Xác định hành tinh đầy nước ngoài Hệ mặt trời

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa xác định một hành tinh chứa đầy nước bên ngoài hệ Mặt trời cách Trái đất 40 năm ánh sáng.

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa xác định rằng hành tinh mang tên Gilese 1214b nằm cách Trái đất 40 năm ánh sáng bên ngoài hệ Mặt trời của chúng ta có bầu khí quyển chứa nhiều nước.

Được phát hiện từ năm 2009, Gilese 1214b được coi là một “siêu Trái đất” vì hành tinh này lớn hơn Trái đất khoảng 2,7 lần nhưng lại nhỏ hơn một hành tinh khí khổng lồ.

Xác định hành tinh đầy nước ngoài Hệ mặt trời - 1

Hành tinh Gilese 1214b và một vệ tinh của mình

Dựa trên các nghiên cứu được thực hiện sau khi phát hiện ra hành tinh Gilese 1214b, các nhà khoa học đã có thể xác định được khối lượng, bán kính và tỷ trọng của nó. Tuy nhiên điều mà họ chưa tìm ra chính là thành phần cấu tạo của hành tinh này.

Dựa trên các dữ liệu thu thập được, các nhà khoa học đặt ra hai giả thuyết: hoặc đây là một hành tinh đá với bầu khí quyển chứa đầy khí hidro, hoặc hành tinh này là một “thế giới đại dương” chứa rất nhiều nước.

Để làm rõ các giả thuyết này, một nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã sử dụng kính thiên văn Subaru. Họ sử dụng những dữ liệu thu thập được bằng kính thiên văn này để xem liệu hành tinh Gilese 1214b này có các dấu hiệu của hiệu ứng “tán xạ Rayleigh” hay không.

Hiệu ứng “tán xạ Reyleigh” đề cập tới việc ánh sáng bị tán xạ bởi các hạt nhỏ hơn bước sóng của ánh sáng đi qua nó. Chẳng hạn như bầu trời trên Trái đất của chúng ta có màu xanh là do khí quyển gây ra hiện tượng tán xạ Rayleigh đối với ánh sáng mặt trời.

Xác định hành tinh đầy nước ngoài Hệ mặt trời - 2

Hiện tượng tán xạ trên các hành tinh

Nếu Gilese 1214b có bầu khí quyển chứa hidro, nhóm nghiên cứu sẽ quan sát được hiện tượng tán xạ Rayleigh rất mạnh. Tuy nhiên kết quả lại không cho thấy như vậy. Điều này chứng tỏ khả năng lớn nhất là khí quyển của hành tinh này chứa đầy hơi nước.

Các nhà nghiên cứu dự định sẽ quan sát thêm hành tinh này để có thêm cơ sở loại trừ khả năng hành tinh Gilese 1214b có bầu khí quyển hidro. Tuy nhiên, với các dữ liệu hiện có, họ có thể kết luận rằng khả năng lớn nhất đây là một hành tinh chứa rất nhiều nước.

Một khi kết luận này được xác nhận, các nhà thiên văn sẽ hiểu rõ hơn về quá trình hình thành của các siêu Trái đất vốn khá phổ biến trong các thiên hà khác. Đồng thời, điều này cũng sẽ góp phần giúp các nhà khoa học lý giải tại sao siêu Trái đất lại không xuất hiện trong hệ Mặt trời của chúng ta.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Forbes) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN