Lý do bất ngờ khiến nông dân Việt giỏi hơn cả nông dân Nhật, Hàn

Sự kiện: Kinh Doanh

Nông dân Nhật Bản, Hàn Quốc họ sản xuất trong điều kiện quy hoạch nông nghiệp theo chuỗi khép kín. Chúng ta mới chỉ có quy hoạch về số lượng, rồi thả nổi chứ không có sự quản lý về thức ăn chăn nuôi, con giống, không quản lý về nơi giết mổ, chế biến.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 13/06 nhân sự kiện Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội, ĐBQH Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng người nông dân Việt Nam rất “giỏi”, thậm chí “giỏi” hơn nông dân Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, 44% nông dân Nhật Bản có tuổi đời trên 70, tại Hàn Quốc có đến 63,6% nông dân trên 60 tuổi. Nhưng họ vẫn sản xuất tốt bởi nền nông nghiệp của họ đã quy hoạch bài bản, đảm bảo cho sản xuất. Người nông dân chỉ biết sản xuất, đầu vào và đầu ra đã có DN lo.

“Nhưng ở ta thì lại khác. Chúng ta mới chỉ có quy hoạch về số lượng, rồi thả nổi chứ không có sự quản lý về thức ăn chăn nuôi, con giống, không quản lý về nơi giết mổ, chế biến, không có nơi tiêu thụ, cho nên tôi cho rằng nông dân Việt Nam rất giỏi”.

Lý do bất ngờ khiến nông dân Việt giỏi hơn cả nông dân Nhật, Hàn - 1

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn.

Trong bối cảnh thách thức hội nhập, biến đổi khí hậu, vật tư nông nghiệp đầu vào giả và nhái trôi nổi trên thị trường. Các nhà nghiên cứu đánh giá 30%-50% phân bón trên thị trường là hàng giả và kém chất lượng, cùng với điệp khúc được mùa mất giá liên tiếp tái diễn nhiều năm qua. Theo ông Lại Xuân Môn, bằng ấy thứ đã lấy đi của nông dân quá nhiều, đời sống của nông dân khó khăn.

“Đợt giải cứu lợn vừa qua, có những nông dân không còn gì, mất hết rồi. Vì thế chúng ta phải giải quyết tận gốc vấn đề, đó là quy hoạch phải gắn với sản xuất, theo chuỗi sản xuất, nhà nước phải vào cuộc”.

Theo ông Môn, việc dư thừa nông sản thời gian qua không phải do lỗi của nông dân, cũng không phải do họ phát triển ồ ạt. Bởi sức mua của hơn 90 triệu người dân Việt Nam là rất lớn. Chúng ta chưa thống kê được bao nhiêu tấn dưa hấu, bao nhiêu tấn thanh long, bao nhiêu tấn hành được sản xuất và tiêu thụ trong 1 năm. Nguyên nhân chính là chưa có giải pháp tập trung giải quyết gốc vấn đề. Nếu không, không phải chỉ lợn, thanh long, hành tím, dưa hấu, mà còn rất nhiều sản phẩm cần giải cứu trong thời gian tới. Cái chính là phải giải quyết tận gốc giữa nhà sản xuất, thị trường và người tiêu thụ.

Cần quy hoạch lại nền nông nghiệp

“Để nông nghiệp có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, vượt qua thách thức biến đổi khí hậu, giành lại thị trường, người nông dân có cuộc sống tốt đẹp, rõ ràng chúng ta phải tìm giải pháp ngay từ gốc của vấn đề. Đó là quy hoạch vùng sản xuất và quy hoạch cây, con giống. Quy hoạch xong phải đảm bảo chất lượng đồng bộ trong quy hoạch và phải có đủ điều kiện thực hiện quy hoạch đó”.

Quy hoạch của chúng ta vừa qua là quy hoạch về số lượng, chưa có quy hoạch vùng sản xuất. Quy hoạch vùng sản xuất sẽ đảm bảo các điều kiện để thực hiện quy hoạch. Chủ tịch Hội Nông dân lấy ví dụ: quy hoạch chăn nuôi lợn phải bao gồm quy hoạch kết cấu hạ tầng từ đường, điện, nước, đến tận cơ sở chăn nuôi. Sau đó người ta mới đưa ra số liệu 5-10 năm phải phát triển bao nhiêu tấn lợn. Sau khi quy hoạch về số lượng, phải đi vào khảo sát những nơi có điều kiện chăn nuôi lợn, sau đó cấp phép cho những nơi có đủ tiêu chí để nuôi.

Tiếp theo đó, nhà nước đặt hàng các viện nghiên cứu để nghiên cứu ra các giống lợn có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Sau đó quy hoạch nhà máy thức ăn chăn nuôi đảm bảo cho số lượng lợn đã được quy hoạch. Nhà máy thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, nhưng đồng nhất một loại giá. Tiếp theo đó là quy hoạch khu giết mổ, rồi quy hoạch kho đông lạnh, cuối cùng người ta đưa ra thị trường.

Thị trường được xây dựng bởi chợ đầu mối để đưa sản phẩm vào đấu giá, sau khi đấu giá xong mới tiến hành chế biến, xuất khẩu và đưa ra thị trường bán lẻ. Mức giá ở thị trường bán lẻ không chênh lệch lớn so với mức giá cơ sở sản xuất, như vậy mới kích thích người sản xuất và người tiêu dùng.

Quy hoạch như thế là một chuỗi sản xuất khép kín, không cắt khúc, không manh mún, viện nghiên cứu cho ra cây, con giống thích ứng mọi thời tiết, dịch bệnh. Như vậy sẽ không còn lo gặp phải cây, con giống chất lượng kém. Quy hoạch thức ăn chăn nuôi cũng kiểm soát đồng nhất một loại giá sẽ không có vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng.

Cũng theo ông Môn, việc xây dựng kho bảo quản, từ lợn ra các sản phẩm khác, giải quyết được mâu thuẫn của thị trường. Việc xây dựng chợ đầu mối đấu giá cũng khắc phục tình trạng thương lái ép giá nông dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN