 năm lấy nhau thì 7 cái Tết tôi không về được với bố mẹ. Năm thì chửa đẻ, năm thì con ốm, năm thì dịch dã… Năm nay, biết trước chị chồng (cũng lấy chồng xa) sẽ đưa chồng con về ăn Tết từ ngày 29, tôi ngỏ ý muốn đưa con về ngoại từ 30 Tết thì chồng rất tức giận và hỏi tôi: “Muốn nổi loạn à? Tôi bất ngờ với thái độ của chồng nhưng cũng không nhượng bộ. Nào ngờ, anh ấy còn đưa ra đề nghị khó nghe hơn: “Muốn đưa con về ngoại ăn Tết thì bảo ông bà ngoại gọi điện xin phép ông bà nội”. Thật là chuyện nực cười”, chị kể lại.

Chồng chị bao biện, trước đây khi muốn đưa con gái đẻ về nhà chăm sóc, bố mẹ chị từng gọi điện xin phép ông bà nội và ông bà nội cũng vui vẻ đồng ý thì bây giờ, việc xin phép thông gia cho con gái về quê đón Tết chẳng có gì khó khăn. Chị thất vọng vô cùng trước lối suy nghĩ của chồng.

“Thực ra, mẹ chồng mình rất thoải mái về việc này. Chính bà nhiều lần bảo mình, đợi con lớn chút rồi cứ luân phiên năm nay Tết nội, năm sau Tết ngoại. Mình tin, nếu bố mẹ mình gọi điện, bà sẽ vui vẻ đồng ý ngay thôi nhưng chẳng có lý do gì bố mẹ mình phải làm vậy. Mình không chấp nhận được việc chồng coi thường vợ và gia đình nhà vợ như thế”, chị tâm sự.

Yến Thanh (27 tuổi) đã kết hôn được 2 năm. Trước khi cưới, vợ chồng chị “giao kèo” với nhau sẽ đón Tết quê nội và quê ngoại luân phiên. Năm trước, chị đã ở nhà chồng trọn vẹn 9 ngày Tết, năm nay chị muốn chồng về quê ngoại ăn Tết như đã thoả thuận thì một cuộc cãi vã “long trời lở đất” đã xảy ra.

“Tôi bị chồng chỉ trích là người ích kỷ, chỉ bo bo nhà ngoại chứ không nghĩ cho nhà chồng. Anh còn bảo, mẹ anh mang nặng đẻ đau, vất vả từng ngày nuôi anh khôn lớn như bây giờ, chỉ có ngày Tết thể hiện lòng hiếu kính, anh không thể cun cút theo vợ về nhà ngoại cả cái Tết. Tôi cũng ngỡ ngàng với pha lật kèo này. Tranh cãi một hồi, cuối cùng chúng tôi quyết định ai có nhà người đó về. Cũng không biết khi thấy con gái về ăn Tết một mình, bố mẹ tôi có vui không nữa”, Yến Thanh thở dài.

Tết đến xuân về, ai cũng muốn được sum vầy bên cha mẹ, anh em ruột thịt. Tuy vậy, khi đã kết hôn, có mối ràng buộc nhất định với gia đình nhà chồng/nhà vợ, mỗi người nên suy nghĩ thấu đáo, hạ bớt cái tôi để có thể sắp xếp cân bằng giữa hai bên gia đình.

Nguồn: [Link nguồn]

Về quê chồng ăn Tết trời lạnh căm căm, bố chồng lại làm một việc khiến con dâu choáng váng

Về quê chồng ăn Tết trời lạnh căm căm, nhà không có nước nóng để rửa bát cũng chẳng có găng tay, tôi mới đun một nồi nước để rửa. Vậy mà bố chồng tôi nhìn thấy lại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN