Rao bán tiền giả có thể bị truy tố tội gì?

Hành vi rao bán tiền giả có thể bị xem xét truy tố với nhiều tội danh khác nhau, tùy thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan chức năng.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), hành vi rao bán tiền giả trên các trang mạng xã hội có thể bị truy tố và xử lý theo quy định pháp luật. Trách nhiệm pháp lý của các đối tượng rao bán tiền giả sẽ tùy thuộc vào kết luận điều tra của các cơ quan chức năng.

Theo đó, trong trường hợp việc mua bán tiền giả là có thật, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo Điều 180 BLHS. 

Rao bán tiền giả có thể bị truy tố tội gì? - 1

  Mua bán tiền giả trên facebook. Ảnh: Internet.

Ngoài ra, theo  Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đối với tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng dưới 10 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 180 BLHS, phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 180 BLHS, phạt tù từ năm năm đến 12 năm. 

- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ 100 triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 180 BLHS, phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Đối với trường hợp việc rao bán tiền giả là không có thật, các đối tượng chỉ đưa thông tin sai sự thật nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 139 BLHS.

Còn trong trường hợp các đối tượng này chỉ đăng thông tin với mục đích câu view, câu like hoặc tương tự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc. 

Ngoài ra, căn cứ vào mức độ lỗi, thiệt hại và tính chất nghiêm trọng của sự việc, các đối tượng còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, theo Điều 226 BLHS.

Trước đó, trao đổi về vấn đề gần đây trên các trang mạng xã hội đang nở rộ dịch vụ đổi tiền thật lấy tiền giả, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50 - Công an TP Hà Nội) cho biết thực chất các tài khoản cá nhân, hội nhóm trên không hề có tiền giả. Đây chỉ là những chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Các đối tượng sẽ đánh lừa người dùng bằng chiêu thức rao bán tiền giả với mức giá hấp dẫn. Khi nhận được tiền từ khách hàng chuyển tiền bằng thẻ điện thoại hoặc qua tài khoản ngân hàng, các đối tượng này sẽ lập tức “cao chạy xa bay”, cắt đứt liên lạc với nạn nhân. Hiện tại, Phòng PC50 cũng đang điều tra một số vụ việc về loại hình lừa đảo này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN