Tên lửa BrahMos của Ấn Độ đủ sức răn đe Trung Quốc

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của Ấn Độ nếu được trang bị trên các tàu tên lửa Việt Nam ở Biển Đông sẽ làm thay đổi cơ bản cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực.

Tên lửa BrahMos của Ấn Độ đủ sức răn đe Trung Quốc - 1

Tàu khu trục INS Rajput phóng tên lửa BrahMos

Trong khi truyền thông thế giới tập trung vào cuộc xung đột ở Trung Đông, Trung Quốc và Ấn Độ lại xuất hiện những mâu thuẫn mới liên quan đến tên lửa siêu thanh BrahMos.

“Ấn Độ triển khai tên lửa siêu thanh ở khu vực biên giới, thực tế vượt quá nhu cầu phòng thủ và tạo ra nguy cơ đe dọa đối với các tỉnh Tây Tạng và Vân Nam Trung Quốc”, tờ nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhận định. “Việc triển khai tên lửa BrahMos vượt qua giới hạn của sự cân bằng lực lượng và làm gia tăng đối đầu căng thẳng trong quan hệ Trung-Ấn, tác động tiêu cực đến sự ổn định trong khu vực.”

Nguồn tin quân sự Ấn Độ đáp trả với tuyên bố, “New Delhi nhận thức rõ các mối de dọa và an ninh quốc gia, việc triển khai vũ khí ở trong phạm vi lãnh thổ không phải là vấn đề mà nước khác lo ngại”.

Sức mạnh tên lửa siêu thanh BrahMos

Ban đầu, tên lửa siêu thanh Brahmos do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển với mục đích chống tàu nổi trên mặt nước.

So với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, tên lửa BrahMos có trọng lượng gấp đôi nhưng tốc độ gấp bốn lần, tạo ra năng lượng công phá rất lớn khi đánh trúng mục tiêu.

BrahMos có thể duy trì tốc độ siêu âm khi bay ở tầm thấp. Điều này khiến tên lửa trở lên rất khó phát hiện và đánh chặn. Để gia tăng khả năng xuyên thủng hàng rào phòng không, BrahMos thực hiện đường bay cơ động hình chữ S trước khi tấn công.

Tên lửa BrahMos của Ấn Độ đủ sức răn đe Trung Quốc - 2

Tên lửa BrahMos gắn trên tiêm kích Su-30MKI.

Điểm yếu duy nhất của tên lửa BrahMos là ở tầm bắn tương đối ngắn (khoảng 290 km). Quy chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) giới hạn việc xuất khẩu các tên lửa hành trình tầm bắn lớn hơn 300 km.

Những năm qua, Ấn Độ đã nghiên cứu các biến thể tên lửa BrahMos, phục vụ mục đích tấn công mục tiêu trên mặt đất, trên biển từ tàu chiến, tàu ngầm hoặc máy bay chiến đấu. BrahMos thậm chí có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 300 kg, dù đó không phải mục đích chính của tên lửa.

Ấn Độ hiện chuẩn bị giới thiệu thế hệ tên lửa BrahMos-NG, với kích thước nhỏ hơn (khoảng 1270 kg) và đạt tốc độ Mach 3,5, ứng dụng công nghệ tàng hình. New Delhi cũng đang có kế hoạch thử nghiệm tên lửa BrahMos II với động cơ phản lực dòng khí thẳng cho phép đạt đến tốc độ Mach 7. Loại tên lửa chống tàu siêu thanh này hoàn toàn không thể bị đánh chặn do từ khi phát hiện đến khi tên lửa trúng mục tiêu chỉ vài giây.

Răn đe hiệu quả Trung Quốc

Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận định, Trung Quốc hiện tại tỏ ra khó chịu về sự hiện diện của tên lửa BrahMos ở khu vực biên giới. Nhưng trong lương lai, Bắc Kinh sẽ còn bất an hơn nhiều khi Ấn Độ đạt thỏa thuận bán tên lửa cho một số nước khác, trong đó có Việt Nam.

Tên lửa BrahMos của Ấn Độ đủ sức răn đe Trung Quốc - 3

Tên lửa siêu thanh BrahMos.

Các khinh hạm tên lửa tốc độ cao của Việt Nam, nếu được trang bị tên lửa BrahMos có thể tạo ra nguy cơ đe dọa phi đối xứng đối với các hạm đội tàu quân sự. Nếu Việt Nam sở hữu tên lửa hiện đại này, cán cân sức mạnh quân sự châu Á-Thái Bình Dương sẽ có những thay đổi về cơ bản.

Mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ vốn đã có từ lâu và New Dehli cố gắng duy trì. Danh sách các quốc gia khác quan tâm đến tên lửa BrahMos bao gồm Malaysia, Brazil, Chile, Venezuela, Nam Phi và Indonesia.

Trước khả năng răn đe hiệu quả của tên lửa BrahMos, Trung Quốc nên chủ động hạ nhiệt căng thẳng với Ấn Độ. Cơ chế quản lý leo thang căng thẳng trên biên giới Trung-Ấn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến yếu tố chính trị bên trong nội bộ Bắc Kinh.

Một khi căng thẳng giữa hai nước lắng dịu, số tiền khổng lồ để tăng cường quân sự ở biên giới có thể được hai nước sử dụng cho các mục đích kinh tế cần thiết hơn, chuyên gia Sebastien Roblin kết luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN