Xả lũ đúng quy trình sao dân không kịp trở tay?
Ông Nguyễn Thanh Quang- Giám đốc Sở NN&NT Tỉnh Quảng Nam cho rằng, ở tỉnh này câu chuyện xả lũ ngày 2/10 là lần xả lũ một cách “đàng hoàng” nhất của thủy điện Đăkmi 4 từ trước đến nay. Chỉ tiếc, lần “đàng hoàng” nhất này lại gây nhiều khốn khổ cho dân.
Như Tiền Phong đã thông tin, do ảnh hưởng cơn bão số 10, ngày 1/10, trên địa bàn Nghệ An mưa to, kèm theo việc xả nước ở hồ đập Vực Mấu ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nên đã gây ra trận lũ chưa từng có trong lịch sử
Ngày 3/10, mặc dù nước lũ hầu như đã rút, nhưng xóm làng, khối phố trên địa bàn thị xã Hoàng Mai và một số thôn xóm thuộc huyện Quỳnh Lưu đang ngổn ngang. Nhiều làng mạc tan hoang, không ít gia đình tài sản trôi sạch ra biển.
Tại đây, một số bà con xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu) bức xúc phản ánh: Chúng tôi không hề nhận được thông tin của chính quyền địa phương thông báo việc xả lũ hồ chứa nước của đập Vực Mấu. Do xả lũ nhanh nên không kịp cứu vớt gia súc gia cầm và di chuyển tài sản trong nhà. Chỉ trong mấy phút mà nước đã ngập lên gần nóc nhà. Chạy được thoát thân là may lắm rồi!
Không riêng gì bà con ở xã Quỳnh Bảng, rất nhiều người ở địa bàn khác thuộc thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đều phản ánh như vậy. Bà con thắc mắc, vì sao xả lũ mà chính quyền không thông báo với dân? Để khi nước đến chân dân nhảy không kịp, gây thiệt hại lớn đối với cuộc sống của bà con.
Đem thắc mắc của bà con hai địa bàn nói trên tới ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hồng cho biết, việc xả lũ ở hồ Vực Mấu vừa qua, họ (Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu- PV) đã làm đúng quy trình. Trước khi xả lũ, họ đã báo với chính quyền địa phương để thông báo với bà con nhân dân, sau đó họ tự xả. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là việc xả lũ nhanh quá nên đã gây thiệt hại về người và của.
Thủy điện Đắkmi 4 xả lũ ào ạt. Ảnh: PV.
Xả lũ, dân tưởng vỡ đập
Hôm, 3/10, ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho hay, đến cuối giờ trưa, nhiều tuyến đường ở huyện vẫn bị cô lập chưa thể lưu thông. Trong ngày, toàn bộ học sinh trong huyện phải nghỉ học.
Ông Tính thừa nhận có câu chuyện rộ lên tin đồn “vỡ đập thủy điện A Vương hay Đăkmi 4 gì đó” nên người dân hoảng loạn, tự sơ tán. Ngay sau đó, huyện đã kịp thời dùng loa tuyên truyền cho người dân hiểu, không có chuyện vỡ đập. “Trời quang mây tạnh, lại thấy nước dâng lên một cách bất thường nên người dân tưởng vỡ đập cũng không có gì lạ”.
Ông Nguyễn Mậu, người dân xã Đại Quang cho biết, đến tận ngày 3/10, nhà ông vẫn bị ngập, con đường trước nhà nước vẫn ngang ống chân, bị chia cắt. Theo ông Tính, UBND huyện Đại Lộc nhận được tin báo xả lũ từ tỉnh rất sớm, khoảng 7h sáng ngày 2/10.
Sau đó, đến 9h sáng, Đăkmi 4 bắt đầu xả với lưu lượng 1.800m3/s, rồi chỉ 3 tiếng sau, Đăkmi 4 đồng loạt tháo hết 5 cống xả qua Vu Gia với 2.744m3/s, con số lớn nhất từ khi khánh thành đập đến nay. Hậu quả vùng hạ du như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An nhanh chóng ngập nặng. Huyện phải di dời khẩn cấp 416 hộ dân ngay trong đêm.
Tích nước ngập trên, xả lũ ngập dưới
Khu đường bộ V vừa cho hay, tuyến đường Đà Nẵng đi Phước Sơn đã được thông tạm thời. Trước đó, do mưa lũ, đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phước Xuân đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều xã vùng cao với 4.000 dân bị nước cô lập, là Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Lộc và Phước Công. Nguyên nhân chính là thủy điện Đăkmi 4 chặn dòng phát điện khi mưa lớn. Tình trạng này chưa hề xảy ra trước khi thủy điện Đăkmi 4 chặn dòng.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Thanh Quan, ngày 2/10, thủy điện Đăkmi 4 đã xả lũ, phối hợp rất tốt với các ban ngành địa phương. “Rất tốt ở đây có nghĩa là trước khi xả, họ có gửi thông báo bằng fax và email”.
Theo ông Quang, lượng nước về hồ chứa Đăkmi 4 ngày 2/10 là xấp xỉ 3.000m3/s. Hai tổ máy phát điện qua sông Thu Bồn với công suất xấp xỉ 2 ngàn khối/s vẫn không ăn thua. Vì thế, bắt buộc họ phải xả mạnh, đề phòng vỡ đập. “Bây giờ có nói gì cũng không ăn thua. Giở quy trình xả lũ ra là thấy liền. Có khi lần sau chúng tôi phải yêu cầu họ xả lũ sớm hơn, không thể để bất ngờ như vậy”.
Tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã ghi nhận một trường hợp bị nước lũ cuốn trôi. Nạn nhân bị lũ cuốn là Nguyễn Văn Chính (sinh năm 1992) ngụ tại tổ 1 thôn Định Yên (Trà Đông – Bắc Trà My). Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 2/10, anh Chính băng qua khu vực giao thủy của sông Trạm thì bị lũ ống cuốn trôi. |