“Hai lúa” chế tạo xe bọc thép đang làm chiếc máy bay thứ… 3

Đó sẽ là chiếc máy bay thứ 3 của ông Trần Quốc Hải - người từng được Quốc vương Campuchia trao huân chương Đại tướng quân vì thành tích nâng cấp, chế tạo xe bọc thép.

>> Kỳ 1: “Hai lúa” Việt chế tạo xe bọc thép: Người được Campuchia nể phục

Ít ai biết, ngoài chế tạo xe bọc thép cho Campuchia, ông Trần Quốc Hải (SN 1960, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã từng nghiên cứu, tự tay làm ra 2 chiếc máy bay trực thăng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những dự án này đều phải tạm hoãn và sản phẩm được ông bán cho các đơn vị nước ngoài để họ mang về nghiên cứu thêm. Tại thời điểm đó, máy bay của ông Hải đã có thể bay lên cao 2m so với mặt đất.

“Hai lúa” chế tạo xe bọc thép đang làm chiếc máy bay thứ… 3 - 1

Ông Trần Quốc Hải bên chiếc máy bay thứ hai khi đang đưa đi triển lãm tại Mỹ. Theo ông Hải, chiếc máy bay này sau đó đã được ông bán cho đối tác đến từ Hàn Quốc. Còn chiếc máy bay đầu tiên có màu trắng, được ông bán cho một đối tác đến từ Mỹ.

Trong lần chia sẻ với PV mới đây, ông Hải tiết lộ, ông đang thực hiện một dự án lớn hơn và dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Đó cũng là máy bay nhưng phải là máy bay bay được trên bầu trời và có thể thay thế cho ô tô, tránh tắc đường. Ngoài ra, đây là chiếc máy bay có thể đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn trong trường hợp động cơ gặp trục trặc.

“Đây là ý tưởng đã được tôi nung nấu từ rất lâu. Thật ra tôi đã bàn với phía Campuchia về dự án làm chiếc trực thăng này, họ bảo cần thì cứ qua nước họ mà làm. Mà thôi, tôi làm ở đây, nếu cần thiết, tôi chỉ mượn đất của họ để bay thử”, ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, thực tế do ông không có nhiều thời gian, còn nếu tập trung, ông chỉ cần 3 tháng để hoàn thành chiếc máy bay nói trên.

“Máy bay trực thăng không phải mới, nhưng chế một chiếc máy bay tồi tàn thì không có ý nghĩa gì cả. Giống như người Nhật, họ từ chỗ không làm được ô tô, sau khi đi học thì họ đã làm ra xe ô tô không thua kém ai”, ông Hải nói.

Mô tả về “đứa con” của mình, ông Hải cho biết, chiếc máy bay trực thăng này phải đơn giản, dễ sử dụng, ít tốn nhiên liệu và giá thành rẻ. Chẳng hạn, nếu máy bay nước ngoài có giá 1 triệu USD thì máy bay của ông chỉ khoảng 100.000 USD là đã thành công.

Về động cơ, ông Hải đã được Campuchia tặng cho một bộ động cơ máy bay. “Đây là động cơ rất bền bỉ, "nồi đồng cối đá". Quan trọng ở chỗ mình sẽ thiết kế, sử dụng ra sao”, ông Hải đánh giá.

Ông Hải cho biết thêm, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã công nhận những công trình nghiên cứu máy bay trực thăng của ông. Cả 2 chiếc máy bay trước kia từng được mang đi trưng bày tại các quốc gia này.

“Hai lúa” chế tạo xe bọc thép đang làm chiếc máy bay thứ… 3 - 2

Ông Trần Quốc Hải bên cạnh chiếc máy nhổ mì đang trong giai đoạn thiết kế, sắp hoàn thành

“Đại diện của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của tôi, từ làm máy bay cho tới máy nông nghiệp. Khi họ muốn đưa máy móc từ Việt Nam sang quốc gia của họ thì họ cử đơn vị riêng sang tận nơi lấy, nên tôi cũng không gặp khó khăn gì trong việc xuất khẩu các thiết bị này”, ông Hải nói.

Ngoài các sản phẩm công nghệ cao như xe bọc thép, máy bay, ông Hải cũng là một tay “hai lúa” có tiếng với máy nông nghiệp.

“Tôi là người sống ở miền Nam từ nhỏ, tôi thấy người nông dân phải chịu một nắng hai sương, làm việc thì tốn sức rất nhiều nhưng năng suất chưa cao. Như một thanh niên vác bao mì 60kg là rất nặng, nếu lỡ chân trượt té thì gãy sống lưng, gãy chân, tay như chơi. Trong khi mình có khả năng thì tại sao lại không làm ra các máy móc để phục vụ người lao động”, ông Hải nói về những hình ảnh rất thực tế trong cuộc sống, lao động mà ông nhìn thấy, từ đó khiến ông nảy ra nhiều ý tưởng chế tạo máy nông nghiệp.

Theo ông Hải, đời sống vật chất của con người ngày càng tốt hơn. So với ngày xưa, cơ hội tiếp cận với thế giới, với những kiến thức mới dần trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là điều kiện thuận lợi để thế hệ trẻ nghiên cứu, sáng tạo nên những sản phẩm phục vụ đời sống con người.

“Những gì tôi làm, ngoài phục vụ người dân, tôi cũng muốn chứng minh nước ngoài làm được thì người Việt Nam cũng làm được. Với cuộc đời tôi, máy nông nghiệp, xe bọc thép, máy bay là đủ. Hy vọng các thế hệ sau này sẽ làm được những thứ khác sáng tạo hơn, mới mẻ hơn nữa”, ông Hải bộc bạch.

“Tôi muốn nhấn mạnh là ai cũng có một năng lực riêng, quan trọng có phát huy được nó hay không. Ngoài ra, để làm được điều gì thì trước tiên phải có niềm đam mê cái đã. Ngày xưa, tôi cứ nghĩ danh vị nhà khoa học là một cái gì đó cao siêu lắm, nhưng bây giờ thì thấy bình thường, quan trọng là mình được thỏa niềm đam mê mà thôi”, ông Hải có đôi lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN