Ukraine thay máu, Mỹ sợ Nga đưa quân can thiệp

Quốc hội Ukraine đã chỉ định Tổng thống lâm thời thay ông Yanukovych, trong khi Mỹ lo sợ Nga sẽ đưa quân vào Ukraine can thiệp.

Ngày 23/2, chỉ một ngày sau khi “lật đổ” Tổng thống hợp hiến Viktor Yanukovych bằng một cuộc bỏ phiếu, Quốc hội Ukraine đã quyết định tổ chức một phiên họp đặc biệt để bầu Chủ tịch Oleksandr Turchynov làm Tổng thống lâm thời của Ukraine, trong khi tung tích của ông Yanukovych vẫn đang biệt tăm.

Ông Turchynov là cựu tư lệnh cơ quan an ninh quốc gia Ukraine, một đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và là Phó Chủ tịch đảng Tổ quốc đối lập. Ông này sẽ giữ chức Tổng thống lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử ngày 25/5 diễn ra.

Ukraine thay máu, Mỹ sợ Nga đưa quân can thiệp - 1

Ông Oleksandr Turchynov được Quốc hội bầu làm Tổng thống lâm thời Ukraine

Trước đó, bà Tymoshenko đã tuyên bố bà không có mong muốn trở thành thủ tướng lâm thời, bất chấp nhiều nghị sĩ bày tỏ sự ủng hộ để bà Tumoshenko giữ chức vụ này.

Với vị trí thủ tướng lâm thời bị bỏ trống, Quốc hội Ukraine tiếp tục tổ chức phiên họp khẩn cấp nhằm giải tán cơ chế quyền lực của Tổng thống Yanukovych.

Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao Leonid Kozhara, một đồng minh của ông Yanukovych, sẽ là người đầu tiên phải ra đi, tiếp theo đó là Bộ trưởng Giáo dục Dmitry Tabachnik, người được cho là đã đưa những diễn giải lịch sử đất nước theo chiều hướng thân Nga vào sách giáo khoa.

Tư lệnh cảnh sát và an ninh có mặt tại phiên họp này cũng đã ra lệnh bắt giữ Bộ trưởng Thuế quan Oleksankder Klimenko và Tổng Chưởng lý Viktor Pshonka.

Ông Pshonka là người được xác định là đã ra lệnh truy tố bà Tymoshenko vào năm 2011, với kết quả là bà này bị kết án 7 năm tù vì tội lạm dụng quyền lực khi bà này còn làm thủ tướng.

Hiện thủ đô Kiev vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người biểu tình, và quyền hành của họ lại càng lớn hơn khi các cơ chế quyền lực truyền thống của chính phủ bị giải tán chỉ trong vòng 1 ngày.

Ukraine thay máu, Mỹ sợ Nga đưa quân can thiệp - 2

Thủ đô Kiev vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người biểu tình

Ông Yanukovych vẫn tuyên bố mình là tổng thống của Ukraine, mặc dù những người ủng hộ ông đã im lặng rút lui sau khi được tin ông và các trợ lý thân cận rút chạy khỏi Kiev, và các nhân viên biên phòng cáo buộc ông tìm cách bay ra nước ngoài nhưng bất thành.

Hiện mọi con mắt vẫn đang đổ dồn về phía Nga để thăm dò phản ứng của nước này, sau khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố phe đối lập ở Ukraine là “những kẻ holigan giận dữ” và kêu gọi châu Âu kiềm chế họ.

Nhiều người lo ngại rằng Nga sẽ tìm cách gây ra phong trào chia rẽ giữa miền đông và miền tây Ukraine, đặc biệt là ở Crimea, nơi có đa số người gốc Nga sinh sống. Hôm Chủ nhật, nhiều cuộc tuần hành ủng hộ Nga đã được tổ chức tại một số thành phố của vùng Crimea.

Ukraine thay máu, Mỹ sợ Nga đưa quân can thiệp - 3

Người dân vùng Crimea tuần hành thể hiện sự ủng hộ đối với Nga

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết Anh và EU sẽ ủng hộ chính phủ mới ở Ukraine ngay khi nó được thành lập, đồng thời hối thúc các chính trị gia Ukraine hợp tác với nhau. Ông này cũng dọa sẽ có biện pháp cấm vận nếu Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng “phức tạp” hiện nay ở Ukraine.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng cảnh báo Nga rằng sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng” nếu Moscow đưa quân vào Ukraine để “khôi phục chính phủ thân Nga”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo BBC) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN