Giấc mơ hoang và cuộc đào tẩu sinh tử

Sự kiện: Tin pháp luật

Từ đầu năm 2022 tới nay đã có hàng loạt vụ người lao động Việt Nam vì tin lời dụ dỗ sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao” đã phải bỏ trốn, thậm chí gia đình phải gửi tiền chuộc mới được trở về. Mới đây nhất, sáng 18-8, hàng chục người Việt Nam nhảy xuống sông Bình Ghi để trốn chạy khỏi casino Rich World (trước đây tên casino Kinh Sa, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia)...

Do khu vực này đối diện chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 21, đóng quân địa bàn khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nên khi nhiều người bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam sáng 18-8 đã được phát hiện, nhưng đã có một nạn nhân bị đuối nước. Vụ việc này một lần nữa là bài học cho những người nhẹ dạ tin vào lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao” nơi đất khách.

Cuộc đào tẩu sinh tử

Sông Bình Ghi đoạn xảy ra vụ việc rất sâu và nước chảy xiết. Những năm trước đây, thường có trẻ em tắm sông và xảy ra tai nạn đuối nước nên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang đã cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu, trẻ em không được đi bơi khi không có sự giám sát của người lớn.

Hàng chục người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, bơi qua sông Bình Ghi để về Việt Nam.

Hàng chục người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, bơi qua sông Bình Ghi để về Việt Nam.

Ông Lê Bình Hổ (khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình), người trực tiếp chạy vỏ lãi ra sông cứu vớt những người trốn chạy, cho biết, sáng 18-8, ông đang chuẩn bị mở kho để lấy xe máy đi làm thì nghe bên kia sông có tiếng la hét, đánh nhau. “Khi tôi nhìn sang bên kia sông thì phát hiện nhiều người từ trên bờ nhảy xuống sông lội về bờ bên này. Lúc đó tôi tri hô, có thêm 2 người nữa cùng tôi chạy vỏ lãi ra để ứng cứu, chở được nhiều người vào bờ an toàn. Vỏ lãi tôi chở đầy người thì quay vào bờ chứ không nhớ rõ là bao nhiêu người. Sau khi thấy không còn ai ở dưới sông nữa thì kiểm tra có 40 người, trong đó có 5 nữ”, ông Hổ nói.

May mắn vụ việc xảy ra vào ban ngày nên người dân phát hiện và ứng cứu kịp thời những người trốn chạy khỏi casino. Vụ việc được chốt 21 tiếp nhận và báo cáo đến các cơ quan chức năng có liên quan. Sau khi sơ cứu cho những người bị thương, tổng số 40 người được đưa đến Trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng xã Đa Phước để được chăm sóc, ăn uống, nghỉ ngơi.

Anh Lê Đình Hải (cư trú tỉnh Gia Lai) chia sẻ, anh cùng một số người khác chấp nhận vượt biên trái phép sang Campuchia với ước mơ có một công việc ổn định, thu nhập cao. Tuy nhiên, khi sang Campuchia, anh phải đối mặt với sự thật tàn khốc: “Khi được đưa đến casino, quản lý cho tôi một cái app, sau đó tôi giả trai hoặc gái để lừa đảo chính người Việt Nam mình. Bọn chúng cho chỉ tiêu, 5 ngày phải kiếm được 2 khách và lừa được 10 đến 15 triệu, nếu ai không kiếm được, bọn chúng đưa vào “danh sách đen”. Nếu 5 ngày liên tiếp mà không hoàn thành chỉ tiêu là bị bọn chúng đưa lên lầu để chích điện vào người và 5 ngày sau nữa mà không kiếm được tiền, chúng lại mang đi bán cho công ty khác. 4 tháng, tôi bị đánh 2 lần và đưa lên lầu 8 tại casino để chích điện, khi chích điện là bị còng vào một cái ghế, cùng lúc có 3 đối tượng chích điện vào chân, bụng và vùng đầu. Đến khi nào thấy gần ngất đi thì bọn chúng mới thôi và nhiều trường hợp đã chết vì không chịu nổi tra tấn”. Sau 4 tháng bị bóc lột sức lao động tại casino Rich World, anh Hải cùng những người nơi đây đã quyết định tổ chức tháo chạy khỏi nơi này.

Cơ quan Công an lấy lời khai những người trốn khỏi casino ở Campuchia để phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan Công an lấy lời khai những người trốn khỏi casino ở Campuchia để phục vụ công tác điều tra.

Còn anh Nguyễn Quốc Thắng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) vừa kể, vừa khóc khi nhớ lại cảnh lao động tại casino. Anh Thắng cho biết, tháng lương đầu anh được hơn 500 USD nhưng từ những tháng sau đó, anh bị trừ dần, trừ vì không đạt chỉ tiêu, doanh thu... Không chỉ bị bớt tiền lương, anh và những người lao động tại casino này còn bị quản lý ở đây đánh đập. “Chúng đánh người ngay tại phòng làm việc. Bà con mình đừng có nghe lời dụ dỗ qua bên đó làm việc nhẹ, lương cao mà ham. Công việc rất áp lực mà lại bị đàn áp, ăn uống thì không được no, nhưng phải làm 13-14 tiếng/ngày. Còn bị đánh thì cứ như cơm bữa...” - anh chia sẻ.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, những người trốn chạy khỏi casino ở Campuchia về Việt Nam khai nhận, trước đó do tin vào những lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700-1.000 USD/tháng trên các nền tảng mạng xã hội nên họ đã vượt biên trái phép sang Campuchia. Khi đến nơi, công việc hằng ngày của họ là làm game online và lên các trang mạng theo sự chỉ đạo của quản lý casino. Do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi, không được trả lương, nên nhóm người này thống nhất bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam.

Với ý định trốn nhưng không biết trốn đi đâu vì xứ lạ quê người, lợi dụng lúc sơ hở, những người ở casino đã lén nhìn qua cửa sổ và thấy bên kia sông Bình Ghi có quốc kỳ Việt Nam, nên quyết định phá rào bơi qua sông để về nước. Theo kế hoạch, hàng chục thanh niên đã lợi dụng lúc giao ca buổi sáng của nhóm bảo vệ casino, chỉ có 7-8 người túc trực, cổng rào không khóa, đồng loạt lao ra tấn công bảo vệ, mở toang cửa cho những phụ nữ. Tiếp đó, những thanh niên còn lại trong nhóm cầm theo "bom xăng" ném chặn đường các đối tượng bảo vệ, tạo cơ hội cho những người khác có thời gian thoát thân. Tất cả, dù biết bơi hay không vẫn lao xuống sông Bình Ghi để cố qua bên kia bờ...

Những người trốn khỏi casino ở Campuchia được bố trí ăn nghỉ tại Trung tâm Văn hóa và học tập cộng đồng xã Đa Phước.

Những người trốn khỏi casino ở Campuchia được bố trí ăn nghỉ tại Trung tâm Văn hóa và học tập cộng đồng xã Đa Phước.

Ngoài mức lương “cao như mơ”, các đối tượng lừa đảo đã dùng thủ đoạn hỗ trợ toàn bộ chi phí, thậm chí là hỗ trợ nơi ăn, chốn ở, xe đưa rước tận tình cho những người xuất cảnh sang Campuchia làm việc. Trước khi lên đường sang Campuchia, những người xuất cảnh cùng có chung suy nghĩ: Nơi đâu cũng là lao động miễn sao có thu nhập cao, nếu qua đó làm không được thì quay về quê hương, xem như một chuyến du lịch “0 đồng”, thế nhưng đời không như là mơ...

Có dấu hiệu tội phạm mua bán người

Ngày 20-8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng: Nguyễn Thị Lệ (SN 1980) và Lê Văn Danh (SN 1988, cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Trong số 40 người trốn khỏi casino ở Campuchia về Việt Nam, Lệ cùng Danh khai nhận đã đưa 6 người xuất cảnh trái phép để nhận tiền công 100.000 đồng/người. Ngoài ra, Lệ còn thừa nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại casino.

Theo Cơ quan An ninh điều tra, những ngày qua, trên một số trang mạng xã hội có thông tin cho rằng những người trốn chạy khỏi casino là những đối tượng nghiện ma túy, đây là những thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Qua kết quả xét nghiệm, xác định cả 40 người trốn khỏi casino ở Campuchia đều âm tính với ma túy.

Phóng viên phỏng vấn ông Lê Bình Hổ - người chạy vỏ lãi ra sông hỗ trợ những người trốn chạy khỏi casino ở Campuchia.

Phóng viên phỏng vấn ông Lê Bình Hổ - người chạy vỏ lãi ra sông hỗ trợ những người trốn chạy khỏi casino ở Campuchia.

Thượng tá Nguyễn Hữu Thơ - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang cho biết, trước khi xảy ra vụ việc 40 người trốn chạy khỏi casino vượt biên về Việt Nam thì từ đầu năm đến nay Công an tỉnh An Giang cũng đã tiếp nhận các trình báo, vụ việc liên quan đến tình trạng người dân trên địa bàn bị lừa qua Campuchia để làm việc trong các công ty game online. Nếu người lao động muốn chở về Việt Nam thì phải liên hệ người nhà chuyển tiền chuộc vào tài khoản của các đối tượng.

Đa phần các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia “việc nhẹ, lương cao”, nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng...

Cụ thể, sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở, tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác.

Đối tượng Nguyễn Thị Lệ và đối tượng Lê Văn Danh

Đối tượng Nguyễn Thị Lệ và đối tượng Lê Văn Danh

Thượng  tá Nguyễn Hữu Thơ khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội. Người dân không tiếp tay, giúp đỡ cho nhóm đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép. Khi phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép, cần thông báo Cơ quan công an gần nhất. Nếu người dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Đồng thời, người dân thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị lừa, mua bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân... để liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.

Nguồn: [Link nguồn]

Lời kể của 2 người cứu 40 nạn nhân chạy khỏi casino ở Campuchia

Theo anh Xẹn và anh Hùng, khi cả hai bơi vỏ lãi ra cứu thì bị người ở casino ném đá tấn công, họ cũng tận mắt chứng kiến cảnh đánh đập người bị bắt lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Lĩnh ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN