Bi kịch người đàn bà khát khao làm mẹ

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Miền đã không đủ tư cách để làm một người mẹ và cũng không có được diễm phúc đó.

Miền sinh ra ở vùng sơn cước, bố mẹ nghèo lam lũ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Năm cấp 3 đang học dưới trường huyện, mẹ cô bỗng gọi điện thông báo “bố con đã qua đời, chị em con nhanh về còn gặp mặt bố”. Miền không kịp xin cô giáo chủ nhiệm mà tất tả tìm lũ em rồi bắt xe về nhìn bố lần cuối.

Gặp được đàn con, bố Miền trút hơi thở cuối cùng than thản. Miền tin là bố đã mãn nguyện bởi mơ ước của ông là các con đều biết chữ, nhưng giờ đứa nào cũng lên cấp 3, không những thế còn nhất nhì trường huyện.

Miền không thể diễn tả được hết niềm vui ngày cô ra thành phố nhập học. Đứng giữa trời Hà Nội, Miền thấy không khí thật ồn ào, náo nhiệt, những chiếc xe hơi bóng loáng chạy qua như trêu ngươi sự tò mò của Miền. Rồi những cô nàng váy ngắn, son phấn lòe loẹt cứ lượn đi qua lại khiến Miền không thể rời mắt.

Hiểu được nỗi cơ cực của mẹ và để có tiền nuôi em, Miền đã phấn đấu học tập thật tốt, ngoài ra cô còn tham gia làm thêm tại căng tin của trường. Vì Miền xinh đẹp nổi bật nên cô được rất nhiều chàng trai chú ý, trong đó có cậu con trai hiệu trưởng trường mà cô đang theo học. Hàng ngày, cứ đến giờ ăn trưa miền lại tất tả ngược xuôi phục vụ cơm nước tại căng tin. Những hôm đó, Thụy - con trai hiệu trưởng lại kéo cả lũ bạn xuống vừa ăn cơm vừa ngắm Miền.

Sau một thời gian hoa, quà theo đuổi, cuối cùng Miền cũng gục ngã trước những lời đường mật của Thụy. Nhưng Miền đâu có ngờ, anh chàng này chỉ là một gã Sở Khanh. Hắn vì lời thách đố của mọi người tán đổ “mỹ nữ xinh đẹp bán cơm” mà lừa gạt sự ngây thơ của Miền. Những cảnh hôn hít của Miền và hắn bị bạn bè trong trường đưa ra đàm tiếu. Miền từ một con bé ngây thơ, trong sáng bỗng dưng nổi tiếng vì hư hỏng. Bà chủ căng tin thấy thế cũng vội vàng cho Miền nghỉ việc vì lý do “không chứa chấp gái hư hỏng, làng chơi”.

Gọi điện về nhà, mẹ Miền rối rít hỏi thăm không ngớt lời dặn con “chăm ngoan học tốt”, mẹ còn nói “Con là lá bài chủ át của gia đình, là hi vọng để mẹ và em dựa dẫm đó. Cố lên con nhé”. Miền nhanh chóng chào mẹ, rồi nức nở khóc. Cô không dám về phòng vì sợ bạn bè chê cười, Miền chỉ biết lang thang trên những con phố. Và rồi, trong lúc đau khổ nhất cô đã gặp Linh, một cô gái xinh đẹp và có cảnh ngộ giống như Miền trước đây. Linh đã đưa Miền vào một quán cafe gần trường, tại đây Miền đã trút lời tâm sự. Linh cũng khóc và đồng cảm với Miền. Hai người hàn huyên rất lâu, trước khi ra về, Linh còn đưa số điện thoại cho Miền, Linh dặn nếu cần giúp đỡ, Miền hãy gọi điện cho Linh.

Như tìm được người bạn tâm giao, từ hôm đó, Miền thường xuyên tìm đến Linh và trút bầu tâm sự. Nắm được điểm yếu của Miền, Linh đã dễ dàng đưa miền vào chốn ăn chơi trụy lạc. Miền từ cô gái chân chất bỗng chốc trở thành một người khác. Với số tiền kiếm được từ những cuộc tình chóng vánh, Miền khoác lên mình những bộ cánh đắt tiền. Những bạn cùng phòng cũng lờ mờ nhận ra được sự thay đổi đó, càng ngày họ càng tỏ ra e ngại khi nói chuyện với cô. Nhưng Miền cũng chẳng quan tâm tới họ lắm, bởi theo như Linh nói với Miền: “Mày đừng quan tâm tới bọn ranh đó nói gì, nó có cho mày tiền để mày sống như mấy ông đó đâu. Mà có đẹp thì người ta mới để ý, cứ như mấy con phòng mày quả là xấu toàn tập”.

Trong một lần đi khách, Miền tự dưng kiệt sức, ngất xỉu và được đưa vào viện. Khi tỉnh dậy, Miền được thông báo là có thai gần 5 tháng, Miền hoảng sợ vì không hay biết gì. Cầu cứu Linh, Miền chỉ nhận được câu trả lời tàn nhẫn. Và cuối cùng sau nhiều ngày suy nghĩ, Miền đã quyết định cho đi đứa con của mình. Bởi trong những ngày nằm viện, Miền nằm cạnh một cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, họ đã nghe câu chuyện ăn năn hối lỗi về cuộc đời của Miền. Họ thương cô và thương cho đứa bé. Khi biết Miền không đủ điều kiện kinh tế, họ đã ngỏ ý “xin” nuôi đứa bé và đưa cho Miền một khoản tiền không nhỏ, sau đó bắt Miền không bao giờ được nhận lại con. Miền nhìn đứa con trai đẹp như thiên thần mà lòng đau như cắt, nhưng cô không đủ tư cách và điều kiện nuôi đứa bé.

Bi kịch người đàn bà khát khao làm mẹ - 1

Khao khát được làm mẹ thôi thúc Miền âm thầm đi tìm lại đứa con năm xưa (Ảnh minh họa)

Sau lần đó, Miền lại lao vào cuộc sống trụy lạc cho tới lúc ra trường. Không những có tiền nuôi bản thân mà Miền còn có tiền lo cho các em ăn học. Tới ngày ra trường Miền được một “đối tác” chạy cho một suất về làm giáo viên ở tỉnh nhà. Lúc đó, cô quyết định từ bỏ tất cả, Miền tự hứa với bản thân sẽ quên hết và làm lại từ đầu để có một cuộc sống bình yên như bao người phụ nữ khác.

Nhưng với chừng đấy cuộc tình, cùng với những lần đến bênh viện trong đau đớn, Miền đâu có ngờ rằng “cô chẳng thể làm mẹ”. Kết hôn ở tuổi 25 nhưng Miền chẳng thể có thiên chức làm mẹ. Và 2 năm sau, chồng Miền cũng cạn kiệt sức lực vì chờ đợi, thêm vào đó khi biết được quá khứ của Miền, dù muốn chấp nhận nhưng anh đã không vượt qua định kiến của gia đình. Hai người ra tòa sau 1 tháng chồng Miền biết được sự thật.

Quá đau khổ, Miền cứ sống lầm lũi, cô già đi trông thấy. Khi bước qua tuổi 30 Miền đã chấp nhận làm vợ lẽ một người đàn ông, trước đây từng là khách của Miền. Chồng thứ hai của Miền có tới 4 người con, nhưng chẳng ai gọi Miền một tiếng mẹ. Dù Miền rất khao khát và nhiều lần gợi ý, dù Miền rất tốt nhưng chúng cũng chỉ gọi Miền là dì.

Khao khát được làm mẹ thôi thúc Miền âm thầm đi tìm lại đứa con năm xưa. Dù đã ngoài 50, nhưng Miền cứ nghĩ mọi việc cứ như ngày hôm qua. Miền đã sinh ra một đứa con, mà cô chưa kịp hỏi người ta sẽ đặt tên nó là gì? Miền đã bật khóc khi biết, con giờ là chàng tiến sỹ trẻ tuổi. Con trai của Miền sống rất hạnh phúc cùng bố mẹ nuôi. Nhiều lần Miền trốn chồng xuống để ngắm con trai, và cô bị người mẹ nuôi bắt gặp khi đứng lấp ló ngoài cổng nhà. Người đàn bà đó nhẹ nhàng khuyên nhủ và cầu xin Miền đừng gặp lại nữa bởi vì đám cưới của con trai Miền sắp diễn ra.

Miền đã không kìm được hạnh phúc và khát khao, Miền quỳ xuống cầu xin người mẹ đó một lần cuối được nhìn thấy con trai trong ngày cưới. Miền đứng khóc mãi cho tới khi con trai và con dâu bước vào nhà thờ làm lễ cầu hôn. Hai chân cô run bần bật không đứng vững vì đau, lẽ ra cô đã có quyền được làm mẹ như bao người khác. Giây phút thiêng liêng khi đọc tên bố mẹ chú rể, Miền đã lao vào và gọi tên con, Miền tự nhận mình là mẹ và kể lại câu chuyện năm xưa, mong con mình tha thứ.

Miền không ngờ, chính mình đã tạo ra một bi kịch, cậu con trai của Miền ban đầu có bất ngờ nhưng rồi trấn tĩnh lại: “Cháu rất cảm thương cho số phận của bác, nhưng cháu nghĩ rằng bác đã nhầm, vì cháu chỉ có một người mẹ và bà ấy đang đứng cạnh cháu đây ạ. Những tháng năm mẹ cháu vất vả, thức khuya dậy sớm chăm cho người con duy hất là cháu đây. Câu chuyện của bác cháu hiểu. Công lao sinh thành của bác cháu hiểu, nhưng bác không nuôi cậu con trai đó dù chỉ một ngày. Bác chỉ sống cho riêng mình… Cháu nghĩ bác chưa đủ tư cách để làm một người mẹ. Cháu tin người con của bác có lẽ cũng chẳng thể chấp nhận được thực tế đó”.

Miền đã khóc trong sự đau khổ, bởi lời nói đó chính là sự từ chối, lời mắng nhiếc đến nhân cách của một người mẹ bỏ rơi con. Đúng vậy Miền đã không đủ tư cách để làm một người mẹ và Miền sẽ mãi mãi không có được diễm phúc đó.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Người đàn bà "ba đời chồng"

Người đàn bà tham tình hám tiền

Người đàn bà "dại dột"

Người đàn bà bất hạnh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chương Tương (Đời sống & pháp luật)
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN