Ngang nhiên rao bán tiền giả trên mạng

Trên mạng xã hội đang lan truyền nhiều Fanpage và địa chỉ Facebook cá nhân rao bán các loại tiền polymer giả với mệnh giá: 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng

Facebook có tên Bích Ngọc rao: “Bên mình cho đổi 1 triệu tiền thật lấy 5 triệu tiền giả. Tiền giả giống tiền thật 98% làm từ polymer, có hình chìm, chỉ khác chỗ là các tờ tiền giả cùng mệnh giá có số xêri giống nhau, nếu xài 1 tờ thì chắc chắn không phát hiện…”.

“Được cái giống như thật

Người sở hữu Facebook trên còn chỉ dẫn cho khách hàng nên dùng số tiền này để đổ xăng, đi chợ…, nếu ra ngân hàng gửi thì bị phát hiện ngay. “Mấy hôm nay có nhiều người đặt “hàng” quá mà bên em hết rồi, liên hệ với mọi người sau nhé” - Facebook Bích Ngọc rêu rao. Một Facebook khác có tên Linh Tây cũng mời chào: “Mình còn ít tiền giả, anh em nhanh tay nhé. Được cái giống như thật, khác là trùng số xêri thôi, nếu tiêu từng tờ một thì không lo phát hiện. Anh em nào thích thì liên hệ mình nhé, 1 triệu tiền thật đổi được 5 triệu tiền giả, đặt cọc trước 1/3”. Để tạo niềm tin, một số chủ nhân Facebook khác còn cho khách hàng số điện thoại liên hệ và cho biết nếu đổi nhiều sẽ được khuyến mãi, có người giao hàng tận nhà.

Ngang nhiên rao bán tiền giả trên mạng - 1

Một trang Facebook cá nhân rao bán tiền giả

Từ quảng cáo của Facebook có tên “Đổi tiền giả”, chiều 26-1, chúng tôi liên hệ vào số điện thoại 0982307… thì một người xưng tên Việt yêu cầu nhắn tin vì: “Đổi tiền giả mà gọi điện thì có ngày bị tóm”. Qua trò chuyện, người tên Việt cho biết tiền giả chuyển từ nước ngoài qua cửa khẩu mới vào được Việt Nam. “Bên em đã cung cấp hàng cho nhiều người nên anh không phải lo. Sắp Tết, anh muốn đổi thì nhanh lên, ngày mai là bên em hết tiền giả rồi đấy!” - Việt hối thúc. Sau màn giới thiệu, Việt yêu cầu chúng tôi chuyển tiền đặt cọc vào số tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc mua thẻ cào điện thoại rồi gửi số thẻ qua tin nhắn cho anh ta. Khi chúng tôi yêu cầu gặp trực tiếp giao dịch thì Việt nại nhiều lý do để từ chối. “Cứ chuyển tiền đặt cọc qua tài khoản ngân hàng cho em trước, sau đó sẽ có người mang tiền giả đến điểm hẹn cho anh. Nếu anh ở xa thì em cho người gửi qua xe khách hoặc bưu điện… Em làm ăn uy tín, anh không phải lăn tăn nhé” - Việt tỏ vẻ bực bội.

Phá hoại an ninh tiền tệ

Tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, một số người kinh doanh ở TP HCM khẳng định đây chỉ là chiêu thức lừa đảo qua Facebook của một số đối tượng để chiếm đoạt tài sản. “Làm gì có chuyện tiền giả được tuồn từ nước ngoài vào Việt Nam một cách dễ dàng như lời các đối tượng rêu rao. Nếu để ý kỹ sẽ nhận ra những người này chụp ảnh tiền thật rồi dùng Photoshop làm mờ số xêri, điều chỉnh một số hình ảnh trên tờ tiền thật… để lừa gạt” - ông D. (ngụ quận Bình Thạnh) nói. Anh Nguyễn Văn H. (quê tỉnh Nghệ An) cho hay cách đây khoảng 1 tháng, thông qua Facebook, anh và một người bạn có liên hệ với người giới thiệu tên Minh để đổi 2 triệu đồng tiền thật lấy 10 triệu đồng tiền giả. Người này sau đó cung cấp số tài khoản ngân hàng cho anh H., tuy nhiên sau khi nhận được tiền thì lặn mất tăm.

Từ thông tin nạn nhân cung cấp, chúng tôi đã liên hệ ít nhất 5 số điện thoại sử dụng sim khuyến mãi của những người rao bán tiền giả thì đều được yêu cầu chuyển tiền đặt cọc trước. Đáng nói, dù ban đầu những người này rao bán 5 triệu đồng tiền giả lấy 1 triệu đồng tiền thật nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề 1 “ăn” 10 được không thì họ vẫn đồng ý.

Theo một cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, đơn vị này đã nắm được thông tin về những vụ lừa đảo như trên và đang phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc điều tra. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, cho rằng đây là hành vi sản xuất, tàng trữ, lưu thông, sử dụng tiền giả trái pháp luật, phá hoại an ninh tiền tệ quốc gia, gây ảnh hưởng tới an ninh chính trị - xã hội. “Mới đây, NHNN đã có văn bản gửi công an cấp phường, xã, thị trấn hướng dẫn cách nhận biết tờ tiền thật do ngân hàng phát hành trên thị trường. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, NHNN đã phối hợp với cơ quan chức năng, quản lý thị trường… nhằm điều tra từng trường hợp cụ thể” - ông Minh nói.

Bao nhiêu năm tù?

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM), pháp luật quy định NHNN Việt Nam là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Việt Nam. Vì vậy, hành vi của một số người rao bán tiền giả trên Facebook cá nhân thời gian qua có dấu hiệu của tội: “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả” theo điều 180 Bộ Luật Hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung 2009).

“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Đồng thời, theo hướng dẫn tại mục 3 phần I Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự về việc xác định trị giá tiền giả để buộc người lưu hành tiền giả phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 180 Bộ Luật Hình sự thì chỉ cần có hành vi lưu hành tiền giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không phân biệt số lượng là bao nhiêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Hưng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN