"Vua săn rắn độc" đất Hà thành

Không kinh doanh rắn, nhưng trong nhà lúc nào cũng có tới vài chục con “phì” (rắn hổ mang). Thậm chí, giới đi săn còn tôn ông là “vua,” bởi cái tài săn rắn độc đã thuộc vào hàng lão luyện ở đất Hà thành.

Gần nửa thế kỷ qua, chỉ với bàn tay thô ráp, gầy guộc bằng da bằng thịt ấy, nhưng biết bao con “phì” ma mãnh, hung hãn đã bị săn hạ, giúp ông có những món rắn ngon đãi khách mỗi dịp Tết đến xuân về.

Quá nửa đời săn rắn

Lân la tại quán nước ở đầu làng Lệ Mật (Long Biên-Hà Nội,) tình cờ bà lão chủ quán đồ rằng ở vùng này có hàng trăm người thợ săn, nhưng chỉ có duy nhất một ông “vua” rắn độc. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm về ngôi nhà cấp bốn nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, nơi dòng người đang chen nhau vào mua rắn độc về chế biến, xum vầy bên bữa cơm tất niên…

Mới 51 tuổi, nhưng Nguyễn Quang Triết đã có tới 40 năm thâm niêm làm nghề săn rắn. Cũng nhờ cái nghề săn “tử thần” ấy mà nhiều người biết đến ông như một “kỳ nhân.” Bên chén trà xanh nghi ngút khói, ông Triết hồ hởi bảo: “Nhờ mấy con ‘phì’ mà gia đình tôi đông vui hẳn. Khách tới đây đa phần là người ở các nhà hàng, họ đến mua rắn về chế biến ẩm thực, cũng có người mua về ngâm rượu, làm thuốc…”

"Vua săn rắn độc" đất Hà thành - 1

"Vua săn rắn độc" Nguyễn Quang Triết: "Tôi còn thích khuất phục mãnh xà".

Ông Triết sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố và mẹ đều là những người có tiếng săn bắt rắn ở làng Lệ Mật. Cũng chính nhờ cái nghề đi săn “tử thần” ấy nên ngay từ thuở còn bé, ông đã được thưởng thức những món rắn ngon.

“Từ cách săn rắn của cha, đến kỹ năng săn rắn mềm mại của mẹ, rồi tôi “say” nghề lúc nào chẳng biết. Thật sự mà nói thì lúc đầu mới đi săn cũng sợ lắm, nhưng dần thành quen. Giờ cứ gặp rắn là mừng, không kể rắn lành hay rắn độc,” ông Triết bộc bạch.

Thông thường mỗi chuyến đi săn của “vua săn rắn độc” kéo dài 1-2 tháng, có khi 3-4 tháng cũng chẳng lạ. Và sau mỗi chuyến đi săn như vậy, ông lại mang cả bao tải rắn lên tới hàng trăm con về nhập cho các nhà hàng…

Minh chứng cho lời nói, “vua săn rắn độc” dẫn chúng tôi vào thăm gian nhà ông dành riêng cho loài “tử thần.” Vừa trò chuyện, ông vừa thò tay vào chuồng, lôi ra con hổ mang hung hãn chừng 3-4kg, khoe: “Con này tôi mới bắt cách đây nửa tháng ở vùng núi Bảo Yên (Lào Cai). Trong này còn có hơn 20 con như thế đang... đợi Tết.”

Khuất phục mãnh xà

Đang “say” câu chuyện với người khách lạ thì bỗng nhiên một con “phì” chui ra khỏi chuồng, phi thẳng về phía ngọn cây na trong vườn tìm lối thoát. Con “phì” mánh khóe, nhưng ông Triết cũng nhanh trí không kém. Chỉ với thanh thép nhỏ, ông nhẹ nhàng chế ngự đối thủ rồi cầm gọn đuôi con phì bỏ vào chuồng chỉ trong tích tắc.

Thấy khách tỏ vẻ ngạc nhiên, ông cười khì bảo: “Có gì đâu, ‘làm lâu rồi cũng lên lão nghề’ thôi. Với tôi, bắt rắn cũng đơn giản như cầm củ khoai, củ sắn vậy.” Nói đơn giản là thế, nhưng ông cũng phải thừa nhận loài phì mà mình đang sở hữu, chúng rất hung dữ, nếu chủ quan sẽ bị cắn ngay. Thế nhưng, với bản lĩnh “nhà nghề,” 40 năm bắt rắn ông chưa từng bị “mổ” lần nào.

"Vua săn rắn độc" đất Hà thành - 2

'Vua săn rắn độc' đất Hà Thành

Theo kinh nghiệm của ông Triết, để bắt được rắn độc, người thợ cần phải nhẹ nhàng và thận trọng. Càng nhẹ nhàng thì rắn càng mềm và không giật mình, hay kịp phản pháo lại bàn tay của người đi săn. Ngắt lời, ông Triết đóng cánh cửa chuồng rắn rồi dẫn khách vào nhà. Trong căn phòng thơm mùi men rượu rắn, ông Triết lần lượt mang ra hai bình rượu khổng lồ, bên trong có hai con “phì,” mỗi con nặng tới 6kg đang ngẩng đầu trên mặt nước.

Giới thiệu về món “hàng độc,” ông Triết bảo: “Hai con ‘phì’ này tôi bắt từ Lạng Sơn và ngâm được gần hai năm rồi. Vì nó to, đẹp nên nhiều người hỏi mua với giá hàng chục triệu đồng nhưng tôi không bán”.

Trong hàng ngàn chuyến đi săn “tử thần,” ông Triết bảo rằng kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần phát hiện và bắt được cặp rắn hổ mang đang nằm tắm nắng tại một hang đá ở vùng núi Bảo Yên, Lào Cai. Đây cũng là lần ông cực khổ nhất vì nóng vội trước con mồi. “Như gặp được vàng chú ạ. Thấy hai con ‘phì,’ tôi liền xông tới… tiếc rằng, chưa kịp thả câu thì chúng trườn vào hang đá mất,” ông Triết tần ngần nói.

Sau gần một tháng theo dõi và khoét hang cuối cùng ông cũng bắt được hai con “phì” nặng tới 17kg mang về đổi lấy chiếc xe máy mới...

Cũng theo “vua săn rắn độc,” đồ nghề của ông chỉ “nhõn” cái que thép dài độ chừng 1m, chiếc thuổng cùng giỏ tre để đựng. Việc bắt được “mãnh xà” hay không phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm. Theo ông Triết nhẩm tính, số lượng rắn bắt được có lẽ cũng cả ngàn con...

Rồi ông bảo, nghề này cực lắm, việc ‘một bữa chài, vài chục bữa chơi’ cũng chẳng hiếm. Thế nhưng, tháng nào ông Triết cũng lên đường bởi rất “say nghề” và ông nguyện gắn bó đến cuối cuộc đời./. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hùng Võ (VietNam+)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN