Độc đáo món dưa chua muối khô để được vài năm của người Hà Nhì
Không chỉ có các món như thịt bò, thịt trâu gác bếp, bánh dày hấp dẫn thực khách phương xa mà một món gây thương nhớ không kém là món dưa chua muối khô (gồ pạ gồ ché) được làm từ rau cải nương.
Ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Hà Nhì (Mường Nhé, Điện Biên) từ những món như thịt khô, bánh dày hay dưa chua muối khô đều mang những nét đặc trưng khác lạ, mới ăn miếng đầu có thể lạ miệng nhưng rồi miếng hai, miếng ba khiến người ăn tấm tắc.
Dưa chua khô – món ăn khó thiếu trong dịp Tết
Món dưa chua muối khô (gồ pạ gồ ché). Ảnh: Ploximang
Trong mâm cơm ngày thường hay mâm cỗ ngày vui, ngày lễ, tết luôn có đầy đủ các thực phẩm do người dân tự nuôi, trồng được. Một trong những món được ưa chuộng nhất của người Hà Nhì là món dưa chua khô. Dưa chua khô là món ăn phổ biến hằng ngày và càng không thể thiếu trong dịp lễ Tết. Gia đình Hà Nhì nào cũng đều chuẩn bị món dưa chua khô độc đáo này để ăn kèm với những món ăn ngày Tết.
Người Hà Nhì không muối dưa bằng bắp cải hay cải sen (cải bẹ) như người dưới xuôi. Loại rau để muối dưa là rau cải nương, một loại rau thích hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng vùng Tây Bắc. Cách chế biến món dưa này không cầu kỳ nhưng mất nhiều thời gian hơn để chờ dưa có đủ độ chua và dưa không muối cùng nước như cách muối dưa phổ biến.
Có lẽ cách muối này là một cách sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù trong lao động của người Hà Nhì. Sống trên vùng núi cao, có một mùa khô lạnh khắc nghiệt nên rau xanh với người Hà Nhì rất quý. Và rau cải là số ít những loại rau có thể mọc lên một cách bền bỉ ở vùng đất này. Vì vậy, người Hà Nhì không chỉ dùng rau cải tươi để nấu ăn, mà còn sáng tạo cách bảo quản rau. Rau cải phơi khô để dành chính là cách để sử dụng trong những ngày khắc nghiệt, rau xanh không lên nổi. Dưa muối khô để được lâu hơn, có thể tới vài tháng thậm chí hàng năm. Khi đi rừng, lên rẫy, đồng bào thường mang theo ít dưa để ăn thay rau.
Rau cải nương.
Muối dưa không cần nước
Ở miền Bắc, nhiều người quen với cảnh các bà, các chị mua những cây cải sen rồi tranh thủ những ngày nắng hanh mang ra phơi vài nắng cho héo rồi mới mang sơ chế và muối. Với đồng bào dân tộc Hà Nhì thì thời gian để phơi những cây rau cải nương mất nhiều thời gian hơn. Sau khi nhặt sạch rau, đem rửa qua với nước cho hết đất cát, bụi bẩn sẽ đem rau ra phơi nắng trong vài tuần cho rau hơi héo đi. Phơi lâu như vậy sẽ giúp dưa ngon hơn. Việc chuẩn bị chum vại cũng được làm rất cẩn thận, rửa sạch, phơi cho thật khô ráo để chuẩn bị ủ dưa.
Sau vài tuần, lúc mà các bó rau cải đã đủ độ héo sẽ dùng dao thái rau thành từng đoạn ngắn vừa ăn. Rau thái xong đem cho vào chum ủ kín cùng muối với liều lượng riêng, phù hợp với khẩu vị mỗi gia đình. Mặc dù không dùng nước nhưng cũng có người cho thêm vài thìa nước chua để dưa nhanh lên men hơn. Rau cải được ủ từ một đến hai tuần là sẽ bắt đầu có vị chua chua, mặn mặn, có mùi cải chua thoang thoảng, thời gian sử dụng có thể tới cả năm, thậm chí tới 3 năm.
Thịt lợn và tỏi, ớt để xào cùng dưa chua muối khô.
Dưa chua là món đẩy đưa
Món dưa chua khô ăn kèm với cơm có vị chua và mùi thơm rất ngon miệng. Dưa chua ăn ghém với các món thịt là một sự kết hợp chống ngán, đưa đẩy thức ăn rất dễ chịu. Ngoài ra, dưa chua khô còn được những người phụ nữ Hà Nhì nêm nếm thêm vào các món ăn truyền thống để tăng thêm hương vị, có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu như thịt lợn, bò, nai, cá để chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng được nhiều người ưa thích...
Khi xào, phải vớt dưa và bóp sạch hết nước chua, cho mỡ lợn và gia vị vừa ăn. Ngon nhất có lẽ là món dưa chua cá suối. Cá được làm sạch sẽ, ướp gia vị rồi cho vào nồi đun chín thịt mềm xương, sau đó cho dưa đã vắt bớt nước chua vào sau, cho gia vị muối mắm vừa đủ.
Vị chua thanh nhẹ của món dưa chua khô có mùi thơm đặc trưng của cây rau cải nương sẽ khiến nhiều người bất ngờ và thích thú khi thưởng thức món dưa chua của người Hà Nhì.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời xưa, mẹ chồng còn rất hay thử tài con dâu với những đĩa trứng tráng thái. Thái sao cho khéo, cho đều.