Trời nồm: Dịch vụ giặt là hoan hỉ hốt bạc

Mưa gió dầm dề, thời tiết ẩm ướt kéo dài (hay còn gọi là nồm), dịch vụ giặt khô là hơi tại Hà Nội hoan hỉ hốt bạc.

Dịch vụ giặt là hốt bạc

Những ngày tháng 2 và đầu tháng 3 hàng năm, người dân miền Bắc thường méo mặt chống chọi với “giặc nồm”. Cái thứ “giặc” không gây  chết người nhưng khiến ai cũng phải bứt rứt, ấm ách khó chịu.

Không khí ẩm ướt, mưa phùn dầm dề, đường xá nhơ nhớp, đáng ghét hơn là thời tiết này làm quần áo nhanh bẩn nhưng phơi mãi chẳng chịu khô.

Có cung ắt có cầu, trong những ngày trời nồm, mưa phùn, các tiệm giặt khô là hơi trên địa bàn Hà Nội hoạt động vô cùng nhộn nhịp. Từ những tiệm giặt bình dân cho đến cao cấp hơn một chút, khách ra vào tấp nập. Nhân viên giao nhận cũng mải miết chạy khắp thành phố mà chưa hết việc.

Theo quan sát, không chỉ những tiệm có sẵn, nhiều cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, thậm chí là hàng ăn quán nhậu cũng nhận làm đại lý cho dịch vụ này để tranh thủ hốt bạc trong mùa cao điểm.

Thị sát một vòng quanh khu vực phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), có thể đếm sơ sơ được gần ba chục tiệm hoặc đại lý giặt khô là hơi. Cửa hàng nào cũng chật ních những bộ đồ được giặt giũ sạch sẽ treo ngay ngắn trên giá. Nhưng ngay ở sàn nhà, những đống quần áo bẩn được cột chặt và xếp ngổn ngang trên những mảnh bìa các-tông đang chờ được đưa đi.

Tôi cầm một chiếc áo khoác dạ ghé vào một tiệm được  gắn biển quảng cáo “Giặt khô – ướt cao cấp” nằm trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy), hẳn là vừa mới khai trương vì hai lẵng hoa to bày trước cửa mới héo phân nửa. Chị chủ bảo giá 70 ngàn đồng và hẹn chiều mai tới lấy.

Trời nồm: Dịch vụ giặt là hoan hỉ hốt bạc - 1 Trời nồm: Dịch vụ giặt là hoan hỉ hốt bạc - 2

Các tiệm giặt là tại Hà Nội đang vào mùa làm ăn, nhiều tiệm mới tưng bừng khai trương

Giao áo xong tôi yêu cầu viết hóa đơn, chị tỏ vẻ không thoải mái. Nhưng khi tôi vờ nói có mẹ đã nghỉ hưu đang bán nước ở nhà hiện rất muốn nhận làm đại lý giặt là thì chị phấn khởi hẳn lên. Chị cho biết, dạo trước cửa hàng này vốn là quán cơm bình dân nhưng ế quá đành chuyển ngạch. Mới khai trương được vài hôm nên khách chưa nhiều.

Tiết lộ về “giá buôn” chị cho hay: “Giặt ướt 5.000 đồng/kg, giặt khô 8.000 đồng/kg. Nếu khách yêu cầu là khô thì mỗi sản phẩm em được ăn hoa hồng 30%. Quần áo, chăn màn, ga gối, thú bông… cái gì cũng nhận được hết. Tùy từng sản phẩm, chị sẽ cắt lãi. Hàng ngày có người đi thu quần áo bẩn và giao đồ sạch đến tận nhà cho em. Nhàn hạ mà lại có thu nhập, sướng quá còn gì!”

Hòng để thu hút tôi hơn, chị tiết lộ thêm. Như chiếc áo khoác kể trên, nếu nhận làm đại lý sẽ được nhận 25 ngàn đồng. Nếu là bộ comple, khách phải trả 80 ngàn đồng, tiệm chị sẽ “cắt” cho tôi chừng 30 đến 35 ngàn. Chăn lông hoặc gấu bông là những món thu hời hơn cả.

Chị dí dỏm chào mời: “Chỉ cần em nhận một chiếc chăn lông, có khi cả ngày hôm ấy em không mất tiền đi chợ ấy chứ. Em cứ đưa mẹ đến đây, chị em mình làm hợp đồng rõ ràng. Mỗi tháng có thêm suất lương hưu, cụ thích mê cho mà xem!”

Hiểm họa bệnh tật núp sau tiệm giặt là?

Khi tôi vờ e ngại về chất lượng của dịch vụ với lý do khách hàng tương lai toàn là hàng xóm trong khu dân cư. Chị tự tin cho biết: “Không phải lo em ơi, cứ đổ chất tẩy vào, dù đồ có móc từ dưới bùn lên cũng sạch bóng”.

Nấn ná hỏi thêm, chị tiết lộ nhiều mánh trong nghề. Ví dụ thời tiết ẩm ướt này quần áo không bị bụi bặm cáu ghét như mùa hanh khô hoặc mùa hè. Để tiết kiệm mà vẫn hài lòng khách, cửa hàng sẽ cho bớt bột giặt, chất tẩy đi nhưng đổ thêm nhiều dầu xả hơn. Sau khi sấy khô, quần áo sẽ thơm lừng. Trong ngày nồm hôi hám, nhận được đồ thơm tho, ai chả thích.

Tuy nhiên, khi tôi ngỏ ý muốn vào xem khu giặt đồ ở phía sâu bên trong, chị bảo: “Có gì mà phải xem, thợ người ta đang làm, toàn đàn ông cả. Em vào người ta ngại đấy.”

Băn khoăn vì chất tẩy nào có thể “phù phép” cho đồ từ dưới bùn thành đồ mới cóng, tôi đến gặp cô Hương, một tiến sỹ hóa học -  người bạn đồng môn với bố tôi năm xưa hiện đang công tác tại đại học Bách Khoa Hà Nội. Cô đã có nhiều công trình khoa học về chất tẩy công nghiệp.

Cô cho biết chất tẩy đó là PERC (perchloroethylene) và Hydrocarbon. Đây là hai dung môi phổ biến nhất trong kỹ thuật giặt khô hiện nay.

Trời nồm: Dịch vụ giặt là hoan hỉ hốt bạc - 3

Hình ảnh trong một tiệm được quảng cáo “Giặt khô – ướt cao cấp”

Quy trình đồ vải được giặt khô có thể hiểu đơn giản như sau: Đồ giặt sau khi được kiểm tra sơ bộ sẽ được tiến hành làm sạch những vết bẩn nhỏ như mực bút bi, vết dầu mỡ... Sau đó đồ giặt được đưa vào máy. Thay vì xà phòng và nước, chất tẩy nêu trên sẽ được cho vào máy.  Quần áo sẽ được xả và vắt kỹ, sau đó sấy khô để bay hết dung môi trước khi đưa ra là và thổi để lấy lại phom dáng ban đầu.

Tuy nhiên, cô Hương cho biết thêm, dưới nhiệt độ bình thường, PERC ở trạng thái lỏng không bắt lửa nhưng cũng rất dễ bay hơi và hòa lẫn trong không khí. Nhiệt độ càng lên cao thì sự bốc hơi càng mạnh và tạo ra một mùi khó chịu giống như chất ether.

Lịch sử chuyên ngành hóa học đã ghi nhận nhiều trường hợp cơ thể con người bị phản ứng với chất PERC. Đáng lưu ý nhất là những ảnh hưởng của nó lên hệ thần kinh khiến đối tượng bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và đau đầu thậm chí bị mất ý thức.

Nếu người thường hít khí này trong thời gian liên tục sẽ bị ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp, gan, thận, mất trí, nguy hiểm hơn là tăng nguy cơ gây ung thư.

Đó là với những người tiếp xúc trực tiếp như thợ giặt đồ, còn những khách hàng có thói quen mặc đồ giặt khô sẽ có thể bị ảnh hưởng đến da như bệnh dị ứng, phát ban, mẩn ngứa. Không ít người lại bị mỏi mắt, căng thẳng thị giác.

Ngoài tác hại của hóa chất, việc giặt lẫn lộn quần áo không rõ nguồn gốc của rất rất nhiều người trong tiệm giặt là cũng là mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe. Không cần phải là một chuyên gia, ai cũng có thể “nhìn” thấy được những căn bệnh có thể lây lan qua việc chung đụng này. Đơn cử nhất là bệnh da liễu và phụ khoa.

Trời nồm: Dịch vụ giặt là hoan hỉ hốt bạc - 4

Việc để lẫn lộn quần áo và giặt chung đụng đồ không nguồn gốc sẽ vô tình gây lây lan bệnh tật

Ăn được vạ, má đã sưng

Bên cạnh những nguy hiểm tiềm ẩn với sức khỏe, tiệm giặt cũng gây không ít rắc rối. Đầu tiên phải kể đến việc mất trộm, cắp. Việc khách bị mất đồ giặt không hề xa lạ.

Ngoài việc không may bị thất lạc, thiếu sót đồ của khách, nhiều chủ tiệm giặt đôi khi vì quá mê một món đồ nào đó hiếm hoặc đẹp đã cố tình giấu đi, sau khi báo mất, họ sẽ chỉ bồi hoàn cho khách một khoản tiền theo quy định mà tiệm đề ra.

Xin kể một câu chuyện có thật mà tôi đã từng được chứng kiến. Một vị khách nọ mang chiếc áo da đến tiệm giặt gần nhà tôi. Anh chồng của chị chủ tiệm vì quá thích chiếc áo này đã lấy cắp và nói là bị mất trong quá trình chuyển đồ. Vị khách chỉ được bồi thường 500 ngàn đồng cho chiếc áo da vốn đắt đỏ. Chỉ sau đó nửa tháng, anh vô tình thấy chồng chủ quán mặc chiếc áo đó. Dù rất muốn làm rõ trắng đen nhưng anh vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì đó là một tay xã hội đen cộm cán trong khu phố.

Không chỉ ấm ức vì bị mất đồ, nhiều khách còn tức tối vì đồ giặt bị hỏng, rách. Một đồng nghiệp của tôi từng gặp chuyện xui xẻo này. Chị mua được một chiếc váy hàng hiệu rất đẹp. Hồ hởi mang đi giặt nhưng sau đó đau lòng nhận về chiếc váy méo mó, phai màu tèm lem.

Khiếu nại cửa hàng, chị chỉ nhận được số tiền bồi thường rất nhỏ so với giá mua ban đầu. Cho đến tận bây giờ, chiếc váy dù mới tinh nhưng vẫn bị xếp trong góc tủ như một kỉ niệm “đau thương” về dịch vụ giặt là.

Nói như vậy không có nghĩa giặt khô là hơi chỉ mang ý nghĩa tiêu cực. Nhìn nhận công bằng, đây là một dịch vụ hiện đại và có ích trong đời sống xã hội. Tiệm giặt là không chỉ mang đến sự thoải mái, dễ chịu cho cuộc sống nó còn thể hiện sự phát triển của xã hội văn minh.

Với đồ mang từ tiệm giặt là về, các chuyên gia khuyên khách hàng nên rũ, phơi trong không gian rộng một thời gian để hóa chất có thể giải phóng hoàn toàn. Không nên đóng bao, cất vào tủ ngay. Ngoài ra nên chọn một tiệm giặt "an toàn" và tạo thói quen tiêu dùng trung thành, thông minh, bạn sẽ không lo bị hư hại đồ đạc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc_Trai_Đen ([Tên nguồn])
NÓNG cùng thời trang mỗi ngày! Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN