Gây án mạng khi cứu vợ: Phòng vệ hay giết người?

Theo các chuyên gia, khi thấy vợ bị bắt cóc mà bản thân còn bị tấn công khi ra can ngăn, anh Giao được quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi, an toàn tính mạng của mình và người thân.

Hiện trường nơi xảy ra vụ án.

Hiện trường nơi xảy ra vụ án.

Ngày 17/11, Công an tỉnh Vĩnh Long vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc anh Trần Ngoại Giao (30 tuổi, ở xã Long An, huyện Long Hồ) bị tạm giữ để điều tra liên quan đến vụ làm 3 người thương vong khi giải cứu vợ bị nhóm người bắt cóc.

Được phép phòng vệ chính đáng

Liên quan đến vụ việc này, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia nghiên cứu tội phạm cho biết, phòng vệ chính đáng là việc chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, hoặc của người khác để bảo vệ những quyền và lợi ích đó.

“Trước đây yêu cầu việc phòng vệ phải tương xứng với hành vi tấn công, nhưng tư tưởng này đã bị loại bỏ, vì trên thực tế người phòng vệ không thể biết tự vệ thế nào thì tương xứng”, Trung tá Hiếu cho hay.

Theo Trung tá Hiếu, anh Giao thực hiện hành vi đâm chết người trong hoàn cảnh vợ anh đang bị tấn công, khống chế, đưa lên xe ô tô. Anh Giao tiến đến can ngăn thì bị các đối tượng đánh, xịt hơi cay nên đã chống trả. Hành vi chống trả này nhằm vào đúng các đối tượng đang có hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng anh Giao, cũng là đúng thời điểm hành vi tấn công đang xảy ra.

Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia nghiên cứu tội phạm.

Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia nghiên cứu tội phạm.

Ngoài ra, tương quan lực lượng, công cụ phương tiện, sự chủ động...của đối tượng tấn công hơn hẳn người phòng vệ. Anh Giao cũng có mục đích chính đáng khi chống trả là để cứu vợ mình.

“Trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể này, đương sự được phép thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình”, Trung tá Hiếu nhận định.

Trung tá Hiếu cũng lưu ý, nếu anh Giao chủ ý giết hại các đối tượng tấn công, thì hành vi có dấu hiệu của tội phạm “Giết người”, hoặc “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, hoặc “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Nếu anh Giao vì mục tiêu bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân và vợ mình, mà có hành vi chống trả, dẫn đến chết người, thì tính chính đáng của hành vi phòng vệ, đã triệt tiêu tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó.

“Các đơn vị điều tra cần cân nhắc, đánh giá toàn diện các yếu tố của vụ việc, kẻo làm oan người vô tội”, Trung tá Hiếu chia sẻ.

Những ai sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đồng quan điểm với Trung tá Đào Trung Hiếu, luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi chống trả nhóm bắt giữ của anh Giao có cần thiết hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Trong trường hợp anh Giao không tấn công hay đe dọa tính mạng nhóm bắt cóc trước mà vẫn bị nhóm này uy hiếp, đe dọa tính mạng của anh Giao và vợ thì hành vi chống trả của anh Giao có thể được xác định là phòng vệ chính đáng, kể cả hậu quả làm chết người.

Tuy nhiên, nếu anh Giao đã chống trả quá mức cần thiết thì hành vi này là “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (Điều 126 BLHS), hoặc “Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” (Điều 125 BLHS). Mức án tối đa dành cho người đàn ông này theo 2 tội danh trên lần lượt là 5 và 7 năm tù.

Về việc cơ quan công an tình nghi bà V.T.K.C (53 tuổi) – mẹ chị V.T.T.H (vợ anh Giao) là chủ mưu thuê 7 người đến bắt cóc, trong đó có 1 người là em ruột chị H vì không muốn chị H ở cùng anh Giao thì là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Cường, bà C. cùng 7 người bắt cóc có thể bị khởi tố về tội Bắt, giữ người trái pháp luật và Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo quy định tại Bộ luật hình sự (BLHS) 2015. Tổng hợp 2 tội danh, mức án tối đa dành cho nhóm này có thể lên đến 15 năm tù.

Ngày 15/11, bà C. thuê nhóm người từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến tỉnh Vĩnh Long bắt cóc chị H.

Trưa cùng ngày, nhóm 6 người, trong đó có em trai chị H. đi ô tô đến quán cà phê của vợ chồng chị H. trên quốc lộ 53. Nhóm người này dùng bình xịt hơi cay để khống chế và đưa chị H. lên xe.

Anh Giao nghe thấy tiếng vợ la hét, đã lao ra giải cứu và bị đối phương dùng bình hơi cay xịt vào mặt. Sau đó, anh Giao cầm thanh sắt chống trả, đâm về phía đối phương khiến một người tử vong và hai người khác bị thương. Anh Giao đã đến Công an xã Long An trình báo vụ việc.

Sau khi sự việc xảy ra, em trai chị H đã bỏ trốn.

Hiện, Công an tỉnh Vĩnh Long cũng đang mời bà C. lên làm việc.

Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, nguyên nhân ban đầu được cho là bà C không đồng ý cho con gái chung sống với anh Giao.

Nguồn: [Link nguồn]

Giải cứu vợ, chồng đâm chết người: Em trai vợ đã ra đầu thú

Đối tượng liên quan đến vụ bắt cóc gây xôn xao dư luận mấy ngày qua xảy ra ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã ra đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Sơn ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN