Xác định MBH dỏm: Đánh đố người sử dụng

Muốn xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn trước tiên phải cắt nguồn, không để các loại hàng dỏm đó tồn tại trong xã hội.

Từ ngày 15/4, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả, đó là khẳng định của Ủy ban ATGT quốc gia. Tuy nhiên, quy định này vừa đưa ra đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận.

Phân tích vấn đề này, TS Lê Hồng Sơn- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết hiện chúng tôi đang khẩn trương kiểm tra theo thẩm quyền Thông tư liên tịch số 06. Bản thân tôi cũng đã đọc Thông tư này, bước đầu tháy rằng: quy định xử phạt “mũ bảo hiểm không đạt chuẩn” còn nhiều vấn đề phải bàn.

Mù mờ khái niệm mũ bảo hiểm

PV: - Theo khẳng định của Ủy ban ATGT quốc gia, từ 15/4, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng MBH giả, trong đó đáng chú ý nhất là phạt tiền 100.000 – 200.000 đồng với người đội mũ bảo hiểm giả. Nói cách khác, tham rẻ hay nghèo, không biết phân biệt thật giả… đều sẽ phạt, ngắn gọn là phạt vì thiếu hiểu biết. Ông đánh giá thế nào về sự hợp lý và hợp pháp của quy định này?

TS Lê Hồng Sơn: - Tôi được biết, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BTC-BCA-BGTVT, ngày 28/3/2013 (Thông tư 06) do liên Bộ KHCN, Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công An, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

Tuy đã ghi ngày ban hành 28/2, nhưng Cục Kiểm tra văn bản vẫn chưa nhận được văn bản chính thức. Đáng lưu ý, quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả đang vấp phải phản ứng của dư luận. Đó là vấn đề cần lưu tâm.

Tại Điều 3 và Điều 4, của Thông tư 06 quy định mũ bảo hiểm cho người điều khiển xe máy phải có đủ các tính năng: Giảm chấn thương vùng đầu cho người đội khi có va chạm, tai nạn; Có cấu tạo đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ rung động và quai đeo có kiểu dáng theo hình 1 của quy chuẩn quốc gia QCVN2:2008/BKHCN; Nếu có mũ lưỡi trai mềm thì độ dài không quá 70mm, có góc nghiêng không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN2:2008/BKHCN; Nếu có lưỡi trai cứng thì độ dài không được lớn hơn 50mm… Nếu có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm; Đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN2:2008/BKHCN; được gắn với dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa.

Dựa vào bộ quy chuẩn này, để bắt người đội mũ cũng như công an, cảnh sát nắm được, đối chiếu kiểm tra xác định hợp chuẩn hay không hợp chuẩn là một sự đánh đố.

Có thể đặt chuẩn cho nhà sản xuất, đặt chuẩn cho một loại hàng hóa (mô tả); cũng có thể đặt chuẩn cho một sản phẩm với mục đích bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nếu để bảo vệ người tiêu dùng thì có thể đưa tiêu chuẩn tối thiểu. Vì nếu dựa vào chuẩn nêu trên, hàng loạt những loại mũ có chuẩn bảo hiểm cao hơn như mũ phi công, mũ lái xe tăng,.. không phải là mũ bảo hiểm và có thể bị phạt?

Phải chăng đang có sự nhầm lẫn giữa cách thức đặt chuẩn với mục đích sử dụng. Nếu đưa các chuẩn nêu trên để buộc một người đội mũ bảo hiểm phải biết là không khả thi. Còn nếu đạt chuẩn đó để buộc người sản xuất, nhập khẩu phải xem xét, quyết định việc sản xuất, nhập khẩu thì có thể chấp nhận được.

Nếu muốn đặt chuẩn để làm căn cứ cho việc xử lý vi phạm, theo tôi hiểu phải là thẩm quyền của Chính phủ. Còn nếu đặt chuẩn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mà kéo sang xác định tính hợp pháp của hành vi, hình như đang có sự nhầm lẫn về thẩm quyền, cách thức đặt chuẩn.

Khi làm luật giao thông đường bộ, việc quy định người ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm là nhằm đạt mục đích nhân đạo, bảo vệ tính mạng sức khỏe cho dân. Như vậy, người ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm là đối tượng được bảo vệ. Việc quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng cũng với mục đích đó đồng thời là chống hàng giả, hàng nhái, nay đưa ra để làm căn cứ xử phạt người tiêu dùng, xử phạt đối tượng được bảo vệ, tôi e là không ổn.

Thế giới đang bó tay với hàng giả, hàng nhái, không bảo vệ được cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất, tại sao ở đây ta lại dùng nó làm chuẩn để phạt người tiêu dùng trong khi đúng ra họ phải là người được bảo vệ, là nạn nhân của nạn hàng giả hàng nhái. Nội dung xử phạt đội mũ bảo hiểm không chuẩn, theo tôi cũng là giao một trách nhiệm quá lớn, quá khó cho CSGT, đặt họ trước khó khăn, trước sự phản ứng của người dân.

Khi nhận được Thông tư này theo con đường chính thức, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra kỹ về tính hợp pháp. Thẩm quyền quy định chất lượng, đạt chuẩn hay không đạt chuẩn thuộc Chính phủ hay thẩm quyền của Bộ. Nếu có vấn đề về tính hợp lý, chúng tôi cũng sẽ có kiến nghị.

Lưu ý, khi đưa ra thực thi Thông tư sẽ đụng đến một loạt các vấn đề như, "mũ bảo hiểm", "mũ bảo hiểm không đạt chuẩn", "mũ không phải mũ bảo hiểm", "mũ bảo hiểm là hàng nhái, hàng giả"...  Lâu nay,  trong xã hội người ta nhận thức và lựa chọn mũ bảo hiểm chưa mang tính "chuyên nghiệp" mà còn tương đối tùy tiện, dễ dãi. Trên thực tế, lượng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn trong xã hội có tỉ lệ tương đối lớn. Kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đang phổ biến, nói cách khác là công khai và thuận lợi.

Xác định MBH dỏm: Đánh đố người sử dụng - 1

TS Lê Hồng Sơn – Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

Mũ Ủy ban ATGT tặng cũng không biết thật giả

PV:-  Theo thống kê mới đây của chi cục hải quan Hải Phòng, 100% cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn có bán hàng giả. Có thể suy ra thông thái cũng khó mà tìm được hàng thật. Trong trường hợp này, trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thuế quan, hải quan, quản lý thị trường… ở đâu? Một người bị phạt vì đội mũ giả, đồng nghĩa với việc các đơn vị liên quan kia không làm tròn nhiệm vụ, họ có bị phạt không hay chỉ người dân mới xứng đáng nhận phạt, thưa ông? Theo luật, có điều nào xử phạt sự thiếu trách nhiệm đó không và cụ thể mức phạt thế nào?

TS Lê Hồng Sơn: -Theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 06, rất khó khăn để xác định một chiếc MBH đạt chuẩn hay không. Ngay chiếc mũ tôi đang đội, tôi cũng không rõ có đạt chuẩn hay không mặc dù mũ do UB ATGT tặng tôi cách đây vài năm, hiện tôi vẫn dùng.

Vậy, những người dân ít có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin làm thế nào để lựa chọn và phân biệt được mũ bảo hiểm đạt chất lượng mà mua để dùng?

Nếu thực hiện hành vi xử lý, xử phạt, theo tôi cần phân rõ hai nhóm đối tượng là: Nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm và nhóm người điều khiển sử dụng mũ bảo hiểm.

Nội dung Thông tư đã đưa ra các quy chuẩn tương đối tốt, rõ ràng để phát hiện xử lý người sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh. Tuy nhiên, ở đây đụng phải một vấn đề trên thực tế là việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với người nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh hoàn toàn không nghiêm nếu không muốn nói là buông trôi, thả lỏng.

Chính từ thực trạng này mà, người sử dụng mũ bảo hiểm hiện nay rơi vào tình trạng mua, sử dụng mà không biết là hàng thật, hay hàng giả, hàng đúng chuẩn hay không đúng chuẩn. Theo tôi, đây là đối tượng phải siết thật chặt (bây giờ xiết cũng đã quá muộn) sao cho không để tồn tại trên thị trường, trong xã hội các loại mũ như tôi đã nói là "mũ bảo hiểm không đạt chuẩn", "mũ không phải mũ bảo hiểm", "mũ bảo hiểm là hàng nhái, hàng giả".

Vậy những cơ quan, người có thẩm quyền, trách nhiệm, quản lý chất lượng hàng hóa - mũ bảo hiểm để cho cái gọi là "mũ bảo hiểm" giả được sản xuất, bày bán tràn lan mà thực chất là sản xuất và tiêu thụ đánh lừa người tiêu dùng, có bị xem xét trách nhiệm và xử lý hay không?

Theo tôi, về vấn đề này quy định đã có nhưng riêng về vấn đề mũ bảo hiểm thì việc tuân thủ, thực thi còn hết sức lỏng lẻo. Đấy là chưa kể hiện tượng tiếp tay, bảo kê cho việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh. Vậy thì, một trong những điều kiện để xử phạt người dùng mũ không đạt chuẩn là phải xử lý người có trách nhiệm vừa nêu một cách nghiêm chuẩn.

Xác định MBH dỏm: Đánh đố người sử dụng - 2

Trước khi phạt người đội mũ bảo hiểm giả, phải xử phạt các cơ quan quản lý nhà nước trước

Cắt nguồn hàng giả trước khi xử phạt

PV:- Pháp luật là phương tiện thực hiện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân. Trong trường hợp phạt mũ bảo hiểm, ông có thấy được điều đó không? Hiện nay có một thực tế là người dân phải tự xoay xở, thậm chí bị phạt như trường hợp mũ bảo hiểm khi các cơ quan công quyền hoạt động không hiệu quả.

Ví dụ Bộ Y tế chịu trách nhiệm về an toàn, sức khỏe cho người dân nhưng lại không thể đảm bảo được cho người dân một môi trường sạch, bữa ăn sạch, mặc sạch mà lại đưa ra những khuyến cáo buộc người dân thành những "nhà tiêu dùng thông thái". Không quản lý đèn lồng Trung Quốc có chữ Tam Sa thì phát hướng dẫn để người dân tự phân biệt.

Ông có thể bình luận như thế nào về hiện tượng đang ngày càng phổ biến trên?


TS Lê Hồng Sơn:
- Một quy định chỉ có hiệu quả và giá trị thực tiễn khi đối tượng sai phạm là thiểu số, là trường hợp đặc biệt.

Vấn đề đặt ra là công tác tuyên truyền và trang bị cho người dân kiến thức về mũ bảo hiểm đạt đúng mức hay chưa. Khi chính họ là đối tượng được bảo vệ tính mạng và sức khỏe thì quy định lại quay lại xử phạt đối tượng cần và được bảo vệ.

Muốn xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn trước tiên phải cắt nguồn, không để các loại hàng dỏm đó tồn tại trong xã hội. Việc này phải đi trước một bước và phải làm thực sự chứ không phải nửa vời, đặc biệt là không được buông trôi, thả lỏng như lâu nay.

Khi đó, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội hơn. Nghĩa là, không đẩy số lượng người rất lớn đội mũ bảo hiểm hiện nay mà không biết là mũ bảo hiểm thật hay giả vào thế hoang mang, lo sợ.

Điều kiện khách quan phải đủ thì khi đó người đội mũ bảo hiểm là thiểu số, là số ít và trong nhận thức người ta cũng biết đấy là mũ dỏm và việc đội chỉ là đối phó thì khi đó phạt là không oan.

Đặc biệt là không để tình trạng CSGT phải xử phạt "mỏi tay", không xuể. Như hiện nay, nếu đưa quy định này ra để lực lượng công an, cảnh sát thực thi thì không biết hình ảnh của nó sẽ thế nào, có gây phản cảm quá không. Tóm lại, ở đây là vấn đề điều kiện cần và đủ cũng như lựa chọn thời điểm để quy định và thực thi biện pháp xử phạt đối với người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

Điều đáng lưu ý, khi đưa quy định người điều khiển xe máy phải đội mũ bảo hiểm trong Luật giao thông đường bộ, đã có sự thảo luận hết sức quyết liệt, trong thời gian tương đối dài và có một lộ trình từ nội thành ra địa bàn khác... mục đích của quy định này, trước hết và cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho người điều khiển xe máy. Vậy, đưa ra quy định phạt khi điều kiện khách quan chưa hội đủ liệu có giữ được mục đích này hay không hay lại lẫn sang mục đích khác.

Hơn nữa, như hiện nay nếu thực thi xử phạt sẽ là số đông chứ không phải số ít, với đối tượng cá biệt. Khi người ta muốn xác lập quy định xử phạt.

Tất cả các bộ hiện nay phải nhận thức đầy đủ nhận thức của mình không phải tùy tiện muốn đưa ra quy định lúc nào thì đưa. Không thể chủ quan duy ý chí, lợi ích ngành, lợi ích cục Bộ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Vũ (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN