Tiếp tay cho “đầu nậu” TQ tận diệt khoáng sản

Với giá thu mua cao hơn thị trường nội địa, doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm mọi cách “ngốn” tài nguyên khoáng sản của Việt Nam. Trong khi đó cơ quan quản lý lại chỉ biết bất lực đứng nhìn.

Thậm chí, các chủ hàng là người Trung Quốc còn trực tiếp vào nội địa Việt Nam để khảo sát các mỏ, điểm mỏ, đầu tư tiền vốn, máy móc, công nghệ cho một số DN Việt Nam khái thác khoáng sản để bán lại cho Trung Quốc.

Xuất lậu qua mọi cung đường

Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết, trên tuyến đường bộ hoạt động xuất lậu qua Trung Quốc chủ yếu là quặng thô như sắt, mangan, chì, thiếc, kẽm… thuộc địa bàn các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Nguồn quặng từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ như Hòa Bình, Phú Thọ, yên Bái, lào Cai, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…được các chủ đầu nậu dùng bộ hồ sơ vận chuyển, mua bán nội địa để vận chuyển bằng ô tô và tàu hỏa tập kết tại khu vực gần đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới sau đó tìm cách thẩm lậu sang Trung Quốc.

Tại các cảng đường thủy nội địa và trên tuyến đường biển nổi lên hoạt động buôn lậu các loại quặng titan, sắt, crom…thuộc các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, hải Dương, Nam Định và các cảng biển từ Thái Bình vào đến Nghệ An; buôn lậu titan diễn ra tại các cảng biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Đại tá Trực, thời gian qua nổi lên 3 loại DN hoạt động khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản: Thứ nhất là DN được Bộ TN-MT cấp phép khai thác nhưng không đầu tư nhà máy chế biến khoáng sản mà tìm cách bán quặng thô để thu lợi. Thứ hai là DN mua khoáng sản từ các doanh nghiệp được cấp phép khai thác để xuất lậu sang trung Quốc. “Đây là DN có quan hệ trực tiếp với “ông chủ” người Trung Quốc, hầu hết nguồn tiền của DN dạng này là do chủ hàng người Trung Quốc cấp” địa tá Trực cho biết. Thứ ba là DN vận tải trực tiếp thực hiện hành vi xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc.

Tiếp tay cho “đầu nậu” TQ tận diệt khoáng sản - 1

Lực lượng Hải Quan bắt giữ buôn lậu than (Ảnh: báo Hải Quan)

Gần đây, Cục Cảnh sát kinh tế đã phát hiện các chủ hàng Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam để khảo sát các mỏ, điểm mỏ, đầu tư tiền vốn, máy móc, công nghệ cho một số DN Việt Nam xin giấy phép khai thác mỏ, đầu tư máy móc, thiết bị khai thác và mua khoáng sản thô từ các mỏ tại Bình Định, Bình Thuận...

Sai phạm từ hoạt động khai thác tới quản lý

Hầu hết các DN khi làm thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản đều cam kết sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hoặc cam kết khoáng sản thô khai thác được sẽ chỉ dùng phục vụ cho các nhà máy chế biến sâu trong tỉnh. Nhưng sau khi được cấp phép khai thác, DN lại không đầu tư xây dựng nhà máy chế biến theo cam kết, không bán khoáng sản thô đã khai thác cho các nhà máy chế biến sâu trong tỉnh mà bán cho các DN khác (thực chất là chủ đầu nậu) để xuất lậu sang Trung Quốc.

Toàn quốc hiện có hàng trăm giấy phép khai thác khoáng sản titan được cấp cho các DN nhưng chỉ có 3 nhà máy chế biến sâu tại Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận. Tuy nhiên đây cũng là địa phương trọng điểm diễn ra hoạt động buôn lâu khoáng sản titan sang Trung Quốc.

“Tình trạng này diễn ra rất phổ biến, công khai trong một thời gian dài nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương không giải quyết triệt để nên tình hình buôn lậu khoáng sản thô diễn ra ngày càng phức tạp” đại tá Trực nói.

Ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV cũng nhận định: công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản còn nhiều bất cập, đặc biệt về việc kiểm soát sản lượng khai thác thực tế của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp.

Sai phạm còn thể hiện ngay trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản tại các doanh. Theo ông Long, tại nhiều doanh nghiệp, khai thác tài nguyên, khoáng sản luôn trong xu thế “miếng nạc” được quan tâm khai thác trước, những phần “xương” để lại hoặc không khai thác tận thu.

Có những đơn vị dùng hết phần tài nguyên thuận lợi quay sang “mót” lại chính những phần trước kia do chính mình bỏ lại. “Tình trạng chế biến, kinh doanh xuất khẩu tài nguyên thô vẫn diễn ra phổ biến tại các dơn vị, như vậy doanh nghiệp vừa không tạo thêm được giá trị gia tăng mà còn mất lợi thế trong tương lai do tự làm cạn kiệt nguồn lực” ông Long cho biết.

Thống kê chỉ từ tháng 3 tới tháng 5/2011, Cục Cảnh sát kinh tế phát hiện, bắt giữ 3 tàu vận chuyển quặng titan tại cảng Cát Lở (Bà Rịa Vũng Tàu) tịch thu hơn 6.000 tấn quặng titan không rõ nguồn gốc trị giá khoảng 50 tỷ đồng. Trước đó, cơ quan này cũng đã phá chuyên án điều tra vụ buôn lậu 70.000 tấn quặng titan tại cảng Quy Nhơn do Lê Văn Chiên (nguyên cán bộ Cục Hải Quan Bình Định cầm đầu)... Từ năm 2009 đến nay, Công an Quảng Ninh đã phát hiện, điều tra gần 1.400 vụ buôn bán vận chuyển than trái phép, thu giữ hơn 233.400 tấn than các loại trị giá 92 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN