Chị dâu "hai mặt"

Ai chị ấy cũng có thể nói xấu cả, nhưng đối diện họ thì chị rất khéo léo, cười nói như thân thiết lắm.

Gia đình tôi có 3 chị em. Tôi là con út, anh trai đã lấy vợ và chị gái cũng có chồng rồi. Nhưng chỉ có tôi và gia đình nhỏ của anh trai là sống cùng ba mẹ. Ngày trước, tôi rất quý mến chị dâu vì chị xinh, ăn nói ngọt ngào, hay mua quà tặng tôi. Tuy nhiên, gần đây, tôi phát hiện ra chị là người sống hai mặt. Chị đối xử với tôi trước mặt như vậy, nhưng sau lưng lại nói xấu về tôi với ba mẹ và anh trai tôi. Tôi còn biết không chỉ bản thân tôi vấp phải trường hợp đó mà chị dâu còn nói xấu cả mẹ, anh chị họ của tôi. Nói chung, ai chị ấy cũng có thể nói xấu cả, nhưng đối diện họ thì chị rất khéo léo, cười nói như thân thiết lắm. Thật lòng, tôi muốn nói cho nhiều người biết về bản tính xấu của chị dâu?

Có vẻ như bạn đang lâm vào một tình huống rất đáng thương và cực kỳ khó chịu vì bà chị dâu xấu tính của mình. Nhưng trong khi tức giận và muốn vạch trần chị ấy, bạn có bao giờ nghĩ chính mình mới là kẻ xấu tính hoặc đang trở thành một yếu tố khiến gia đình tan vỡ.

Trước hết, bạn cần xác định rõ, việc sống hai mặt của chị dâu là do chính bạn bắt tận tay day tận mặt hay chỉ là nghe ai đó nói. Mồm miệng thiên hạ thì không bị đánh thuế, nên trong những lần buôn dưa lê, những câu nói vô tình, những cử chỉ vô hại cũng có thể biến thành một câu chuyện đầy ác ý và sai lệch. Đó là trường hợp mà người ta chỉ vô tình truyền đạt không đúng ý. Còn có một số cá nhân muốn phá hoại tình cảm “chị dâu - em chồng”, vốn là mối quan hệ xung khắc bấy lâu thì câu chuyện còn được thêm mắm dặm muối nhiều tình tiết ly kỳ nữa.

Có một nàng dâu kia, chỉ vô tình khi nói về em chồng thế này: “Cô ấy đã đi làm đâu, vẫn ở nhà cả ngày đó thôi!”, khi bị biến tấu đi nó thành “Cô ấy chưa xin được việc. Suốt ngày lêu lổng ở nhà, ăn không ngồi rồi, hết coi tivi rồi lại nằm ngủ. Khi mua sắm thì ngửa tay xin tiền ba mẹ, anh trai”... Những câu chuyện như vậy không hiếm trong cuộc sống và đã góp phần tạo nên sự căm ghét giữa em chồng - chị dâu một cách oan ức.

Chị dâu "hai mặt" - 1

Chị đối xử với tôi trước mặt như vậy, nhưng sau lưng lại nói xấu về tôi với ba mẹ và anh trai tôi (Ảnh minh họa)

Vì vậy, trước những mối nghi ngờ này, bạn cần xác định rõ xem là lời thuật lại đó có chính xác không. Ví dụ có thể xem xét hành động, ánh mắt của chị ấy. Một con người dù khéo léo thế nào cũng không bao giờ có thể che đậy bản thân một cách hoàn hảo. Nếu chị ấy ngoài miệng đon đả cười nói mà trong bụng căm ghét, ghen tức, đặt điều thì đôi mắt của chị ấy không bao giờ có thể trìu mến được, đôi khi ánh mắt ấy còn lóe lên tia nhìn khinh miệt, thù hận khi không ai chú ý. Chỉ cần để ý quan sát, bạn có thể nhận ra được.

Về phần chị dâu bạn, nếu quả thật cô ấy là người sống hai mặt thì cũng có nhiều kiểu sống hai mặt. Có những người thật sự sau lưng bô lô ba la này nọ nhưng do cái miệng họ ưa nói chứ thật tâm không ác ý gì, có thể gọi là không khéo léo cho lắm. Nhưng cũng có dạng nữa là “khẩu phật tâm xà” thật sự, dù trước mặt tươi cười như hoa nhưng trong lòng một bồ dao găm với những ý nghĩ thâm độc.

Đối với dạng một, bạn chỉ cần lựa lời góp ý nhẹ nhàng để chị ấy nhận ra và bớt thói nói năng không kiểm soát. Ví dụ bạn đi uống nước với chị ấy và giả vờ nói: “Hôm bữa chị nói với bác A hàng xóm thế nào về chị B mà để bác ấy đi mách với chị B. Chị đang không vui kìa!”. Chỉ cần một chiêu hù dọa nhỏ thôi là họ sẽ cố gắng nói năng cẩn trọng hơn trong lần sau.

Còn đối với dạng hai, khi họ đã có ác ý thì không thể dùng lời lẽ để nói. Bạn cần nhẹ nhàng cho họ nhận ra rằng, bạn đã biết được sự thật hai mặt của họ bằng những câu nói bóng gió như: “Không biết làm thế nào mà mấy bác hàng xóm biết được chuyện ABC XYZ vậy nhỉ?”. Hoặc kể câu chuyện giả tưởng về một người bạn sống hai mặt, bị phát hiện rồi bị ruồng rẫy như thế nào trong buổi họp mặt gia đình, một câu chuyện vui thôi nhưng tự chị ấy sẽ nhận ra vấn đề ẩn ý trong đó.

Và cuối cùng, bạn cần suy nghĩ kỹ về việc vì sao chị dâu mình lại có thái độ niềm nở trước mặt mà lại đâm chọt sau lưng như vậy. Phải chăng có chuyện gì khiến chị ức chế, có hiểu lầm sâu sắc với gia đình chồng. Hoặc chị ấy bị chèn ép, bắt nạt bởi mẹ chồng, em chồng quá vô tư, vô tâm gây ra những rắc rối trong nội bộ gia đình chị dâu... Vì đa phần, tâm lý con người đều muốn sự yên bình, nếu không ai đụng đến mình thì mình cũng không đặt điều, căm ghét ai cả.

Nếu có cơ hội, hãy thử thắt chặt mối quan hệ giữa chị dâu - em chồng để hiểu rõ hơn những trăn trở, khó khăn của chị ấy. Vì làm dâu thật sự không hề đơn giản, hãy thử thông cảm và lắng nghe chị dâu của mình một lần. Không phải ai cũng muốn sống hai mặt, hãy nhớ điều này bạn nhé!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mốt & cuộc sống
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN