Xác định ca tử vong thứ 2 do amip ăn não

Sáng 19/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận thông tin về trường hợp thứ 2 tử vong do amip Naegleria Fowler (hay còn được gọi là amip ăn não người).

Ca bệnh này được xác định tử vong do amip ăn não người sau khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp sinh học phân tử được hoàn thành.

Như vậy, tại Việt Nam, từ tháng 8 đến nay, đây là trường hợp thứ 2 tử vong vì loại amip này.

Bệnh nhân thứ 1 tử vong là một thanh niên 25 tuổi, trú tại Phú Yên làm nghề mò trai và đã bị amip chui qua mũi lên não “gặm nhấm” từ từ. Khi phát hiện bệnh, thanh niên này đã quay về TP.HCM chạy chữa nhưng không qua khỏi.

Bệnh nhân thứ 2 này là một bé trai 6 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Khi nhập viện và chụp chiếu, bệnh viện phát hiện bệnh nhi có khối áp xe trong đầu.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết bệnh viêm não – màng não do đơn bào Naegleria fowleri (bệnh amip ăn não người) là một bệnh rất hiếm gặp, nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao.

Trong vòng 49 năm (1962 - 2011) qua, Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 – 8 trường hợp trong một năm.

Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đơn bào Naegleria fowleri phát triển tốt nhất trong môi trường nhiệt độ 46 độ C, có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh viêm não – màng não.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) thì loại “amip ăn não người” mà một bệnh nhân ở Phú Yên mắc rồi tử vong tại bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM vừa qua là một trong rất nhiều loại amip đang sinh sống ngoài môi trường tự nhiên (loại amip này có tên khoa học là Naegleria fowleri).

Ông Hà cho biết amip bản chất là các ký sinh trùng, thông thường rất hiếm khi xâm nhập vào cơ thể (chủ yếu sống ở môi trường bình thường), trừ trường hợp cực kỳ hiếm gặp thì chúng mới vào được cơ thể con người.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là một khi amip đã xâm nhập vào cơ thể thì tỷ lệ tử vong rất cao (lên tới 98%). Bệnh nhân thường không có dấu hiệu đặc biệt và có diễn biến nhanh.

Hiện chưa có thông tin cụ thể nào về những đối tượng có nguy cơ cao bị loại amip này xâm nhập. Amip ăn não người thường phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm áp như: ao, hồ, sông, suối… vào mùa hè; thậm chí là hồ bơi không được vệ sinh, sát khuẩn.

Chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não, gây viêm màng não.

Điều nguy hiểm là amip này có thể vượt qua mọi khâu lọc khử trùng, nhiễm vào hệ thống nước sinh hoạt của các gia đình. Tuy nhiên, amip này không gây bệnh thông qua uống nước, trừ khi súc miệng mà nước nhiễm amip xộc lên mũi.

Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng:

- Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao (ao, hồ, sông suối,... những nơi có nguồn nước mất vệ sinh)

- Trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi.

- Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi.

- Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cẩm Quyên (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN