Vụ sắt từ tòa nhà cao tầng đè chết cô gái đi đường: Ai phải chịu trách nhiệm?

Luật sư kiến nghị cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ vi phạm của chủ đầu tư, xử lý trách nhiệm của các bên liên quan.

Có thể khởi tố vụ án

Vào khoảng 18h ngày 27/9, một thanh sắt tại công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương khiến 2 người thương vong. Sau vụ việc, nhiều người thắc mắc về việc ai phải chịu trách nhiệm trong vụ việc, chủ đầu tư có vi phạm quy định về an toàn lao động hay không?

Vụ sắt từ tòa nhà cao tầng đè chết cô gái đi đường: Ai phải chịu trách nhiệm? - 1

 Hiện trường xảy ra vụ rơi thanh sắt trên đường Lê Văn Lương

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Cty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này, rõ ràng có yếu tố cấu thành tội phạm, trong đó có thể là "Tội vô ý làm chết người" theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc vi phạm trật tự xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Bộ luật Hình sự 2015.

"Như vậy, trong trường hợp trên, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án để điều tra về các hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị thi công", luật sư Tuấn Anh nói.

Theo luật sư Tuấn Anh, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng thanh sắt hay cần cẩu, giàn giáo... rơi, đổ xuống đường gây chết người. Trước đó, vào tháng 8/2018, một vụ đứt cáp cẩu rơi xuống trúng vào người đi đường trên đường Mễ Trì khiến 1 người bị thương. Sau vụ việc, nhiều người dân lo lắng khi đi qua các tuyến đường có các toà nhà cao tầng đang xây dựng.

Vụ sắt từ tòa nhà cao tầng đè chết cô gái đi đường: Ai phải chịu trách nhiệm? - 2

Luật sư Trần Tuấn Anh

"Tuy nhiên, rất ít các vụ việc như nêu trên bị khởi tố hình sự bởi vì nguyên nhân là do chủ đầu tư, đơn vị thi công thỏa thuận được với gia đình người bị hại. Điều này dẫn đến việc đôi khi pháp luật không được thực thi nghiêm minh và những người sai phạm không bị xử lý”, luật sư Tuấn Anh chia sẻ.

Luật sư Trần Tuấn Anh kiến nghị cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ trách nhiệm hình sự cũng như dân sự của những đơn vị liên quan. Ngoài ra, cần xác định rõ đối tượng gây ra hậu quả để truy trách nhiệm liên quan đến việc bồi thường dân sự cho người bị hại.

 Đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) đã cho biết thêm, khi vụ việc xảy ra gây hậu quả chết người thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Đơn vị này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị nạn theo quy định tại các điều 591 Bộ luật dân sự.

Ngoài ra theo luật sư Thơm, sự cố thanh sắt công trình xây dựng là do lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã không thực hiện đúng quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công dẫn tới hậu quả làm 1 người đi xe máy dưới đường bị tử vong do thanh sắt xây dựng rơi trúng.

Hành vi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã vi phạm Điều 6 Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ xây dựng gây hậu quả 1 người tử vong đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015.

Trước đó, vào khoảng 18h ngày 27/9, một thanh sắt tại công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương (đoạn gần ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội) đã bất ngờ rơi xuống đường khiến chị Dương Thị Hằng (30 tuổi, quê Bắc Ninh) tử vong tại chỗ, ông Nguyễn Hùng Cường (52 tuổi) bị thương nặng

Công trình có thanh sắt rơi làm một phụ nữ tử vong là tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, gồm 2 tầng hầm và 16 tầng nổi. Chủ đầu tư là Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai. Đơn vị thi công là Công ty đầu tư và phát triển Tây Hồ. Tòa nhà nằm trên lô 4.6NO đường Lê Văn Lương.

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

HN: Cột sắt rơi xuống đường, hai người đi xe máy thương vong

Cột sắt dài hơn 2m từ công trường đang xây dựng bất ngờ rơi xuống đường khiến một phụ nữ tử vong, một người khác...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN