Cái tôi hay lối sống vị kỷ?

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Để “tôi” là cái rốn của vũ trụ thì trước hết “tôi” phải là “của chúng ta”, “trong chúng ta” trước đã.

Khẳng định cái tôi cá nhân là một nhu cầu mang tính nhân bản để mỗi người trở nên khác biệt, nổi bật giữa đám đông hay cộng đồng, đặc biệt, giới trẻ ngày nay hết sức đề cao cái tôi cá nhân. Tuy nhiên, thể hiện cái tôi thế nào để không bị cho là ích kỷ, quá tôn sùng bản thân mà thiếu sự quan tâm tới “chúng ta”… lại là một câu hỏi khó cho đa phần bạn trẻ.

Khi “cái tôi” thể hiện bằng… mọi cách

Sự phát triển ngày một cao hơn về mọi mặt của xã hội đã giúp giới trẻ có được cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất tinh thần cũng như có nhiều điều kiện để hoàn thiện, phát triển bản thân. Họ cũng tự tin hơn khi thể hiện cái tôi, tự tin hơn với năng lực bản thân, dám làm những điều mình muốn. Thế nhưng, khi “cái tôi” thể hiện một cách thái quá dễ dẫn đến “bệnh” ích kỷ, chỉ biết yêu bản thân và không quan tâm tới những người xung quanh. Thể hiện cái tôi là cần thiết trong việc khẳng định bản thân nhưng thể hiện nó như thế nào cho phù hợp mới là vấn đề quan trọng. Thể hiện “cái tôi”, trước hết là phải cho mọi người thấy “cái tôi” đó khác với mọi người, không “đụng hàng” với bất cứ một ai khác. Chính vì thế, nhiều bạn trẻ đã cố gắng tìm mọi cách để thể hiện cái tôi của mình một cách rõ nét nhất.

Có những bạn trẻ khẳng định cái tôi bằng khả năng học tập, bằng những năng khiếu nghệ thuật hay làm kinh doanh… Rồi những cụm từ như “cá tính teen”, “phong cách teen” cũng thường được đề cập trên các phương tiện truyền thông chứng tỏ giới trẻ hiện nay hết sức đề cao “cái tôi”. Họ tự tin hơn, năng động hơn trong cuộc sống, độc lập hơn trong suy nghĩ.

Thế nhưng, cũng không ít bạn trẻ bằng mọi cách thể hiện “cái tôi” theo hướng tiêu cực dẫn đến hàng loạt hệ lụy làm xấu đi hình ảnh của giới trẻ. Đơn cử như những bạn trẻ theo trào lưu emo – một trào lưu ăn mặc khác người, trang điểm diêm dúa hay chỉ thích hò hét, đập phá tại những buổi party đông người, những câu chữ ngông cuồng thiếu suy nghĩ lên các bức tường nơi công cộng. Nhiều bạn nữ còn không ngại ngùng khi tung lên mạng những clip “tự sướng” của chính mình. “Cái tôi” đôi khi còn được giới trẻ hưởng ứng bằng cách tiêu tiền như nước tại các vũ trường, quán bar… sang trọng, và chắc chắn đó không phải là những đồng tiền mồ hôi nước mắt do họ kiếm ra. Tệ hơn nữa, “cái tôi” biến tướng trở thành tính hung hăng, bất cần đời khi những băng nhóm tội phạm trẻ ngày càng nhiều, mang lại nỗi kinh hoàng và bất an cho xã hội.

Khắp trên các diễn đàn, trang mạng xã hội ta đều dễ dàng bắt gặp những slogan như “hãy là chính mình”, “chỉ có riêng tôi”… và cổ súy cho mỹ từ “cá tính”. Nhiều bạn trẻ tìm cách tự khẳng định “cá tính” như làm những điều khác người, nói tục chửi thề; hoặc quan niệm phải yêu gấp, sống vội mới là sành điệu, mới hết mình. Hay quan điểm ăn mặc “càng gây sốc mới có bản sắc”… Họ coi nó như là một thương hiệu cá nhân, một dấu ấn riêng. Trong khi thực tế, “cá tính” hay “cái tôi” chưa bao giờ là thứ trang sức có thể lòe thiên hạ, hoặc là thứ đáng nể phô trương. Vô hình trung, “cái tôi” tiêu cực cổ súy cho lối sống vật chất, coi trọng việc đánh giá hình thức bên ngoài.

Cái tôi hay lối sống vị kỷ? - 1

Ham muốn thể hiện “cái tôi”, cá tính luôn là đặc điểm đặc trưng của những bạn trẻ (Ảnh minh họa)

Khi “tôi” là cái rốn của vũ trụ

Mải mê thể hiện “cái tôi” đến mức ích kỷ, sống vì bản thân, thiếu sự quan tâm đến người khác, một số bạn trẻ quên mất họ đang sống trong một cộng đồng mà mỗi cá nhân là một thành tố tạo nên cộng động đó. Họ dường như quên luôn trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Một cảnh thường gặp trên đường là hình ảnh một đám người xúm xít quanh một vụ tai nạn. Không ít nam thanh nữ tú đứng chỉ trỏ, bàn luận hoặc hờ hững bỏ đi mặc cho người bị nạn đang cầu cứu. Hay một tiếng kêu “ăn cắp, ăn cắp” vang lên lạc lõng giữa phố đông… nhưng không ai có một hành động khả dĩ nào để ngăn chặn tên tội phạm hoặc giúp đỡ nạn nhân. Hay đơn gairn chỉ là sự quan tâm, chăm sóc gia đình, nhưng người tân yêu gần gũi với mình… không ít bạn trẻ cũng không làm nổi. Chưa kể một số chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân, mặc sức đòi hỏi, đưa ra yêu sách để được cung phụng mà không màng đến việc cha mẹ, người thân có khả năng hay không.

Nghiêm trọng hơn, sự vị kỷ của giới trẻ ngày nay được cho là do lỗi từ người lớn. Khi đời sống nâng cao, kinh tế gai đình trở nên khá giả thì những đứa trẻ trở thành trung tâm của gia đình, là “cái rốn của vũ trụ” nên một số bạn trẻ thường bỏ ngoai tai những lời khuyên của người lớn. Và đôi khi sự liều lĩnh nhưng thiếu kinh nghiệm của họ dẫn đến những quyết định sai lầm phải trả giá quá đắt.

Hiểu đúng về “cái tôi”

TS Tâm lý Vũ Kim Thanh từng chia sẻ: “không phải là giới trẻ không có “cái ta”. Ham muốn thể hiện “cái tôi”, cá tính luôn là đặc điểm đặc trưng của những bạn trẻ, nhưng do muốn thể hiện mình quá nhiều nên nhiều bạn trẻ khiến “cái tôi” đi quá, khiến cho người ta có cảm tưởng lứa tuổi này hơi ích kỷ. Giá mà các phương tiện truyền thông biết hướng phương hướng trẻ đến “cái ta” nhiều hơn, khuyến khích chúng có trách nhiệm với gia đình, xã hội, mà vẫn để “cái tôi” phát triển tự nhiên thì mới hài hòa. Theo tôi, không phải giới trẻ không có ý thức, chẳng qua quá thiếu môi trường và phong trào cho các bạn thể hiện. Cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được xuất bản đã làm say mê và xúc động không chỉ người lớn, mà cả các bạn tuổi teen đó thôi. Điều đó cho thấy các bạn vẫn có nhiều “cái ta” cần được cổ vũ phát triển”. Và hình ảnh một nhóm bạn trẻ tự kêu gọi nhau sơn trắng lại các bức tường bị vấy bẩn ở nơi công cộng, hay những bạn trong màu áo xanh tình nguyện xuống đường phân luồng giao thông, giúp đỡ các thí sinh đi thi đại học… được cho là “cái tôi lớn”.

Nói một cách khách quan, “cái tôi” không phải là khái niệm xấu nên không muốn nói là khái niệm xấu nếu không muốn nói là cần thiết cho sự hòa hợp và phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ quan hệ “cái tôi” – “chúng ta” là quan hệ hữu cơ, cũng như cá nhân chỉ là cá nhân khi đặt trong quan hệ với xã hội. Vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào, “cái tôi” hay cá nhân cũng không thể đứng ngoài những chuẩn mực đạo lý, văn hóa, cộng đồng nhất định. Hãy bắt đầu từ những “cái tôi nhỏ” là “cái tôi” sống có trách nhiệm với bản thân, trau dồi tri thức, tài năng, biết quan tâm đến những người xung quanh, biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn…

Trên thực tế, nếu một người không thể đứng vững trên chính đôi chân của mình, không có khả năng thực sự thì cũng không thể hiện được cái bản sắc riêng của chính mình, cũng không thể nào khẳng định: “Mình chính là một con người mà thế giới này không thể khuyết thiếu”. Nhưng nếu chỉ chăm chăm nghĩ đến bản thân mà không màng đến những điều xung quanh thì cũng không thể trở thành “Một con người mà thế giới không thể khuyết thiếu”. Trong sự vận động của xã hội luôn luôn có sự cộng hưởng, để “tôi” là cái rốn của vũ trụ thì trước hết “tôi” phải là “của chúng ta”, “trong chúng ta” trước đã.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cẩm Ngọc (Thế giới đàn ông)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN