Nhấm nháp hạt bí thời @

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Tuổi thơ tôi nhớ đến món hạt bí là nhớ đến Tết. Ngày Tết ngoài các loại mứt bày trên bàn mời khách còn có đĩa hạt dưa, hạt bí.

Hạt dưa đỏ đẹp nhưng cắn hơi khó nên hạt bí thơm giòn, bùi ngậy vẫn luôn được ưu tiên hơn. Giờ đây, đời sống kinh tế phát triển, giao thương rộng rãi nên có rất nhiều loại hạt được nhập khẩu và hiện diện trên bàn trà gia đình vào ngày Tết, nhưng món hạt bí vẫn là có một vị trí truyền thống.

Khéo ăn thì no

Nhớ ngày nào, mẹ tôi dạy cách nấu món bí ngô xào tỏi, món đơn giản mà rất đưa cơm. Nhưng tôi rất sợ gọt bí. Thời ấy, bí ngô thường rất già, có lẽ như vậy mới dự trữ được dài ngày. Vần quả bí từ trong gầm chạn ra, tôi loay hoay rất lâu trước quả bí rắn đanh bướng bỉnh. Bổ đã khó, gọt vỏ càng như trêu ngươi vì vỏ bí rất cứng, không cẩn thận là đứt tay như chơi. Dù vậy tôi rất nhớ lời mẹ dặn: Bổ bí ra phải vét hết hạt bí bỏ riêng vào bát, không được vứt đi. Món bí sau đó đương nhiên được nấu và chui ngay vào bụng chị em nhà chúng tôi bởi sự ngon ngọt của nó. Còn hạt bí sau đó được mẹ rửa sạch, tãi ra phơi khô. Mùa bí ngô chủ yếu là mùa thu đông, những hạt bí được gió hanh chăm sóc thường khô rất nhanh. Nếu có nắng càng chóng khô. Hạt bí suốt mùa được mẹ tích lại khá nhiều, rồi được rang thơm cất vào trong hộp kín để chúng tôi cắn rả rích như lũ chuột nhắt.

Xưa không ai bỏ phí hạt mỗi khi ăn bí ngô.

Xưa không ai bỏ phí hạt mỗi khi ăn bí ngô.

Mẹ tin rằng, hạt bí ngô có thể trị giun sán rất hiệu nghiệm, còn chị em tôi thì thích cắn hạt bí vì cái vị bùi béo thơm thơm của nó. Các cụ có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, với sự vun vén khéo léo của mẹ, tuổi thơ chúng tôi vẫn đủ đầy với các món ăn đơn giản mà ngon lành theo cách như vậy. Khi chúng tôi đã lớn, mẹ cũng không còn giữ thói quen tích và rang hạt bí “của nhà trồng được” nữa.

Lũ chúng tôi lớn lên, vẫn cắn hạt dưa, hạt bí trong các dịp lễ Tết, đám hỏi, đám cưới, cũng không có thói quen tích hạt bí mỗi khi chế biến món ăn với thứ quả rất quen thuộc ấy nữa. Nhưng thật kỳ lạ, bỏ qua suốt cả thời thanh xuân, cho đến khi làm mẹ, nuôi con, bỗng nhiên tôi lại nhớ đến kinh nghiệm tích hạt bí đỏ của mẹ mình. Và rồi tôi lại móc hạt, tỉ mỉ rửa, phơi và cho vào chảo rang lên cho con ăn (để phòng trị giun sán) như cách mẹ đã làm xưa. Rồi đến lượt các con tôi lớn lên. Hạt dưa thì lâm vào cảnh bị ghét bỏ, nghi kỵ do hóa chất phẩm nhuộm. Hạt bí thì không còn là thứ hạt duy nhất phục vụ thú vui nhấm nháp tý tách nữa. Đã có thêm rất nhiều sự lựa chọn thơm ngon khác như hạt điều, hạt dẻ cười, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, hạt óc chó,... Các con tôi quên đi hạt bí quê mùa và tôi cũng vậy. Hạt bí dù không biến mất khỏi các kệ hàng đồ khô, hàng tạp hóa nhưng rõ ràng giảm hẳn sức hấp dẫn.

Không chỉ hiện diện trong ngày Tết

Cho đến một ngày, ký ức dẫn dắt tôi lặp lại quá khứ một lần nữa. Vì quả bí già, nấu súp bí đỏ rất ngọt nên hạt của nó mẩy căng. Tôi lại tẩn mẩn tách hạt khỏi ruột quả, rửa sạch rồi tãi ra trên chiếc đĩa sứ. Không khí lạnh và nắng đông hanh vàng chiếu qua cửa sổ căn bếp làm khô những hạt bí nho nhỏ. Gạt qua gạt lại đám hạt mẩy rong róc, tôi ngần ngừ chút rồi cho cả đĩa vào lò vi sóng. Thời nay đã khác thời mẹ tôi rang hạt bằng bếp dầu, sang hơn nữa thì bếp điện Liên Xô, nhiều lần muốn ăn lạc rang, tôi chỉ cần bỏ vào lò vi sóng vài phút, vừa tiện vừa nhanh. Cũng giống như vậy, chỉ 2 phút hạt bí đã chín. Chờ một chút cho nguội mới giòn, con gái tôi nhón một hạt bóc ra và nhấm nháp. Bỗng nhiên nó hỏi: Mẹ có biết hạt bí có lợi ích gì ngoài cái vụ phòng trị giun sán mà các cụ truyền lại không? Rồi chẳng để tôi kịp trả lời, con bé đã chấm chấm trên điện thoại vài cái rồi bảo: A, “sợt” cái ra ngay đây rồi mẹ này!

Hóa ra, thứ hạt dường như là phụ phẩm ăn vặt ấy lại có rất nhiều công dụng cho sức khỏe. Này nhé, hạt bí ngô là loại hạt giống chứa nhiều chất kiềm nhất. Trong khi chế độ ăn uống của chúng ta hiện này thường có tính axit cao thì điều này là vô cùng cần thiết vì nó giúp cân bằng môi trường bên trong cơ thể. Hạt bí ngô là một trong những loại hạt có hàm lượng calo cao, khoảng 100g hạt bí ngô chứa 559 calo. Ngoài ra, loại hạt này còn chứa nhiều phốtpho, magie, sắt, đồng và là nguồn cung cấp vitamin K phong phú nên rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Rồi nó bảo: Mẹ nên ăn hạt bí ngô cùng với các hạt khác bổ sung khi mẹ ăn chay vì rất tốt cho sức khỏe. Hạt bí ngô có tác dụng giảm nồng độ cholesterol xấu, giúp ngủ ngon, chống loãng xương, hỗ trợ sinh sản tế bào máu, kháng viêm, tốt cho tiêu hóa, chống lão hóa. Riêng với nam giới còn rất tốt cho tuyến tiền liệt...

Vẫn là món ngon bổ lành

Vài ngày sau, con gái tôi đặt mua trên mạng một hộp hạt bí đỏ đã tách vỏ. Nghe cái giá, tôi giật mình bởi hóa ra từ khi nào mà hạt bí đỏ đã trở nên... đắt đỏ như thế! Nó cao giọng nhắc nhở: Mẹ nhớ là dùng hạt hữu cơ nhé, cho nó lành. Ôi cái thời nay! Thời mà ăn gì cũng phải xem ăn thế nào cho vừa ngon, vừa bổ lại phải lành. Từ hộp hạt bí đỏ đã tách vỏ, con bé lục cục chế ra món hạt bí rang mật ong cay và món sữa hạt bí ngô.

Sữa hạt bí ngô rất giàu dưỡng chất, có hương vị thơm nhẹ, dễ uống. Sữa này có thể uống ấm hoặc ướp lạnh đều rất ngon. Còn hạt bí cay ngọt thì hương vị khá tuyệt, đảm bảo ai cũng sẽ thích thú khi nhón vài hạt bỏ vào miệng, nhất là vào ngày đông tháng giá. Vậy là thời @, hạt bí đỏ đã lên ngôi theo một cách khác không kém phần đặc sắc.

Nguồn: [Link nguồn]

Bật mí cách lựa chọn các loại hạt để ăn Tết

Chuyên gia dinh dưỡng sẽ mách bạn cách lựa chọn hướng dương, hạt dưa, hạt bí an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Trúc ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN