Xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân
Một trong những nội dung quan trọng, thu hút được đông đảo sự quan tâm của dư luận và cộng đồng doanh nghiệp cả nước tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012.
Sáng 12/6, thảo luận về dự thảo Nghị quyết này, các đại biểu đều bày tỏ sự thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ; cho rằng việc ban hành các giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường là cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn, về đầu ra của sản phẩm hàng hóa.
Đa số ý kiến trong Ủy ban tài chính ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay cùng với việc thực hiện các nhóm giải pháp khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp thông qua việc doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lưu động trong khi việc vay vốn ngân hàng đang khó khăn do các điều kiện vay và lãi suất cao.
Đại biểu Mai Hữu Tín (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đề nghị Chính phủ xem xét lại tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách hợp lý hơn để có thêm nhiều đối tượng được hưởng chính sách. Đại biểu Mai Hữu Tín cũng bày tỏ tán thành việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp; cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu tốt đối với doanh nghiệp trong thời điểm này, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày Tờ trình về Dự thảo
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng như nhiều ý kiến thảo luận tại hội trường cũng đều bày tỏ không tán thành với phương án miễn thuế khoán thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân như đề xuất của Chính phủ vì cho rằng những đề xuất này không mang lại hiệu quả thiết thực, tác động là không đáng kể; việc xác định đối tượng đủ điều kiện để áp dụng miễn thuế là không khả thi.
Chưa hài lòng với những giải pháp của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) kiến nghị Chính phủ cần đưa ra những biện pháp giảm thuế một cách thiết thực hơn đối với doanh nghiệp hướng tới giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Bởi các giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân, VAT cũng chính là biện pháp thiết thực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Những giải pháp này cũng phải đi đôi với việc kiểm soát chặt chẽ trong việc áp dụng, thi hành trên thực tế.
Đáng chú ý, cũng tại buổi thảo luân, khá nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (như Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội) và giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Quốc hội cho giảm ngay 50% thuế VAT cho toàn bộ hàng hóa; đối với cá nhân có thu nhp tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 để hỗ trợ người lao động cải thiện đời sống. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ quả quyết, đây là những biện pháp gián tiếp có tác dụng mạnh mẽ trong việc kích cầu tiêu dùng, góp phần thiết thực vào việc hỗ trợ sản xuất của doanh nghiệp và hỗ trợ đời sống người dân.
Cùng quan điểm này, các đại biểu: Trần Thanh Hải; Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội nghiên cứu áp dụng miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 đối với người công nhân lao động làm công hưởng lương. Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất, không nên giới hạn như trong đề xuất của Chính phủ, việc giảm thuế VAT phải nghiên cứu mở rộng đối với nhiều lĩnh vực, đối tượng hơn nữa mới có giá trị thực tế.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng đưa ra quan điểm, để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ cần có thông điệp rõ ràng từ 2013, sẽ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25-30%, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Cũng trong sáng nay, với 88% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013; điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.
Theo dự thảo Nghị quyết, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Quốc hội quyết định bổ sung dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 4; chuyển dự án Luật đất đai từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.
Quốc hội cũng quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII các dự án: Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi); Luật ban hành quyết định hành chính; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng;” Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, Quốc hội đã thông qua với 32 dự án luật, 4 dự án pháp lệnh trong chương trình chính thức, 18 dự án luật trong chương trình chuẩn bị.