Ông Nguyễn Bá Thanh đến dự phiên xử Huyền Như

Khoảng 10h, sáng 15-1, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, đã đến tòa, theo dõi phiên xử án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm qua màn hình ở phòng trong.

Ông Nguyễn Bá Thanh âm thầm đến dự tòa một mình. Được biết, ông chỉ theo dõi tòa xử trong khoảng 1 giờ.

23 bị cáo trong vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM, nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) đã được các luật sư hoàn tất phần bào chữa vào sáng 15-1.

10h30, luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS) nói: Công ty SBBS không đồng ý với tư cách là nguyên đơn dân sự và yêu cầu VietinBank Chi nhánh TP HCM phải có trách nhiệm trả lại số tiền 210 tỉ đồng.

“Cáo trạng đã biến công ty SBBS thành nạn nhân trực tiếp của Huyền Như và trở thành pháp nhân bị thiệt hại do chính hành vi lừa đảo của Huyền Như… VKSND TP HCM đã không đi sâu phân tích mối quan hệ nhân quả giữa các thủ đoạn gian dối của Huyền Như với hậu quả của việc chiếm đoạt tiền do các “sơ hở” của VietinBank để xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án này, lại quy hết trách nhiệm cho Huyền Như để “giải thoát” cho VietinBank. Đây chính là mâu thuẫn cơ bản nhất trong lập luận của vị đại diện VKS thực hiện quyền công tố trước tòa”- luật sư Tâm nhận xét.

Luật sư Tâm cũng cho biết đã gặp những khó khăn nhất định khi đại diện VietinBank được HĐXX cho phép ghi nhận những câu hỏi của các luật sư và sau đó sẽ trả lời chung chứ không phải trả lời trực tiếp từng câu. “Đây là một ngoại lệ hiếm thấy trong tố tụng xét hỏi”- luật sư Tâm nhận định.

Ông Nguyễn Bá Thanh đến dự phiên xử Huyền Như - 1

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, phản đối những lập luận của đại diện VKSND TP HCM trong phiên tòa xét xử "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

Ngoài ra, ông Tâm cũng phân tích diễn biến hành vi phạm tội của Huyền Như được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối để “dụ” công ty SBBS gởi tiền vào VietinBank Chi nhánh TP HCM. Giai đoạn 2, Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối trong nghiệp vụ ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của công ty SBBS tại ngân hàng VietinBank Chi nhánh TP HCM.

“Các thủ đoạn gian dối của Huyền Như, SBBS không biết nên không phải là đơn vị bị Huyền Như lừa, mà chính VietinBank đã bị Huyền Như qua mặt như VKSND TP HCM đã phát biểu trong lời luận tội. Do đó, VietinBank Chi nhánh TP HCM mới là nạn nhân, đơn vị bị hại trong hành vi chiếm đoạt 210 tỉ đồng của Huyền Như”- luật sư Tâm lập luận.

Bên cạnh đó, luật sư này còn đưa ra nhiều tình tiết “dấu hiệu gì đó không bình thường” trong những ngày theo dõi diễn biến phiên tòa. Đó là việc đại diện VKSND TP HCM thực hiện quyền công tố tại tòa đã trả lời không cần xét hỏi gì thêm trong khi có rất nhiều mâu thuẫn nảy sinh cần được VKSND TP HCM xét hỏi, làm rõ để bảo vệ quan điểm truy tố cũng như thái độ trả lời né tránh của Huyền Như và đại diện VietinBank trước các câu hỏi của luật sư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kha Miên (Người Lao Động)
"Siêu lừa" 4.000 tỷ Huỳnh Thị Huyền Như Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN