Sự thật về 3 sổ khám bệnh tâm thần của đối tượng gây trọng án
Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án giết người và gây rối trật tự công cộng xảy ra tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Đức Quân (26 tuổi, trú tại An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ) hình phạt tù chung thân đối với 2 tội danh: "Giết người" và "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng". Các bị cáo còn lại, gồm: Nguyễn Doãn Cường, trú tại thị trấn Trâu Quỳ; Nguyễn Hữu Chủ, trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình và Nguyễn Mạnh Cường, trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn bị nhận mức án từ 15 tháng đến 18 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Trước đó, vào khoảng 23h ngày 3-10-2017, anh Trần Huy Thành chở vợ đi ăn cháo vịt tại Vườn Dâu, thị trấn Trâu Quỳ thì xảy ra mâu thuẫn với nhóm của Nguyễn Doãn Cường. Thấy chồng bị đánh, vợ anh Thành gọi điện thoại cho Nguyễn Mạnh Cường đến trợ giúp.
Khi Nguyễn Mạnh Cường đến có cầm theo dao, nên nhóm của Nguyễn Doãn Cường chạy vào nhà Trần Đức Quân. Anh Thành vào khu vực nhà Quân để tìm nhóm Nguyễn Doãn Cường thì xảy ra mâu thuẫn với Quân. Sau đó, Quân đã vào phòng lấy khẩu súng dạng colt xoay bắn anh Thành khiến nạn nhân tử vong.
Quá trình điều tra, Quân không có biểu hiện của người mắc bệnh tâm thần, tiếp thu và trả lời chính xác, đúng trọng tâm các câu hỏi của điều tra viên, cán bộ Trại tạm giam số 1 Công an TP Hà Nội và bạn giam cùng buồng.
Ngày 31-7 và ngày 9-8-2018, Trần Đức Quân cùng các đối tượng liên quan bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Quân tỏ ra là người mắc bệnh tâm thần, liên tục hô khẩu hiệu, nói chửi bừa bãi; khuôn mặt biểu cảm ngờ nghệch như người tâm thần...
Bị cáo Quân (ngồi giữa) tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh CTV.
Đồng thời, gia đình bị cáo Quân cũng xuất trình 3 sổ khám bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Viện sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, thể hiện Trần Đức Quân có tiền sử tâm thần, đã điều trị tại 3 bệnh viện nêu trên. Kèm theo 3 sổ khám bệnh là 2 lá đơn xin xác nhận Trần Đức Quân mắc bệnh tâm thần do mẹ của Quân đứng đơn, có chữ ký xác nhận của 2 bác sĩ điều trị...
Trước diễn biến trên, TAND TP Hà Nội phải tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng điều tra làm rõ 3 yêu cầu, trong đó có yêu cầu xác minh bị cáo Trần Đức Quân có tiền sử tâm thần hay không?
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã điều tra xác minh tại 3 bệnh viện nơi Trần Đức Quân có 3 sổ khám bệnh. Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, ông Đỗ Tam Anh, Trưởng khoa khám bệnh của bệnh viện này cho biết: Vào thời điểm các ngày 16-5-2017, 12-6-2017 và 30-6-2017 (là những ngày trong sổ khám bệnh thể hiện Quân đi khám bệnh) không có bệnh nhân nào tên là Trần Đức Quân đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Đồng thời, sổ khám bệnh của bệnh viện trước năm 2018 không đóng dấu treo, nhưng trên sổ khám bệnh của Quân lại có dấu treo? Tiếp tục xác minh tại 2 bệnh viện còn lại trong hồ sơ lưu của bệnh viện cũng không thể hiện có bệnh nhân Trần Đức Quân đến khám, chữa bệnh. Như vậy, 3 sổ khám bệnh của Trần Đức Quân đều là sổ giả.
Kết quả xác minh trên kết hợp với các tài liệu chứng cứ khác, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra bản kết luận điều tra bổ sung tiếp tục đề nghị truy tố Trần Đức Quân về tội "Giết người" và "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".
Đối với các bác sĩ ký tên và xác nhận vào đơn của mẹ bị cáo Trần Đức Quân, cơ quan chức năng đã triệu tập nhưng đều vắng mặt tại địa phương. Tuy nhiên, trách nhiệm của các bác sĩ này sẽ được Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội làm rõ và lập hồ sơ xử lý theo qui định của pháp luật.
Được biết, thời gian gần đây đã xuất hiện bị can, bị cáo giả bệnh tâm thần để trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Qua vụ án này, đề nghị các bệnh viện tâm thần cần tăng cường kiểm tra, “bịt các lỗ hổng” trong công tác quản lý; giáo dục đội ngũ y bác sĩ và cán bộ, nhân viên trong bệnh viện, để không tiếp tay cho các hành vi lập hồ sơ giả mạo bệnh án tâm thần. Pháp luật sẽ trừng trị nghiêm khắc cho bất cứ ai tiếp tay cho hành vi này.
Liên tục sinh con rồi bỏ mặc, khi 2 con chết, Liễu nói: “Chúng nó chết cũng tốt“ ...