Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4

Áp thấp nhiệt đới ở phía Bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão và đang hướng vào nước ta.

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4 - 1

Các tàu cá trên địa bàn tỉnh vào nơi tránh trú bão an toàn. Báo Thừa Thiên Huế.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng 19 giờ tối nay (12/8), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 trên Biển Đông trong năm 2016.

Hồi 19 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Nam-Bình Định khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100mm, một số có mưa rất to như: An Chỉ (Quảng Ngãi) 200mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 190mm; Hoài Ân (Bình Định) 170mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230mm... Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh.

Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 24 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển Quảng Nam-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11.

Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Thừa Thiên Huế: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 11/9, vùng biển ở Thừa Thiên Huế đã có sóng to gió lớn đã đánh chìm 1 tàu khiến 3 thủy thủ gặp nạn. Đến ngày 12/9, 3 thủy thủ này đã được cứu hộ an toàn.

Ngoài ra, để chủ động ứng phó bão, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương triển khai rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ven sông, ven biển và vùng gò đồi đến nơi an toàn.

Các địa phương chỉ đạo người dân thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu và diện tích nôi trồng thủy sản, có phương án chống úng, bảo vệ diện tích lúa chưa thu hoạch xong…

Tất cả những phương tiện tàu thuyền và lao động trên biển này đã được thông tin về tình hình để chủ động không đi vào vùng nguy hiểm.

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4 - 2

Người dân vùng biển chằng chống nhà cửa trước mùa mưa bão. Báo Thừa Thiên Huế.

Đà Nẵng: Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, Đã Nẵng đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền của thành phố; nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn và hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn.

Cho phép học sinh trên toàn thành phố được nghỉ học bắt đầu từ sáng ngày 13/9.

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4 - 3

Ngư dân Đà Nẵng di chuyển tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Ảnh Báo Giao thông

Quảng Nam: Tính đến 14 giờ chiều nay (12.9), tổng số tàu cá của cả tỉnh đã vào bờ là 3.837 tàu/11.778 lao động. Số tàu cá đang hoạt động trên biển là 441 tàu/4.712 lao động. Trong đó tàu hoạt động xa bờ là 149 tàu/2.782 lao động đang hoạt động ở khu vực 14 độ - 17 độ vĩ Bắc, 111 độ - 119 độ kinh Đông; tàu đang hoạt động gần bờ là 292 tàu/1.930 lao động.

Quảng Ngãi: Theo báo cáo nhanh số của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 10 giờ ngày 12/9, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là 1.182 tàu/ 9.982  lao động, cụ thể: Vùng biển quần đảo Hoàng Sa:  79 tàu/821 lao động;  vùng biển quần đảo Trường Sa: 190 tàu/ 3.251 lao động; Vùng biển các tỉnh phía Bắc:399 tàu/  2.557 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam:  171 tàu/1.060 lao động;  vùng biển tỉnh Quảng Ngãi: 343 tàu/2.293 lao động.

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4 - 4

Người dân Tam Thăng (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) khẩn trương thu hoạch sắn trước bão. Ảnh báo Quảng Nam

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố ven biển và huyện Lý Sơn phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp kêu gọi, bố trí chỗ neo đậu đảm bảo an toàn cho tàu thuyền.

Trưa nay, 2 tàu cá trên đường vào bờ trú bão đã bị chìm thuộc địa phận xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi). Đó là 2 tàu cá của ông Nguyễn Ca và Phạm Văn Hùng (đều ngụ xã Nghĩa An). Chiều cùng ngày, mưa to khiến cho công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Đến 17h cùng ngày, tàu cá của ông Ca bị sóng đánh vỡ gây hỏng nặng.

Tăng cường theo dõi, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở bờ sông; chủ động triển khai các biện pháp di dời, sơ tán nhân dân; tổ chức thu hoạch vụ hè thu; bố trí lực lượng trực canh tại các khu vực nguy hiểm; cho học sinh, sinh viên nghỉ học khi bão đổ bộ.

Bình Định: Theo báo cáo nhanh của Trực Ban Tác chiến Bộ đội biên phòng tỉnh vào sáng 12.9 về số lượng tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động đánh bắt trên biển: Khu vực từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng có 221 tàu/2.587 người; khu vực từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.924 tàu/14.547 người; khu vực quần đảo Hoàng Sa có 20 tàu/140 người; khu vực vùng biển giữa Hoàng Sa và Trường Sa có 308 tàu/2.156 tàu; khu vực quần đảo Trường Sa có 287 tàu/2.050 người; neo đậu, hoạt động ven bờ trong tỉnh 4.332 tàu/24.373 người.

Phú Yên: Tính đến chiều 12/9, trên địa bàn tỉnh có 315 tàu thuyền với 1.939 lao động đang hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển, trong đó có 172 tàu với 1.253 lao động đang hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Đài Thông tin duyên hải Phú Yên cùng các địa phương khẩn trương thông báo và hướng dẫn tàu thuyền chủ động thoát khỏi hoặc không đi vào vùng ảnh hưởng của bão.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN