“Không nên đưa người thất nghiệp vào Quốc hội”

Nguyên Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng nên loại bỏ những người thất nghiệp ra khỏi danh sách ứng cử ĐBQH khoá tới.

“Không nên đưa người thất nghiệp vào Quốc hội” - 1

Uỷ ban bầu cử TP Hà Nội thông qua đã thông qua danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khoá XIV

Sáng này 17.3, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu quốc hội khóa XIV.

Hội nghị đã thông qua biên bản và danh sách sơ bộ 87 người ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó 39 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử và 48 người tự ứng cử.

Có một số ứng viên đại biểu Quốc hội được nhiều người biết tới, như: tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; nghệ sĩ ưu tú Minh Ánh, Hiệu trưởng Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội; nghệ sĩ ưu tú Kim Tiến, nguyên phát thanh viên, biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam, nghệ sĩ hài Công Vượng, thầy giáo Đỗ Việt Khoa…

Người ứng cử ĐBQH trẻ nhất sinh năm 1993, hiện đang làm phóng viên một tờ báo ở Hà Nội. Trong số danh sách ứng cử sơ bộ ở Hà Nội có một số người là lao động tự do, “không có nơi làm việc cố định” .

Ông Trương Tùng, Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội nêu ý kiến: “Tôi cho rằng không nên đưa những người thất nghiệp vào Quốc hội. Bởi ngay cả bản thân mình họ còn không lo được, nói gì đến chuyện lo cho dân cho nước”.

Theo ông Tùng, những người không có nơi làm việc cố định, “nay đây mai đó” khó có thể làm tròn trách nhiệm mà người dân giao phó, đóng góp ý kiến cho Quốc hội. 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội lại cho rằng danh sách sơ bộ người ứng cử thể hiện rõ sự dân chủ trong bầu cử.

“Người được cơ quan, tổ chức giới thiệu thì đương nhiên tôi rất tin tưởng. Người tự ứng cử, đó là quyền của người ta. Danh sách lần này thể hiện rõ sự cởi mở dân chủ trong bầu cử. Chúng ta không thể gạt bỏ họ được mà hãy để cử tri tự quyết. Trừ trường hợp phát hiện người ứng cử vi phạm pháp luật, còn lại không phân biệt ngành nghề”, ông Liên nói.

Theo ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, danh sách sơ những người ứng cử ĐBQH của Hà Nội đảm bảo tính dân chủ, quyền tự ứng cử của mọi công dân.

“Tất cả hồ sơ nhận người tự ứng cử, người được cơ quan tổ chức giới thiệu nên trình bày tập thể, nguyên văn. Người tự ứng cử nộp hồ sơ đúng luật thì chúng ta phải đồng ý đưa vào danh sách rồi thực hiện các bước tiếp theo. Kể cả người được giới thiệu lẫn tự ứng cử đều bình đẳng như nhau”, ông Bình nói.

Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Uỷ ban MTQ Việt Nam TP Hà Nội cho hay, bước quan trọng tiếp theo sau khi lập danh sách sơ bộ là lấy ý kiến cử tri nơi làm việc và nơi cư trú về người ứng cử. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các đại biểu sẽ được thể hiện ý kiến về từng người ứng cử.

Tại hội nghị hiệp thương lần 1, tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến phân bổ cho Hà Nội là 30, số người giới thiệu ứng cử là 60, trong đó 5 người tự ứng cử (trong phân bổ không có cơ cấu cho đại biểu tự ứng cử).  Đến ngày 27/4, danh sách ứng cử viên sẽ được công bố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN