Vũ nhôm vào ngành công an từ 2009, không có nghiệp vụ gì ngoài làm kinh tế

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ nhôm cùng nhiều cựu tướng, tá công an cùng hầu toà sáng nay trong vụ thâu tóm đất công làm thất thoát tài sản nhà nước.

Vũ nhôm vào ngành công an từ 2009, không có nghiệp vụ gì ngoài làm kinh tế - 1

Các bị cáo trong phiên toà sáng nay

Sáng 28/1, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") cùng các cựu tướng, tá của Bộ Công an gồm ông Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân (cựu thứ trưởng Bộ Công an), Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, tức Tổng cục V, Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (cựu phó cục trưởng) về hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, 3 bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách cùng bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hai ông Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngay từ sáng sớm, an ninh xung quanh khu vực TAND Hà Nội được thắt chặt, lực lượng công an được bố trí chốt chặt, kiểm tra chặt chẽ giấy tờ của những người ra vào toà.

Phiên toà dự kiến kéo dài 3 ngày, kết thúc vào 30/1.

Tại phiên xét xử lần này, báo chí được bố trí tác nghiệp tại một phòng riêng, theo dõi qua màn hình ti vi nhưng tín hiệu liên tục bị mất, không có âm thanh.

Sau khi kết thúc phần thủ tục, toà chuyển sang phần xét hỏi.

Người đầu tiên bước lên bục khai báo là bị cáo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm".

Chủ toạ hỏi bị cáo Vũ: "Hai công ty do bị cáo làm chủ tịch có hoạt động độc lập không?”.

Vũ khẳng định hai công ty trên hoạt động hoàn toàn độc lập. "Hai công ty do bị cáo thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Bị cáo có đăng ký tại Sở Kế hoạch đầu tư, chức năng là kinh doanh bất động sản, kinh doanh nhà hàng, cafe…" - Vũ nhôm khai.

Chủ toạ sau đó hỏi bị cáo Vũ về quá trình thực hiện các dự án xin mua, thuê nhà, đất ở Đà Nẵng và TP.HCM.

Vũ khai, bị cáo kinh doanh từ năm 2000, tới nay là 18 năm. Bị cáo được tuyển vào ngành công an là 2009, bị cáo được giao đúng một việc là làm kinh tế, ngoài ra không giao bất cứ một nghiệp vụ nào khác.

“Tất cả mọi việc làm của bị cáo, bị cáo đều có báo cáo về Tổng cục V”- Phan Văn Anh Vũ khai.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Vũ "nhôm" đã lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục V để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các dự án nhà, đất công sản có diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông ở các vị trí đắc địa tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Tuy nhiên, việc cho thuê và chuyển quyền sử dụng những tài sản này thực hiện trái quy định pháp luật như không qua đấu giá, xin giảm giá và nhiều ưu đãi khác nhằm thu lợi cá nhân. Hành vi phạm tội của Vũ "nhôm" có sự giúp sức tích cực của hai cán bộ công an Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách.

VKS xác định, từ năm 2009 đến 2016, căn cứ đề xuất của Vũ "nhôm", Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn đã duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình Bộ Công an thông qua nhiều văn bản, đề nghị UBND TP HCM, Đà Nẵng cho công ty bình phong được nhận quyền sử dụng 7 khu đất công sản, dự án bất động sản với tổng diện tích 6.700 m2 nhà và 26.800 m2 đất, trị giá hơn 2.500 tỷ đồng.

Sau đó, Vũ "nhôm" đã chuyển sang mình đứng tên, người thân trong gia đình hoặc liên kết chuyển nhượng cho người khác. Mục đích này không có trong hoạt động nghiệp vụ của ngành công an mà nhằm thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước 1.160 tỷ đồng.

Vũ nhôm vào ngành công an từ 2009, không có nghiệp vụ gì ngoài làm kinh tế - 2

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ nhôm lần thứ 3 hầu toà

Cũng theo cáo buộc, giai đoạn từ năm 2014- 2018, ông Bùi Văn Thành là Thứ trưởng Bộ Công an được giao nhiệm vụ phụ trách Tổng cục Hậu cần (Tổng cục IV) - đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý các nhà đất công sản của Bộ Công an. Tháng 5/2015, ông Thành đã ký tờ trình đề nghị Thủ tướng cho bán chỉ định cơ sở nhà đất tại số 129 Pasteur (TP HCM) cho Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành công an.

Sau đó, cũng chính ông Thành ký Công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính TP.HCM trình Hội đồng thẩm định giá nhà đất thành phố và UBND địa phương này phê duyệt giá bán bất động sản trên là hơn 300 tỷ đồng không đúng chức năng và thẩm quyền theo quy định.

Dù đã được báo cáo về việc công ty thẩm định giá xác định nhà, đất tại số 129 Pasteur chỉ còn 294 tỷ đồng, nhưng ông Thành đã không làm hết trách nhiệm trong việc chỉ đạo Tổng cục IV làm rõ lý do giảm giá.

Đặc biệt, khi Vũ "nhôm" chuyển nhượng nhà, đất này cho tư nhân bên ngoài, ông Thành không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn. Việc làm của ông bị cáo buộc gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với gần 223 tỷ đồng.

Tương tự, trong khoảng thời gian 2009-2016, Trần Việt Tân là Tổng cục trưởng Tổng cục V sau đó là Thứ trưởng Bộ Công an, được giao trực tiếp phụ trách Tổng cục V. Ông Tân đã ký phát hành 7 văn bản gửi các cơ quan, tổ chức đề nghị cho các công ty bình phong do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT được thuê các nhà đất phục vụ công tác nghiệp vụ ngành công an.

Vì thế, ông này bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo đối với Tổng cục V; không kiểm tra, giám sát chặt chẽ; dẫn đến việc không kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các hành vi vi phạm của Vũ "nhôm".

Vì sao khởi tố ông Vũ ”nhôm” tội làm lộ bí mật Nhà nước?

Không làm việc trong cơ quan Nhà nước, vì sao ông Vũ "nhôm" bị khởi tố tội làm lộ bí mật Nhà nước?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Vũ "nhôm" - "Ông trùm" bất động sản Đà Nẵng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN