Cuộc thảm sát của kẻ biết 7 ngôn ngữ (Kỳ cuối)
Một cựu thành viên Mafia đã phát biểu trên Daily Mail rằng, Versace đã bị mafia thanh toán vì thiếu nợ.
Trở lại tình hình của Andrew Cunanan, sau khi vô cớ sát hại Lee Miglin, y cướp xe của ông chủ bất động sản giàu có này để tiếp tục cuộc trốn chạy. Cảnh sát biết được Andrew đang di chuyển tới Philadelphia nên tung lực lượng cùng nhiều biển báo lệnh truy nã sát nhân hàng loạt này.
Về phần mình, Andrew tìm đến Versace để làm một công việc mà cho tới nay, cả thế giới vẫn đang tìm kiếm nguyên nhân chính thức dẫn tới cái chết của nhà thiết kế danh giá này.
Để tiếp cận được với Versace, Andrew tìm tới các quán bar đồng tính mà “con mồi” thường lui tới. Đó chính là quán cà phê News trên đường Ocean Drive. Thông thường, mỗi khi đi nghỉ ngơi và giải trí tại bờ biển Miami, Florida này, Versace thường đi một mình. Vị “tổng thống của thời trang Ý và Pháp” này thích những giờ phút thảnh thơi để thỏa mãn đam mê ẩm thực của ông.
Bị ám sát khi tuổi mới 50, Gianni Versace vẫn để lại cho đời một thương hiệu thời trang đẳng cấp.
Ngày 5/7/1997, như thường lệ, Versace đang đi bộ trên đường Ocean Drice. Bất ngờ ông bị một kẻ giấu mặt bắn 2 phát súng và tử vong. Người giấu mặt đó không phải ai khác ngoài Andrew Cunanan, 27 tuổi.
Như vậy, Versace là nạn nhân cuối cùng trong sê-ri giết người hàng loạt của Andrew Cunanan. Chỉ trong một chuyến hành trình xuyên quốc gia kéo dài 3 tháng vào năm 1997, hắn đã giết 5 người trong đó có 2 người tình đồng tính tại bang Minnesota và Lee Miglin, một đại gia bất động sản giàu có. Sau vụ án mạng Versace, Cunanan có tên trong danh sách 10 tên tội phạm bỏ trốn bị truy lùng gắt gao nhất của FBI.
Gianni Versace, Carla Bruni, Linda Evangelista, Karen Mulder – Thời trang những năm 90
Ngày 23/7, 8 ngày sau vụ án mạng Versace, Cunanan tự sát trên một nhà thuyền ở Miami vì không muốn rơi vào còng số 8 của cảnh sát và từ đó nguyên nhân của vụ án rơi vào bí mật.
Bộ sưu tập thu đông 1996 - 1997 của Versace.
Sự ra đi của nhà thiết kế Gianni Versace thực sự là một mất mát lớn với làng thời trang thế giới, song nó cũng để lại rất nhiều điều bí ẩn xung quanh hoạt động của tập đoàn thời trang mang tên ông.
Nguyên nhân Gianni Versace bị ám sát
Tháng 9/2011, ký giả nổi tiếng người Italia Gianluigi Nuzzi chuyên bóc trần tội ác của mafia đã tổ chức một cuộc họp báo tại Berlin (Đức), công bố cuốn sách mới có tiêu đề "Metastasi" (Di căn) tổng hợp những lời kể từ một nhân chứng cộm cán về tổ chức tội phạm khét tiếng Ndrangheta ở Ý.
Đầu cuốn sách cho biết thể theo lời trăng trối từ người vợ trước khi nhắm mắt, một nhân vật mafia sừng sỏ, với thâm niên hơn 1/4 thế kỷ nằm trong 2 băng nhóm xã hội đen khét tiếng ở Ý có biệt danh “Pipo”, đã tiết lộ nguyên nhân cái chết của Versace.
Ký giả G.Nuzzi (giữa) cùng thẩm phán N.Gratteri (phải) và nhân chứng có biệt danh, luôn phải bịt mặt "Pipo" trong buổi giới thiệu sách.
“Pipo” phát biểu trên Daily Mail rằng, Versace đã bị mafia thanh toán vì thiếu nợ. Đứng đằng sau cái chết của ông Versace chính là tổ chức mafia N’drangheta ở miền Nam nước Ý. Mặc dù N’drangheta không nổi tiếng như mafia Sicily nhưng trong mắt cảnh sát Ý, N’drangheta lại mạnh hơn, ham lợi hơn và tàn nhẫn hơn.
Trong một thời gian dài, bố già của tổ chức này đã lợi dụng "Pipo" trong các họat động rửa tiền. “Thu nhập chính của tổ chức có từ việc buôn bán thuốc phiện, tống tiền, thu tiền bảo kê và cho vay nặng lãi. Vì vậy mà họ cần “rửa” những đồng tiền “đen” thành những đồng tiền “trắng”” – cựu thành viên này cho hay. “Quá trình rửa tiền không chỉ có quán bar, nhà hàng, bất động sản còn có những tập đoàn xa xỉ như của Versace”.
Tên cựu thành viên Mafia này còn tiết lộ thêm, Versace đã vay số tiền lớn của N’drangheta và khoản nợ khổng lồ cuối cùng chính là nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông.
Cảnh sát dẫn giải một tên trùm Ndrangheta bị bắt tại thành phố Reggio Calabria theo mật báo từ “Pipo”.
Được biết, Ndrangheta là một băng nhóm tội phạm hình thành từ giữa thế kỷ XIX và căn cứ tại miền Nam nước Ý, cùng với Costa Nostra trên đảo Sicily là hai tổ chức mafia khét tiếng nhất về tính chất tàn bạo với đối thủ cạnh tranh, cũng như với những kẻ đào ngũ phản bội. Hiện Ndrangheta có chừng 90 chi nhánh chân rết, hoạt động cả ở Tây Âu, Nam Mỹ và Nga với 7.000 thành viên.
Giới chuyên viên tài chính quốc tế ước tính doanh số thường niên của tổ chức tội phạm này lên tới 55 tỉ euro, ngang với tổng thu nhập của một quốc gia trung bình. Trong gần 1,5 thế kỷ tồn tại, đã có 157 thành viên Ndrangheta phá vỡ luật Omerta (luật im lặng) tàn khốc của mafia, chịu cải tà quy chính trong 2 thập niên gần đây.