Tổ chức của trùm giang hồ Minh Sâm hoạt động thế nào?

Các chủ gỗ trong vụ án Minh Sâm đều cho rằng việc trùm giang hồ và đồng bọn đặt ra các loại phí để thu là vô lý, gây bức xúc lớn, nhưng họ vẫn phải nộp tiền, nếu không sẽ bị trả thù mất đường làm ăn.

Coi thường pháp luật

Tại chợ gỗ Đồng Bèo, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh Sâm) đã cho lập ra Ban quản lý chợ (BQL) và giao cho con gái là Nguyễn Thu Hằng làm trưởng BQL. Dưới quyền của Hằng là Trần Thái Sơn (chồng Hằng) và 4 -5 đàn em khác. Nhiệm vụ của BQL là thu các khoản lệ phí mà Minh Sâm tự ý đặt ra như phí bến bãi đối với các xe chở gỗ vào khu vực xã Phù Khê, các hộ kinh doanh trong chợ và các xe chở gỗ qua đường Nguyễn Văn Cừ, thị xã Từ Sơn.

Tổ chức của trùm giang hồ Minh Sâm hoạt động thế nào? - 1

Trụ sở công ty TNHH Đại An (ảnh lớn) của trùm giang hồ Minh Sâm (ảnh nhỏ)

Căn cứ vào 99 quyển phiếu thu và sổ sách khác, cũng như lời khai của các bị can, cơ quan điều tra đã làm rõ, thời gian từ tháng 6.2012 đến tháng 8.2014, Minh Sâm và đồng bọn đã thu lời bất chính hơn 5,3 tỷ đồng. Trong đó, có gần 4,9 tỷ đồng là tiền phí bến bãi và phí các xe nhỏ chạy qua đường Nguyễn Văn Cừ. Tiền phí thu từ xe công nông hơn 438 triệu đồng, khoản tiền này Minh Sâm cho con gái và con rể hưởng.

Theo cơ quan CSĐT - Bộ Công an, bản thân Minh Sâm là đối tượng có tiềm lực về kinh tế, nhân thân có tiền án về các tội Trộm cắp tài sản, Cướp tài sản nên có "số" trong giới giang hồ. Không chỉ vậy Minh Sâm còn có quan hệ với các quan chức. Do đó ông trùm này đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền ngang nhiên hành động phi pháp, coi thường pháp luật.

Kiểu bắt ép các chủ gỗ, lái xe phải "làm luật" của Minh Sâm và đồng bọn đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Cũng đã có nhiều chủ gỗ phản đối, không chấp hành và họ đã phải nhận được những trả thù khác nhau.

Muôn kiểu "dằn mặt"

Trong số những vụ chủ gỗ bị trả thù nổi lên vụ anh Dương Văn B, Vũ Văn T và Trần Anh T (Từ Sơn, Bắc Ninh). Do những anh này không chấp hành việc vào bãi đóng phí theo yêu cầu của BQL nên đã bị đốt xe cùng toàn bộ số gỗ trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Trường hợp chị Nguyễn Thị C (Từ Sơn) cũng không chịu vào bãi và nộp tiền cho BQL nên bị Phạm Văn Đức (đàn em Minh Sâm tìm vào tận nhà chị C để đánh, chửi lái xe. Để yên ổn làm ăn, chị C đã cũng phải ra nộp tiền cho BQL.

Chỉ là người chạy xe ba gác chở gỗ thuê, ông Nguyễn Văn H (Từ Sơn) đã không nộp phí theo yêu cầu của BQL. Người đàn ông này đã bị xịt hơi cay vào mặt.

Không chỉ "dằn mặt" những chủ gỗ theo kiểu gây gổ, hành hung, đàn em của Minh Sâm còn trả đũa các chủ gỗ bằng cách gọi điện báo công an đến xử lý những lỗi như vi phạm hành chính, giấy tờ thủ tục mua bán gỗ.

Vụ việc 3 xe chở gỗ của anh Nguyễn Đức T, Đàm Công Đ và Hoàng Bá T đang chuyển gỗ từ xe xuống tại khu nhà riêng ở khu đô thị Mạnh Đức, Từ Sơn, vì không nộp phí nên bị con rể của Minh Sâm là Trần Thái Sơn gọi điện báo công an đến bắt giữ, xử lý. Sau khi bị cơ quan chức năng tịch thu một số gỗ và nộp phạt hơn 100 triệu đồng, anh Nguyễn Đức T được lấy xe ô tô và gỗ về. Tuy nhiên sợ bị người của Minh Sâm trả thù nên anh này đã phải đưa xe vào bãi của BQL để đưa gỗ xuống và nộp tiền.

Khi bị bắt để điều tra, Minh Sâm đã thừa nhận việc chỉ đạo nhân viên thu phí tùy tiện, mang tính cưỡng ép các xe chở gỗ vào khu vực Phù Khê. Việc thu phí chẳng dựa vào nguyên tắc nào, không được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN