Không nên lập ủy ban quản lý vốn nhà nước

Đó là ý kiến của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân trước đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bên hành lang Quốc hội ngày 22-7, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng phương án thành lập Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là không phù hợp.

Giải thích rõ hơn cho quan điểm của mình, ông Lộc cho rằng Đại hội Đảng XII đã xác định dứt khoát xóa bỏ chế độ chủ quản, thành lập một cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước. Do đó, việc thành lập cơ quan này thay thế cho bộ chủ quản là chủ trương phù hợp và đúng đắn, cần triển khai sớm trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, phương án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là không phù hợp. Bởi ủy ban hay cơ quan cũng là đơn vị quản lý hành chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước, trong khi quan điểm hiện nay là chúng ta không nên tập trung quyền lực tài chính, quyền lực quản lý vốn vào một cơ quan. “Ta bỏ bộ chủ quản, không giao quyền quản lý vốn mà thành lập cơ quan vừa có quyền lực hành chính vừa có quyền lực vốn là không thích hợp” - ông Lộc nhấn mạnh.

Không nên lập ủy ban quản lý vốn nhà nước - 1

Quản lý hiệu quả vốn tại các doanh nghiệp nhà nước là vấn đề được nhiều cấp quan tâm. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn Ảnh: TẤN THẠNH

Về hướng giải quyết, ông Lộc đề nghị thành lập từ 2-3 tập đoàn đầu tư tài chính của nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tập hợp tất cả vốn của DN nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại các DN. Về hình thức, các tập đoàn này sẽ hoạt động như công ty tài chính, đầu tư vào cả DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn của nhà nước.

Theo chủ tịch VCCI, việc thành lập các công ty quản lý vốn nhà nước sẽ bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của DN nhà nước trong nền kinh tế thị trường. “Tập đoàn hoặc công ty tài chính quản lý vốn nhà nước sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư, chứ không phải cơ quan chủ quản, càng không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì việc sử dụng vốn sẽ hiệu quả hơn” - ông Lộc nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP HCM), việc thành lập “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước là làm theo mô hình của Trung Quốc, trong khi mô hình này đang thất bại. Do đó, ông Ngân cũng không tán thành việc thành lập cơ quan này.

Theo ông Ngân, có thể phát huy vai trò của Cục Quản lý vốn nhà nước hiện có, không nên “đẻ” thêm bộ máy mới. Nếu cần thiết, có thể nâng cơ quan này thành tổng cục. Ngoài ra, có thể nâng vai trò của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thành một cơ quan quản lý vốn, thay vì trước đây chỉ tham gia cổ phần ở công ty nhỏ. “Vẫn cần có sự quản lý của nhà nước ở đây. Nhà nước quản lý vốn mà nhà nước tham gia vào DN chứ không phải quản lý sản xuất kinh doanh tại DN. Như vậy, Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi nguồn vốn này hiệu quả đến đâu để hút vốn, thoái vốn hoặc chuyển vốn sang chỗ khác, thậm chí thay đổi người quản trị với tư cách là cổ đông quan trọng. Khi đó, sẽ giống như cổ đông quản lý nguồn vốn mình đầu tư. Đó cũng là trách nhiệm của Bộ Tài chính thay mặt nhân dân quản lý tài sản nhà nước, quản lý vốn nhà nước” - đại biểu Ngân đề xuất.

Kỳ vọng lớn!

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có dự thảo về việc thành lập Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban này ra đời được kỳ vọng sẽ trực tiếp quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngăn được tình trạng vốn nhà nước đang bị thất thoát như vừa qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN