Xe quá tải có thể bị phạt tới 100 triệu đồng

Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội vừa kiến nghị Bộ GTVT tăng mức xử phạt lên tới 100 triệu đồng đối với xe quá tải từ 60% trở lên.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết, xe quá tải không những hủy hoại cầu đường mà còn làm xuống cấp phương tiện, hại lốp, mòn phanh, tiêu hao nhiều nhiên liệu. Các doanh nghiệp vận tải “chân chính” ủng hộ chủ trương siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng của các phương tiện vận tải.

“Một xe có tải trọng 10 tấn mà chở đến 20 tấn không những hủy hoại cầu đường mà còn làm xuống cấp phương tiện, hại lốp, đe dọa tính mạng của người lái và gây thiệt hại cho chính lái xe và doanh nghiệp. Do đó chúng tôi kiến nghị phải làm quyết liệt và lâu dài”, ông Liên chia sẻ.

Ông Liên cho biết thêm, về mức xử phạt hành chính, Hiệp hội vận tải kiến nghị tăng nặng mức phạt theo trọng lượng vượt tải, mức phạt dự kiến 5.000.000đ - 7.000.000đ khi vượt tải trọng trên 50%. Đề nghị bổ sung mức phạt cao hơn tương ứng nếu vượt tải trọng 60% - 70% - 80% … có thể đến 100 triệu đồng”, ông Liên chia sẻ.

Riêng về phần tước quyền sử dụng lái xe tải trong thời gian 2 tháng nên rút xuống 1 tháng vì sai phạm của lái xe do trách nhiệm của nhiều đối tượng như chủ hàng, chủ xe, “bảo kê”. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho người lao động chỉ nên dừng ở mức tước giấy phép lái xe 1 tháng.

Xe quá tải có thể bị phạt tới 100 triệu đồng - 1

Nhiều xe tải tấp vào cây xăng đỗ “né” trạm cân ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Xuân Lê).

Theo ông Liên, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cũng kiến nghị phạt lũy tiến xe vượt tải theo chặng đường đã lưu hành kể từ khi xuất phát. Căn cứ xuất phát là lệnh vận chuyển. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng biểu mức phạt theo mức: ki lô mét đã chạy hoặc các tỉnh, các trạm cân đã vượt để hạn chế việc lách luật bằng cách xe né tránh trạm cân hoặc được “bảo kê”.

Ngoài việc xử phạt hành chính, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng: “bảo kê”, “cố ý làm trái”, “hủy hoại tài sản của nhân dân và nhà nước”…

Trước đó, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản gửi tới các tỉnh yêu cầu duy trì hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động theo chế độ 24h/ngày. Trong văn bản có nêu, sau hơn 1 tháng “siết” chặt kiểm soát tải trọng xe trên phạm vi cả nước số lượng phương tiện vi phạm quy định về tải trọng đã giảm so với trước đây.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm tải trọng vẫn còn phức tạp, một số nơi còn buông lỏng kiểm soát để phương tiện chở quá tải trọng vẫn lưu thông trên đường bộ, tránh các trạm kiểm tra tải trọng trên quốc lộ. Đặc biệt, nhiều xe tải chạy vào các tuyến đường địa phương, ảnh hưởng đến kết cấu cầu, đường, gây mất trật tự, an toàn giao thông, khiến cho dư luận nhân dân bức xúc.

Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT phải rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô nhằm ngăn chặn tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng cho phép.

Lượng công an, thanh tra ở các địa phương phải kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, phải duy trì hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động theo chế độ 24 giờ trong ngày; 7 ngày/tuần. Kiểm soát trọng phương tiện trên toàn bộ mạng lưới đường thuộc địa bàn bằng thiết bị cân xe hoặc kiểm tra hóa đơn hàng hóa, hợp đồng vận tải, vận đơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN