Hanjin phá sản: DN Việt nguy cơ mất hàng trăm tỷ

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc Hanjin phá sản đã khiến các doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng.

Hanjin phá sản: DN Việt nguy cơ mất hàng trăm tỷ - 1

Hanjin phá sản, các đối tác của tập đoàn này "sốt vó" tìm cách cứu hàng, cứu tàu

Các ngành xuất khẩu lớn đều bị ảnh hưởng

Được biết, Hanjin chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như: Dệt may, da giày, đồ gỗ hay hàng thủy sản đến khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường mà Hanjin có tàu đi như Mỹ... sẽ đều bị tác động.

Thông báo mới nhất của Hanjin, 23 tàu của hãng này đang đỗ gần bến cảng của 23 quốc gia (bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ) nhưng trong tình trạng neo đậu tạm thời mà không được tháo dỡ hàng hóa vì các cảng từ chối tiếp nhận tàu cũng như hãng tàu Hanjin không dám cho tàu nhập cảng vì sợ bị bắt giữ. Theo lịch trình, tàu Hanjin Chennai đến cảng biển TP HCM ngày 2/9 song tới nay, tàu vẫn đang thả trôi cách bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu 85 hải lý. Trên tàu có chở 833 container nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 733 container có hàng.

"Hàng loạt cảng tại châu Á, châu Âu đều không cho tàu của Hanjin cập bến và dỡ hàng do lo ngại hãng không có khả năng thanh toán các khoản phí dịch vụ. Đáng nói, cước vận chuyển của các tuyến đường biển quốc tế cũng tăng vọt do hụt nguồn cung ngắn hạn, chẳng hạn như cước vận chuyển chặng Busan - Los Angeles đã tăng 55%, cước vận chuyển chặng từ Hàn Quốc sang bờ Đông Hoa Kỳ đã tăng 50%...”.

Tham tán thương mại Chu Thắng TrungĐại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc

Tính chung lại, theo báo cáo của Hanjin Việt Nam, các DN Việt Nam có khoảng 1.516 container nhập khẩu đang ở các bến cảng, 432 container nhập khẩu đang ở kho của khách hàng, 1.323 container xuất khẩu đang ở cảng trung chuyển hoặc ở trên tàu liên quan đến hợp đồng với Hanjin.

Công ty TNHH MTV Giao nhận vận tải thương mại Sài Gòn, một trong những DN làm đại lý cho hãng tàu Hanjin cho biết, đang bị hãng này nợ tiền thanh toán phí hải quan, biên phòng và cảng vụ với số tiền hơn 289 triệu đồng.

Đặc biệt, báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho thấy, Hanjin hiện còn nợ khoảng 50 tỷ đồng, với số container đang lưu tại Tân Cảng lên tới hơn 2.000 chiếc. Trong khi đó, Công ty Liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (Cảng VICT) cho biết, Hanjin đang nợ khoảng 80.000 USD với gần 190 container đang lưu. Hai cảng này đều yêu cầu khi khách hàng đến nhận hàng phải sự dụng dịch vụ cảng hoặc đặt cọc trong trường hợp lấy container ra khỏi cảng.

Ngoài ra, báo cáo của DN đối tác với hãng tàu Hanjin gửi Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cũng cho thấy, con số nợ khá lớn của Hanjin đối với tiền lưu kho bãi, xếp dỡ sửa chữa container... Cụ thể, ngoài số container đang lưu kho bãi, Hanjin nợ Công ty CP cảng Hải Phòng hơn 67.000 USD; Công ty CP cảng Nam Hải hơn 1,5 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ 2 tỷ đồng...

Trước tình trạng trên, Cục Hàng hải VN (Bộ GTVT) cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cập nhật diễn biến; Yêu cầu các cảng vụ hàng hải theo dõi những DN cảng biển, DN kinh doanh vận tải biển Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến hãng tàu Hanjin để tìm hiểu tác động, ảnh hưởng, công nợ, các kiến nghị, đề xuất để báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định; Đồng thời, có phương án bố trí phương tiện hợp lý và điều tiết kịp thời để hỗ trợ DN tránh ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa và gây ùn tắc tại các cảng biển.

Hanjin phá sản: DN Việt nguy cơ mất hàng trăm tỷ - 2

Chiếm 5% thị phần vận tải tại Việt Nam, Hanjin phá sản, các ngành xuất khẩu lớn tại Việt Nam như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… chắc chắn bị ảnh hưởng - Ảnh: Tạ Tôn

Chủ hàng, chủ nợ Việt Nam cần phải làm gì?

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã ra khuyến cáo đối với các lô hàng nhập khẩu đã cập cảng, DN Việt Nam khẩn trương hoàn thành thủ tục nhận và thông quan giải phóng ra khỏi container của Hanjin. Với các lô hàng xuất khẩu đã đưa container vào Hanjin, DN nhanh chóng lấy ra và liên hệ với các đối tác nước ngoài khác để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch đặt hàng hóa. Với các lô hàng đang được chuyên chở trên tàu của Hanjin, DN làm việc với văn phòng đại diện của hãng này ở Việt Nam để theo dõi lịch trình và phối hợp cùng đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng.

“Không chỉ có Hanjin, mà hãng lớn như China Shipping hay nhiều hãng tàu khác được sự hỗ trợ từ Chính phủ nhưng cũng đang trong cảnh khó trụ vững. Thị trường chung vận tải biển trên thế giới bước vào suy thoái từ năm 2008 và đến nay Hanjin phá sản là hệ quả của sự suy thoái này”.

Ông Trần Tuấn HảiTrưởng ban Chiến lược phát triển và truyền thông, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Võ Nhật Thăng, một trong những chuyên gia pháp lý hàng đầu về lĩnh vực vận tải hàng hải Việt Nam cho biết: Trong tình huống hàng trên tàu Hanjin đã cập cảng trung chuyển, chủ hàng Việt Nam cần liên hệ với Ban Quản tài của Hàn Quốc để họ cung cấp đầu mối hướng dẫn liên hệ chuyển giao lại hàng để chủ động đưa tới cảng đích sớm nhất. “Đây là thiệt hại ngoài kiểm soát nên các bên mua - bán - vận tải phải cùng nhau tìm biện pháp chia sẻ chi phí phát sinh chứ cũng không có cách gì kiện tụng, đòi bồi thường”, luật sư Thăng phân tích.

Về số nợ của Hanjin tại Việt Nam, luật sư Thăng cho rằng: Bất kỳ chủ nợ nào muốn tham gia vào quy trình xử lý nợ phải nộp yêu cầu bồi hoàn của họ cho Tòa cùng với các tài liệu chứng minh trong khoảng thời gian quy định. “Nếu Hanjin phá sản, Ban Quản tài của Tòa sẽ tập hợp và phân chia ra nợ ưu tiên, nợ không ưu tiên theo thứ tự, để chi trả cho tới khi hết tiền. Đáng nói nợ cảng phí phần lớn không mua bảo đảm nên sẽ không thuộc nhóm nợ ưu tiên. Vì vậy, cơ hội đòi được những món nợ cảng phí của chủ nợ Việt Nam trong trường hợp này rất khó khăn”, luật sư Thăng nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Ngân (Giao thông vận tải)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN