Xe vi phạm: Muốn thanh lý cũng không xong

Hà Nội hiện có rất nhiều bãi giữ xe vi phạm nhưng hầu hết đều rơi vào tình trạng quá tải, nhiều bãi trở thành đống “phế liệu” khổng lồ. Hệ quả là gây ra sự lãng phí lớn về tài sản của nhân dân, lãng phí quỹ đất đai của thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hàng chục bãi đang lưu giữ hàng nghìn xe gắn máy, mô tô, ô tô… các loại ước trị giá hàng trăm tỉ đồng (như: Mỹ Đình I, Bồ Đề, Dịch Vọng, Nam Á, Bưởi). Một số chuyên gia ví von đây như một bãi tiền đang dần biến thành sắt vụn vô giá trị.

Bức xúc trông xe miễn phí

Nghịch lý ở chỗ, trong khi diện tích các điểm trông giữ xe đang thiếu trầm trọng nhưng vẫn có một diện tích rất lớn dùng để chứa cả nghìn chiếc xe vô chủ từ năm này qua năm khác.

Một vị lãnh đạo Xí nghiệp 3 thuộc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội không giấu được bức xúc khi phải trông giữ miễn phí cơ man những xe vô chủ đang biến thành sắt vụn dưới mưa nắng, mà không thể thanh lý hay vứt bỏ:  "Theo quy định, giá trông giữ một chiếc xe bị xử lý vi phạm hành chính là 3.000 đồng/ngày đêm, nhưng với điều kiện chủ xe phải đến nhận lại phương tiện và thanh toán tiền lưu kho bãi. Với những xe "vô chủ", đương nhiên chúng tôi phải trông giữ miễn phí và không được cơ quan nào thanh toán. Vậy mà, trong số hơn 400 chiếc xe vô chủ nằm tại đây, nhiều chiếc có "thâm niên" từ những năm 2006-2007... Chỉ tính riêng phí trông giữ, tính ra chúng tôi đã thiệt hại hàng tỉ đồng, chưa kể số tiền phải chi trả từ việc bố trí thêm nhân lực do số xe tồn đọng ngày càng nhiều”.

Câu hỏi chưa có lời giải ấy được chuyển đến một số cán bộ trong ngành công an, nơi có trách nhiệm với những “tang vật vi phạm” này. Là người có nhiều năm xử lý vi phạm hành chính, Trung tá Nguyễn Văn Quỹ- Tổ trưởng Tổ xử lý hành chính vi phạm Đội CSGT số 1 lý giải: Xe được xem là vô chủ thường rơi vào một trong các trường hợp: xe nhập lậu không có nguồn gốc giấy tờ; xe quá cũ nát hoặc xe đã qua nhiều đời chủ sử dụng và bị mất đăng ký. Với xe nhập lậu không có nguồn gốc giấy tờ và xe bị mất đăng ký nhưng đã qua nhiều chủ sử dụng, thông thường sau khi bị tạm giữ phương tiện, chủ xe sẽ "một đi không trở lại" do biết việc xin cấp mới hoặc làm lại đăng ký quá khó khăn. Riêng trường hợp xe quá cũ nát hoặc chủ phương tiện vi phạm những lỗi nặng mà tiền nộp phạt xấp xỉ, thậm chí cao hơn cả giá trị chiếc xe, chủ phương tiện cũng phó mặc cho lực lượng xử lý.

Xe vi phạm: Muốn thanh lý cũng không xong - 1

Xe vi phạm: Muốn thanh lý cũng không xong - 2

Những xe máy trị giá trăm triệu đồng phơi trong mưa nắng tại bãi xe

Cửa thanh lý hé mở

Hiện trình tự thủ tục giải quyết xe vi phạm, quy trình thanh lý tài sản đang quá chặt và rườm rà. Trong phiên họp giải trình với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hồi tháng 4 vừa qua, đại diện Bộ Công an cũng cho rằng, cần có quy định thông thoáng hơn trong việc xử lý xe vi phạm để tránh tình trạng chủ xe bỏ luôn vì không bõ lấy về (tiền phạt, tiền lưu bãi lớn, xe hỏng hóc…). Vậy vấn đề này đã đi đến đâu?

Đại diện Chi cục quản lý Công sản, Sở Tài chính TP Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, hết thời hạn tạm giữ phải thông báo ít nhất 2 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải sau 30 ngày mới có thể ra quyết định tịch thu, rồi mới chuyển cho đơn vị khác bán đấu giá thanh lý. Như vậy, mất chừng… nửa năm để giải quyết gọn một chiếc xe (bị bỏ lại).  Trong khi đó, quy trình thanh lý cũng rất chặt chẽ, rườm rà với sự có mặt đầy đủ của các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý công sản, Tài chính… Do sự rườm rà của thủ tục trong việc giải quyết các xe vi phạm mà số lượng xe tồn đọng ngày càng nhiều- vị đại diện này cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lam- Phó giám đốc Cty Khai thác điểm đỗ Hà Nội cho hay, trong tổng số hơn 10.000 xe vi phạm mà đơn vị này giữ hộ các lực lượng chức năng thì có gần 300 xe được chuyển sang thủ tục điều tra, thanh lý. Ngoài chuyện quá tải về kho bãi thì công tác lập hồ sơ, ra quyết định, vận chuyển xe, tạm giữ và trả xe cho người vi phạm... là cả một quá trình đầy tốn kém, mất công sức và quá nhiều thời gian, có khi còn bị người dân cự cãi, thưa kiện… Do đó, chúng tôi đề nghị cần đẩy nhanh quá trình lập hội đồng đấu giá, thanh lý để phần nào giải quyết những khó khăn này- bà Lam đề nghị.

Những chiếc xe cũ hiện tạm “để đó”, hy vọng các bãi xe sẽ không quá tải hơn nữa, vì Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII vừa qua quy định hạn chế việc tạm giữ phương tiện vi phạm, Trong khi chờ Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, việc làm trước mắt của các cơ quan chức năng là đẩy nhanh tiến độ xử lý xe vi phạm bằng hình thức thanh lọc, lựa chọn những xe còn giá trị để bán đấu giá. Bởi nếu làm chậm trễ, không những tài sản bị hư hỏng, mất giá mà nhà nước còn phải gánh thêm những chi phí như lưu kho, bãi, bảo quản…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lưu Hiệp ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN