Bữa cơm mùa gặt

Ai đã từng ăn bữa cơm đồng sẽ chẳng thể quên sự ngọt lành của bữa cơm đầy hương vị, sắc màu đồng quê ấy.

Tôi sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo, nơi có những con đường đất quanh co, những nếp nhà lưa thưa, nơi người dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, nơi lũ trẻ con vô tư nô đùa dẫm trên những đám rạ còn vương mùi lúa mới hay tha hồ chạy nhảy, trốn tìm trên triền đê… Nơi đây tôi thường được ăn những bữa cơm trên cánh đồng quê hương.

Những bữa cơm trên cánh đồng, chẳng ai dám bảo là thịnh soạn, là sang trọng. Nhưng những ai đã từng một lần thưởng thức sẽ chẳng thể nào quên sự ngọt lành của bữa cơm đầy hương vị, sắc màu đồng quê ấy. Mỗi khi đến mùa thu hoạch, người dân quê tôi ra đồng từ sáng tinh mơ, họ ở lại làm đến tận buổi chiều và dùng cơm trưa ngay tại cánh đồng. Không biết từ bao giờ, cụm từ "cơm đồng" lại trở nên thông dụng và quen thuộc đến thế.

Bữa cơm mùa gặt - 1

"Mùa vàng" ở nông thôn Việt Nam. Ảnh: Internet

Bao giờ cũng vậy đến ngày mùa, mẹ tôi dậy sớm hơn thường ngày để nấu buổi sáng và sửa soạn luôn phần cơm trưa. Trong gian bếp nhỏ, mẹ đút từng bó rơm vàng thổi hồng bếp lửa, đun vội ấm nước chè. Ngoài hiên, cha lom khom chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho ngày làm việc trong khi chờ bát cơm nóng cùng với bát nước chè trước khi ra đồng. Mặc dù tôi cũng thức dậy từ rất sớm nhưng vẫn thích nằm thêm chút nữa, lắng tai nghe tiếng bước chân rón rén của mẹ, tiếng vo gạo, thổi lửa, tiếng nồi nước chè sôi reo vui... Trước khi cả nhà cùng nhau ra đồng, mẹ luôn gói gém cẩn thận thức ăn và cơm cho buổi trưa. Thứ cơm được nấu bằng gạo quê có màu nâu nâu, không trắng tinh như các loại gạo bán ngoài chợ, nhưng lại có mùi thơm chân chất, ăn vào khỏe khoắn, chắc nịch. Thức ăn có thể chỉ là một vài con rạm đồng do mẹ và cha đi cắt cỏ bắt về, dăm ba lá dền luộc hay vài nụ canh mướp xanh non, mấy lá mồng tơi con gái hái vội ngoài vườn. Nếu đúng dịp tát ao, tát đầm thì thật là tuyệt. Bữa cơm đồng lại có cả món cá rô giòn, cá quả, cũng có thể là mớ bống, mớ tép kho tương, thơm dậy vị gừng già, tiêu cay.

Chỉ thế thôi, tất cả được gói gém cẩn thận bằng lá chuối hoặc cho vào cà mèn treo trên đầu cán cuốc hay trên đôi quang gánh theo chân người ra đồng. Khi mặt trời đứng bóng, mọi người nghỉ tay tìm nơi có bóng mát để ăn trưa. Bữa ăn được dọn ra dưới bóng mát trên cánh đồng, giữa bầu trời quê xanh ngắt, gió thổi mang theo mùi hương của lúa, của mía, mùi hăng hắc của bùn đất đi vào lòng người... Cách ăn cũng mộc mạc, chân chất, có chén thì bới cơm ra chén, có tô dùng tô. Bữa cơm sẽ đông vui hơn nếu có nhiều gia đình cùng nhau ngồi lại dưới bóng cây, khi ấy mọi người san sẻ thức ăn hay chén cơm cho thêm no bụng. Ngồi ăn bữa cơm đồng còn được nghe đủ chuyện từ làng trên xóm dưới cho đến những câu chuyện tào lao hay những câu chuyện tiếu lâm cười vỡ bụng để rồi sau đó nhanh chân ra lại cánh đồng tiếp tục công việc đang dở dang. Những bữa cơm đơn sơ ấy vậy mà no đến ngất ngư, mà vui rôm rả, mà cứ quấn quýt theo bước chân người con xa quê...

Tôi cũng như bao người khác, cuộc sống nơi phố thị vẫy gọi, mời chào nhưng dẫu có đi đâu, về đâu, làm sao tôi quên được những kỷ niệm đã ăn sâu vào tiềm thức. Không phải là cơm niêu, cơm lam cầu kỳ... chỉ một bát cơm đồng thôi nhưng sao lại dạt dào nghĩa tình đến thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Thanh Ly (Báo Tin Tức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN