Uẩn khúc sau cái chết của học viên cai nghiện
Ông Ngoan cho biết kết quả khám nghiệm thi thể cháu ông cho thấy Hiếu bị gãy nhiều xương sườn, chân tay bị bầm tím nhiều nơi, má và mang tai bị rách.
Sẩm tối 1/10, gia đình bà Phạm Thị Thấm (62 tuổi ở xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, Hải Dương) có khá nhiều người ngồi trong phòng khách.
Bà Thấm cho biết, số khách trên là người thân của một vài cán bộ đang công tác ở Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh Hải Dương (nơi con trai bà là Vũ Đức Hiếu vào để cai nghiện). Đây là lần thứ 3 họ đến đề xuất chuyện hỗ trợ gia đình sau cái chết của con bà.
"Họ nói rằng con cháu họ còn trẻ nên cần gia đình có cái nhìn thông cảm. Tuy nhiên, chúng tôi quyết đưa vụ việc ra ánh sáng để xem vì sao Hiếu chết và đề nghị cơ quan công an làm rõ để xử lý nghiêm", bà Thấm nói.
Người phụ nữ từng làm bác sĩ trong ngành y với dáng vẻ phúc hậu ngước nhìn về phía di ảnh của con trai sụt sùi kể, gia đình bà chỉ có Hiếu là duy nhất. Năm 2009, nam thanh niên này nên nghĩa vợ chồng với một cô gái ở Bình Dương. Nhưng chỉ một năm sau, không muốn vợ phải chung sống cùng người chồng nghiện ngập, Hiếu đã đồng ý li dị.
Vướng vào cảnh nghiện ngập gần chục năm (từ 2005), Hiếu đã được đi nhiều nơi để cai nhưng không mấy hiệu quả. Vì thế, trung tuần tháng 6, anh ta bị đưa vào Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh Hải Dương. "Tôi hi vọng đưa vào đây để mong con thành người dù đó chỉ là tia hi vọng nhỏ nhoi. Nhưng không ngờ chỉ được ít thời gian hai mẹ con phải xa nhau mãi", mẹ học viên Hiếu nghẹn lời.
Khuôn viên bên trong trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội. Ảnh: Hà Anh.
Đến khi nhận được xác, bà bảo duy nhất 2 lần được vào thăm con. Lần thứ 3 đến thăm bà nhận được thông báo của lãnh đạo trung tâm rằng Hiếu đang bị cách ly 2 tuần do có dính líu đến vụ đánh nhau.
Trong album ảnh cưới, Hiếu đeo cặp kính cận với dáng vẻ điển trai, cao to. Nhưng theo lời bà Thấm, lần thứ 2 đến gặp, bà thấy con trai gầy đi nhiều, lộ rõ nét buồn trên gương mặt. "Cháu nó tâm lý nên vẫn động viên tôi rằng không được đi chữa bệnh đêm vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Lần đến thăm cuối cùng, cháu nó cũng không đòi hỏi bất cứ điều gì", người mẹ trải lòng.
Theo lời kể, khuya 26/9 có người đến gặp bà Thấm rồi thông báo Hiếu có vấn đề trầm trọng. Đợi đến khi nhận được cuộc điện thoại thông báo của trung tâm rằng con trai đang nằm ở bệnh viện đa khoa Chí Linh, người phụ nữ cùng người thân trong gia đình tất tưởi đến nhà xác gặp con.
"Cháu tôi bị gãy nhiều xương sườn; gan và phổi đều bị tổn thương. Ngoài ra mang tai, má đều bị rách. Theo hồ sơ, cháu tôi được chuyển đến viện trong tình trạng tim đã ngừng đập, chân tay phù nề", ông Phạm Văn Ngoan (65 tuổi, bác của Hiếu) chia sẻ.
Ông cho biết cháu mình là người đàn giỏi hát hay. Dù có bằng trung cấp kế toán nhưng Hiếu chưa đi làm ở bất cứ đâu. Đây là lần đầu Hiếu vào trung tâm này để cai nghiện với thời gian bắt buộc là 24 tháng.
Kể về nạn nhân xấu số, người phụ nữ trẻ nói, trên danh nghĩa dù hai người không còn là vợ chồng nhưng chị vẫn ra Bắc để lo hậu sự cho Hiếu. "Chia tay rồi nhưng tôi và anh ấy vẫn thường xuyên liên lạc thăm hỏi nhau. Giờ chỉ thương mẹ anh ấy không còn nơi nương tựa", người phụ nữ nói với đôi mắt đỏ hoe.
Vài ngày sau khi xảy ra sự việc, công an tỉnh Hải Dương cho biết chưa thể cung cấp các thông tin có liên quan. Còn phía Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh này tiết lộ có 3 cán bộ của trung tâm đã bị tạm giữ để điều tra, tuy nhiên danh tính chưa được tiết lộ. "Chúng tôi có cả nghìn cán bộ sao nhớ được hết tên tuổi của ai. Các anh cần thông tin gì thì gửi văn bản tôi trả lời...", ông Lưu Văn Bản - Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Hải Dương nói.
Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh Hải Dương thành lập được gần 20 năm. Nơi đây hiện có khoảng 400 học viên, phần lớn thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Thời gian cai là 24 tháng.