Mùa tép ăn rong...

Kể hoài không hết món ngon quê nhà. Xin mở đầu với chuyện tép riu yêu tép bạc...

Qua mùa Vu Lan, nhiều cô cậu trẻ đã trưởng thành hơn khi lặng ngắm những sợi tóc bạc của cha mẹ! Rồi những trận mưa đêm thêm nặng hạt, như đánh dấu giai đoạn trưởng thưởng thành họ nhà tép, tôm nước ngọt lẫn lợ. Gặp nước mát, chúng mặc tình rong chơi, hò hẹn... Xui, đành lên đĩa!

Đừng chê tép muỗi!

Con tép muỗi lớn hết cỡ chỉ bằng que tăm. Chúng thường sống lăn tăn theo hồ, suối nước ngọt. Cách bắt hiệu quả nhất là kéo bằng lưới mùng hoặc vó. Khi trời sang đông, chúng thường nấp vào những bụi cỏ, lùm cây ven hồ hoặc suối những sớm mai...

Bé tí và “hèn mọn” vậy chứ dùng làm gỏi thì ngon khỏi chê. Hợp tông nhất là cùng bắp chuối hột bào, ít củ hành, mớ húng lủi, húng quế. Nguyên liệu thật đơn giản, nhưng khi phối trộn với đám tép nhí được rang sơ, rưới thêm ít nước mắm chua ngọt và nước cốt chanh lại hấp dẫn lạ kỳ. Thịt tép ngọt thơm thanh dịu với lớp vỏ mỏng giòn giòn, thêm chút chua chua, chan chát, ngòn ngọt... như gói cả sự đời! Nhâm nhi với rượu cũng hay mà dùng ăn cơm càng bắt bén.

Mùa tép ăn rong... - 1

Trúng mùa tép rong ở Sóc Trăng

Mùa tép ăn rong... - 2

Tép rong tươi chế biến được nhiều món ngon

Mùa tép ăn rong... - 3

Gỏi tép muỗi buông đũa còn thèm!

Mùa tép ăn rong... - 4

Tép rong kho lạt vừa thanh đạm vừa đủ đầy dưỡng chất

Đa điệu tép rong

Lớn gấp ba bốn thân tép muỗi, mùa này đám tép rong thường ôm trứng khòm lưng. Có lẽ chúng thường sinh sống trong những khóm rong đuôi chồn mọc ở kênh, lung... nên người ta đặt chết tên: tép rong.

Đám giáp xác nhà nghèo này được chế thành nhiều món ngon... quằn đũa: rang, hấp, kho lạt, ủ mắm chua... Nếu là tép “tươi chông”, khi chín sẽ tỏa mùi thơm thanh đặc trưng. Tham gia tiễn... tép, có nhiều loại rau, trái cây nhà lá vườn như khế hườm, chuối chát, đọt rau vạn thọ, đọt lụa, đọt bằng lăng, quế vị... Món ăn bình dị nhưng vẫn đủ đầy đạm, khoáng tố... với cả sự ân cần, tận tâm của người chế biến, khiến dân ruộng thêm mến yêu bản xứ, người xa quê càng da diết nhớ người thân. Cảm ơn thật nhiều tép nhé!

Rộn ràng tép bạc, tép đất

Ồn ào hơn có đám tép bạc, tép đất, có nơi còn gọi tôm. Chúng thường đi giật lùi và búng nghe “tanh tách” khi bị truy đuổi. Mưa đêm càng nặng hạt thì chúng chạy vào đó, đăng... thêm nhiều vì bị “xót mắt”.

Mùa tép ăn rong... - 5

Đặc sản xứ dừa - Ảnh: Tạ Tri

Tép bạc có hai loại. Con thường màu trắng tươi cho thịt mềm dẻo, ngọt đậm và vỏ mỏng. Con màu trắng ngà, to hơn tép bạc thường, sống ở sông, thịt chắc hơn gọi tép bạc nghệ. Nói chung đám tép bạc dùng nấu canh chua hoặc đổ (đúc) bánh xèo sẽ “số dzách”.

Một số làng quê ở miền tây còn giữ nét đẹp rủ nhau đổ bánh xèo. Nhà mua tôm, nhà hùn bột, người phụ công... Tiếng nạo dừa, tiếng “xèo xèo” của bột gặp vành chảo nóng... tiếng trêu đùa... thật xôm tụ! Xong, họ luôn chọn những chiếc bánh nóng hổi, tròn vành vạnh như trăng rằm, gói cẩn thận trong lá chuối tươi nhằm ủ hơi nóng, mang biếu họ hàng, láng giếng tốt bụng... Những chiếc bánh nghĩa tình, chưa ăn đã thấy ngon!

Riêng tép đất vỏ dày, thịt chắc hơn phù hợp với các món rim mặn, làm mắm chua, mắm tôm chà “tiến” vua một thời. Nay có dịp về Bến Tre, thử thưởng thức món cơn nấu trái dừa xiêm với tép rim nước cốt dừa bạn sẽ khó quên!
 
Thế nhưng kiểu đánh bắt bằng xung điện và lạm dụng thuốc hóa học của nhà nông đang là nỗi kinh hoàng của bao loài thủy tộc. Khổ nhất vẫn họ tép riu!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tạ Tri (ihay)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN