Phát hiện hành tinh xanh ngoài hệ Mặt trời

Các nhà thiên văn đã phát hiện một hành tinh có màu xanh kỳ ảo bên ngoài hệ Mặt trời nhờ áp dụng kỹ thuật quan sát hiện đại.

Dữ liệu từ kính thiên văn Hubble đã giúp các nhà thiên văn xác định được một hành tinh có màu xanh giống Trái đất quay quanh một ngôi sao ở gần Hệ Mặt trời của chúng ta.

Theo giáo sư Tom Evans thuộc Đại học Oxford, hành tinh có tên HD 189733b này quay quanh một ngôi sao cách chúng ta 63 năm ánh sáng (gần 600 ngàn tỉ km) và có kích thước tương đương với sao Mộc.

Phát hiện hành tinh xanh ngoài hệ Mặt trời - 1

Hình ảnh mô phỏng hành tinh xanh HD 189733b (Nguồn: NASA)

Hành tinh này quay rất gần với ngôi sao trung tâm, chu  kỳ mỗi vòng quay là 2,2 ngày. Khoảng cách này biến hành tinh này thành một “sao Mộc nóng” với nhiệt độ của các đám mây vào khoảng 1000 độ C và tốc độ gió lên tới 7000 km/h.

Trong vòng 20 năm qua, các nhà thiên văn học đã phát hiện hơn 800 hành tinh quay quanh những ngôi sao bên ngoài hệ mặt trời.

Dựa trên dữ liệu của kính thiên văn Hubble, các nhà thiên văn học cho biết những đám mây trên hành tinh này có màu xanh. Họ đã chĩa kính thiên văn vào hành tinh này trước, trong và sau khi ngôi sao của nó che khuất, giúp họ thu được ánh sáng phản xạ từ hành tinh và biết được màu của nó.

Các nhà thiên văn cho rằng màu xanh này có thể do bầu khí quyển nhiều mây với vô số những hạt thủy tinh nóng chảy phát ra ánh sáng màu xanh tạo nên.

Nhà lý thuyết hành tinh Alan Boss đến từ Viện Carnegie ở Washington, Mỹ cho biết: “Thật thú vị khi biết rằng chúng ta giờ đây đã có thể đưa ra những phép tính cung cấp cho ta thông tin về đám mây bao phủ một hành tinh xa xôi bên ngoài hệ mặt trời, đặc biệt là khi chúng ta không thể nhìn thấy trực tiếp được hành tinh này.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo USA Today) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN