Xử phạt người xả rác nơi công cộng: Nhắc nhở là chính

Sự kiện: Thời sự

Nhiều thành phố du lịch lớn của Việt Nam đã áp dụng quy định xử phạt du khách xả rác trên bãi biển từ nhiều năm nay, nhưng hiện chưa thể xử phạt bất kỳ trường hợp nào.

Xử phạt người xả rác nơi công cộng: Nhắc nhở là chính - 1

Các bãi biển đã trở nên sạch hơn khi các tỉnh, thành phố áp dụng Nghị định 179 để xử phạt du khách xả rác

Nghị định 155/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1.2.2017, đã thay thế cho Nghị định 179/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, nhiều mức phạt được quy định trong Nghị định 155 đã tăng cao so với Nghị định 179 trước kia. Chẳng hạn, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng (mức cũ là 50.000 đồng đến 100.000 đồng).

Tương tự, hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị,... cũng áp dụng mức phạt mới theo Nghị định 155 là từ 1 triệu đồng cho đến 7 triệu đồng tùy hành vi và mức độ vi phạm.

Trên thực tế, những quy định xử phạt nói trên đã được nhiều thành phố du lịch biển của Việt Nam như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng,... áp dụng từ nhiều năm trước.

Trao đổi với PV về kết quả sau gần 1 năm áp dụng quy định xử phạt du khách xả rác trên bãi biển, ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh chưa xử phạt bất kỳ du khách nào xả rác trên biển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa không có du khách vi phạm.

“Khi áp dụng Nghị định 179, cái chính đã đạt được là nâng cao nhận thức của người dân, du khách trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Ngoài áp dụng chế tài xử phạt, chúng tôi còn thành lập các đội, nhóm tại các quận để kịp thời phát hiện, nhắc nhở du khách có hành vi xả rác. Quan điểm là không nặng về vấn đề xử phạt mà làm sao để thay đổi nhận thức để họ có hành vi tốt hơn", ông Cường nói.

Theo ông Cường, hành vi xả rác trên biển hay nơi công cộng nào cũng là hành vi tức thời, có thể khắc phục ngay nên lực lượng chức năng nhắc nhở là chính. Tất nhiên, với chế tài tăng lên như quy định mới trong Nghị định 155 thì sẽ có tính răng đe mạnh mẽ hơn nữa.

"Tâm lý chung của người dân khi một điều gì đó có khả năng đụng tới đời sống và túi tiền của họ thì họ sẽ e dè hơn. Chẳng hạn với luật luật an toàn giao thông, khi mức phạt tăng lên thì họ sẽ chấp hành tốt hơn, chạy xe cẩn thận hơn", ông Cường nhận định.

Về những khó khăn khi áp dụng chế tài vào thực tế, ông Cường cho biết, để xử phạt thì phải có bằng chứng, chẳng hạn sử dụng camera, máy ảnh để ghi nhận và các phương tiện khác để xử lý, phải có lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt tham gia cùng các đội kiểm tra,...

Trong khi đó, ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh cũng đã áp dụng Nghị định 179 để làm chế tài xử phạt hành vi xả rác trên biển nhưng sau gần 2 năm áp dụng, tỉnh chưa xử phạt trường hợp nào mà chủ yếu chỉ nhắc nhở là chính.

"Về Nghị định 155, chủ yếu là do các huyện, thành phố triển khai. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn các khu du lịch, các doanh nghiệp và sẽ yêu cầu UBND các huyện, thành phố triển khai. Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức và tăng cường thanh tra, kiểm tra", ông Hàng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN