Tiễn Tô Hoài theo “Cát bụi chân ai”…

Vĩnh biệt Hà Nội vào một trưa hè nóng bức, người con trai Hà Nội ấy đã đi qua 94 mùa trăng Hồ Tây, với đủ vui buồn cõi người.

Nhà văn Tô Hoài, cây đại thụ cuối cùng của thế hệ nhà văn thành danh trước Cách Mạng tháng 8 vừa ra đi trưa nay, 6/7 tại Hà Nội, thành phố ông sinh ra, lớn lên và gắn bó hầu như suốt cuộc đời mình.

Sinh năm 1920 tại làng Trích Sài, ven Hồ Tây, cậu bé Nguyễn Sen - tên thật của Tô Hoài ngấm vào trong máu những kỷ niệm về thiên nhiên vùng ngoại ô, về con sông Tô nối hồ Tây với sông Hồng, về những kiếp người và những cuộc mưu sinh ở mảnh đất ngoại ô không giàu không nghèo, vừa lầm than lại vừa quá đỗi thơ mộng ấy.

Có lẽ vì thế , tuy văn nghiệp của ông, các giải thưởng văn học trong và ngoài nước của ông gắn với hình tượng chú Dế mèn trong Dế mèn phiêu lưu ký, và vợ chồng A Phủ trong tập Truyện Tây Bắc, tuy ông được suy tôn là nhà văn Việt Nam viết cho thiếu nhi hay nhất mọi thời đại, bình tĩnh nhìn lại đời văn Tô Hoài, độc giả, đồng nghiệp và bản thân ông cũng thừa nhận ông thành công nhất trong " Văn chương phong tục"- những truyện-ký viết về cảnh sống của vùng ven đô Hà Nội trải dài suốt gần thế kỷ 20: Giăng Thề, Xóm Giếng Ngày xưa, O chuột, Chuyện cũ Hà nội...

Trong những câu chuyện đậm chất ghi chép và hồi tưởng này, Hà Nội của ông hiện lên chân thực, giản dị, từng mẩu nhỏ, từng góc phố, từng ngõ xóm, từng toa tàu điện, từng gốc sấu, gốc bàng... cận cảnh, đa sắc như một bộ phim tài liệu thực tế được giấu máy quay kỹ càng để các nhân vật hành động tự nhiên qua nhiều năm tháng.

Tiễn Tô Hoài  theo “Cát bụi chân ai”… - 1

Nhà văn Tô Hoài.

Khi phố phường và nhất là khu ngoại ô Hà Nội đã xáo trộn và bị tàn phá khủng khiếp trong quá trình đô thị hoá, chắc chắn các nhà văn hoá, các nhà quy hoạch, đặc biệt các nhà làm phim muốn phục hiện cuộc sống con người Hà Nội của một thế kỷ đầy biến động, chắc chắn phải nghiên cứu và tham khảo khá nhiều phần ghi chép, truyện ký này của Tô Hoài.

Một điều lạ lùng nữa ở Tô Hoài là trong khi hầu hết các bạn văn ở thế hệ ông đã dừng lại với những thành công từ trước 1945, hay cố gắng đi nốt chặng văn chương cuối khá nhọc nhằn trong những năm kháng chiến, thì ông vẫn viết liên tục, bền bỉ, ra sách đều hầu như hàng năm.

3 cuốn thành tựu cuối đời của Tô Hoài gây sự kinh ngạc cho đồng nghiệp và độc giả đều là những tác phẩm ông cho xuất bản khi đã ngoài 70, cuốn cuối cùng ra mắt khi ông đã 86 tuổi: “Cát bụi chân ai” -  1992: “Chiều Chiều” -  1999 và “Ba người khác” - 2006

Một Tô Hoài khác, tuy vẫn rất mềm mại và khôn khéo, nhưng trung thực, trần trụi và quyết liệt hơn rất rất nhiều so với những gì người đọc đã biết. Một Tô Hoài cay đắng hơn và nhìn thẳng vào quá khứ hơn. Một Tô Hoài - chứng nhân và tác nhân của thời mình đã sống.

“Cát bụi, chân ai” và “Chiều chiều” viết về giới văn nghệ của Tô Hoài, với những chân dung thực, số phận thực, với những tài năng và rị mọ, với những mơ ước, khát khao và sự hèn nhát, với những tình yêu tủi hổ và câm nín... từng dậy sóng làng văn thời mở cửa.

Còn “Ba người khác” thật thà và lạnh lùng miêu tả sự tha hoá của những kẻ " hồn nhiên ác" trong cải cách ruộng đất ở nông thôn, trong một cảm xúc hết sức kìm nén và chừng mực của ngòi bút lão luyện Tô Hoài.

Nhưng, cũng thêm một sự kỳ lạ nữa, khi mổ xẻ một cách thấu đáo sự hèn nhát hay tha hoá, tội lỗi và bẩn thỉu, tầm vóc và sức nặng của văn chương Tô Hoài trở nên lớn lao hơn, lâu bền hơn những khi ông trốn tránh vào chuyện đường rừng xứ lạ hay chuyện cổ tích cho trẻ em.

Vĩnh biệt Hà Nội vào một trưa hè nóng bức, người con trai Hà Nội ấy đã đi qua 94 mùa trăng Hồ Tây, với đủ vui buồn cõi người. Chúc ông ra đi thanh thản như mảnh Giăng thề mỏng manh lơ lửng đầu làng Nghĩa Đô, trên Hồ Tây đang hẹp dần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN