Cá đù một nắng: buông đũa còn thèm!
Cá đù một nắng tươi ngọt, thịt dẻo vừa thơm mùi nắng lẫn vị mằn mặn của biển.
Trước, cá đù cam phận “nhà nghèo”, nay nổi lên thành đặc sản. Có con còn “chở” cả hình bóng quê nhà!
Cá đù (lù đù) sống ở nước lợ và nước mặn. Số lượng nhiều, thuộc các vùng biển Đông và Tây Nam bộ như: Phước Hải, Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu; Cần Giờ, TP.HCM; Bình Đại, tỉnh Bến Tre...
Có thể do nó chậm chạp, nên dân gian ví von: “Đi thời chậm trễ là cá lù đù” (Vè cá biển). Cá đù có nhiều loại: đù đen, đù kẽm, đù đỏ dạ, đù sóc... Trong đó, đù sóc và đù đỏ dạ béo hơn. Riêng đù sóc thường lớn con, nặng không dưới 100g/con.
Cá đù tươi nhiều nạc, thịt ngọt nhưng hơi bở nên giá không cao hơn cá nục, bạc má... Chỉ có những ngư dân đi ghe cào, hoặc đóng đáy mới may mắn ăn được cá đù còn ngoe nguẩy, lúc vừa bắt lên. Nồi cá đù nấu ngót ít rau đặc cá, bồng bềnh sóng nước quả có phong vị riêng. Vốn dân lao động nặng, nên họ ăn uống mạnh bạo như... hổ, cắn một cái, mất tiêu con cá đù cỡ hai - ba ngón tay, “nép” bên mấy miếng húng quế, cọng hành thơm dìu dịu. “Ngon trớn”, họ cắn đôi trái ớt hiểm nghe “bụp” thật giòn.
Nồng ấm đù một nắng “tắm” than hồng - Ảnh: Tùng Châu
Đù một nắng nướng vướng... canh khoai mỡ! - Ảnh: Tùng Châu
Đù một nắng chiên nghiêng mình “mời” cơm vắt - Ảnh: Tùng Châu
Về chợ cảng địa phương, cá đù sẽ là mặt hàng “cứu rỗi” cho những bà nội trợ biết tiết kiệm hoặc thu nhập thấp. Các bà sẽ kho tiêu cá đù với ít tốp mỡ hoặc muối sả ớt chiên vừa vàng, kèm dưa leo non hoặc canh rau tập tàng - đủ ngon miệng cho cả nhà.
Có thể nói, họ cá đù sẽ mãi “lù khù” nơi chợ làng bếp quê nếu không có một sự đột phá.
Tất nhiên, phải trông cậy vào bàn tay và khối óc nhạy bén của dân Việt.
Và thời cơ vàng của cá đù đã đến, cách nay khoảng 4 năm, tại cảng cá Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu. Một thương nhân Hàn Quốc đã lặn lội xuống tận đây, đặt hàng chị Tư Nghĩa, chủ một cơ sở chế biến cá khô địa phương, sản xuất độc quyền con đù đỏ dạ muối dùi, theo kinh nghiệm tẩm ướp và khẩu vị của dân xứ kim chi. Bên A và bên B giao tiếp bằng “tiếng tay” (ra dấu), vì chị Nghĩa mù tiếng Anh. Cuối cùng, ông “nhân sâm” cũng gật đầu ô-kê!
Sau vụ làm ăn mỏi... tay này, chị Nghĩa đã học lóm được bí quyết biến con đù đỏ dạ nhà quê thành công chúa lọ lem. Mẹo hay ở chỗ, để cá tươi “nằm không” từ 4 -7 giờ, tùy mùa, mới cho “ăn” muối. Thêm kinh nghiệm “đo” nắng của dân biển lành nghề mới đạt. Nhờ vậy, hàng “độc” của chị Nghĩa tự tin thẳng tiến ra Bắc, “ngồi” máy bay sang tận Mỹ, Pháp...
Sợ bà con kiều bào không có thời gian và thiếu kinh nghiệm chiên, sẽ làm cá khô bớt ngon thì “uổng lắm”, chị Nghĩa còn chiên sẵn, đóng gói cẩn thận, người ăn chỉ việc bỏ vào lò vi ba, bấm nút hâm nóng lại. Ở trời xa - xứ lạnh, có món này ăn với cơm nóng cùng nhiều sà-lách tươi non, ấm áp còn gì bằng!
Đù muối dùi chiên “an ủi” khách tha hương! - Ảnh: Tạ Tri
Tiếp nối, chị Đức ở gần cảng Bình Đại, tỉnh Bến Tre, lo “o bế” (chăm chút) con đù sóc thành hàng một nắng ngon “hết chỗ chê”. Nhờ cẩn thận tuyển lựa nguyên liệu, xả tanh kỹ lưỡng và tẩm ướp đều tay, nên chất lượng hàng của chị trội hơn so với đù một nắng vùng Phước Hải, Vũng Tàu.
Điểm độc đáo của hàng một nắng hải sản là con cá vẫn giữ độ tươi ngọt, thịt dẻo hơn vừa thơm mùi nắng, lẫn dư vị mằn mặn của biển cả. Đem nướng lửa than, canh “mặt” cá khô ửng hồng là được. Da cá khô phồng rộp, thơm phức. Xé nhỏ ra, trộn gỏi xoài xanh bằm, hoặc trái cóc non bào mỏng, rưới ít nước mắm chua ngọt với một muỗng cà phê nước đường thốt nốt xịn, vài lát ớt hiểm, năm ba cọng rau cần, lai rai cùng bầu bạn tới “quắc cần câu” vẫn không ngán.
Hoặc bạn “bắt” con đù một nắng chiên vừa vàng, ăn với cơm vắt chấm muối mè cũng rất hao bia. Hay nướng sơ, xé nhỏ trộn vào thố cơm rang muối ớt, chấm mắm nêm, mắm sò cùng rau lang luộc, ngon đến buông đũa còn thèm!