Vụ tai nạn 13 người chết ở Lai Châu: Ai sẽ phải bồi thường cho các nạn nhân?

Theo quan điểm của luật sư, hành vi của tài xế lái xe bồn đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ 2008 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.

Vụ tai nạn 13 người chết ở Lai Châu: Ai sẽ phải bồi thường cho các nạn nhân? - 1

 Chiếc xe bồn nát bét sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Phiêu Lưu

Khoảng 9h30 sáng 15/9, xe khách 16 chỗ mang BKS 25C 000.88 lưu thông trên QL4D hướng Lào Cai - Lai Châu, khi đến đoạn cầu Tiên Bình (huyện Tam Đường) đã xảy ra va chạm với xe bồn lưu thông cùng chiều.

Cú đâm cực mạnh khiến cả 2 chiếc xe lao qua thành cầu đâm xuống vực, 13 người tử vong; 3 người bị thương. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu xảy ra vụ tai nạn là do xe bồn chạy quá tốc độ quy định nên mất phanh đâm vào xe 16 chỗ đi cùng chiều chạy phía trước.

Sau vụ tai nạn, nhiều người đặt ra câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật về vụ tai nạn này, ai sẽ là người bồi thường cho các nạn nhân xấu số?

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Cty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của lái xe bồn đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ 2008 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người. Tội danh và hình phạt được quy định tại Khoản 3 Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015.

Tuy nhiên, do lái bồn đã tử vong nên căn cứ Khoản 7, Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

“Còn về việc bồi thường, nếu tài xế xe bồn là chủ xe thì người này phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu tài xế là chủ xe và đã tử vong thì việc bồi thường sẽ rất khó”, luật sư Tuấn Anh chia sẻ.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe bồn trộn bê tông biển số 24C-06376, nhãn hiệu HINO, sản xuất năm 2012 tại Trung Quốc.  Chủ xe theo giấy đăng ký là Cty TNHH MTV vận tải H.S (địa chỉ tại TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Phương tiện được kiểm định lần gần nhất là ngày 4/5/2018 tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 24-01D Lào Cai và có hạn kiểm định đến 3/5/2019.

Theo Luật sư Tuấn Anh, trường hợp nếu lái xe bồn được công ty thuê lái, trả lương thì lái xe chỉ là người chiếm hữu, sử dụng xe bồn, còn công ty mới là chủ sở hữu chiếc xe bồn.

 “Lúc này cơ quan chức năng sẽ xem xét, nếu chủ sở hữu xe bồn giao xe cho người không đủ điều kiện để điều kiện phương tiện (thiếu bằng lái, chưa đủ tuổi…) thì công ty phải là người phải bồi thường. Hoặc xe bồn ở trạng thái mất phanh công ty biết nhưng vẫn điều lái xe đi lái gây ra hậu quả nghiêm trọng thì trách nhiệm bồi thường cũng vẫn thuộc công ty”, luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, đối với trường hợp phía công ty (đơn vị chủ sở hữu xe bồn) bàn giao xe hợp pháp cho lái xe; xe bồn đáp ứng các quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông thì phía công ty không có trách nhiệm phải bồi thường.

Điều 157 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

1. Không có sự việc phạm tội...

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác...

Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới...

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

TNGT 13 người chết Lai Châu: Tài xế liên tục la hét ”tránh ra”

"Đang ngồi trong nhà, tôi thấy tài xế xe bồn di chuyển xuống dốc gần cầu Tiêu Bính, liên tục la hét..."

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tai nạn giao thông thảm khốc ở Lai Châu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN