Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P2)

Mặc dù bị cấm nhưng vũ khí hóa học vẫn ngày càng được các nước nghiên cứu và phát triển nhiều hơn với những loại chất độc khủng khiếp hơn, đặc biệt là trong và sau Thế Chiến 2.

Chứng kiến sức hủy diệt kinh hoàng của vũ khí hóa học trong Thế Chiến 1, nhiều quốc gia trên thế giới và Hội Quốc Liên đã ký Nghị định thư Geneva cấm sử dụng các loại chất độc hóa học trong chiến tranh. Tuy nhiên, không mấy quốc gia nghiêm túc tuân thủ Nghị định thư này, bởi vũ khí hóa học có khả năng hủy diệt tương đương vũ khí hạt nhân mà lại rất rẻ và dễ chế tạo khiến cho vũ khí hóa học lại một lần nữa trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của nhân loại, đặc biệt là trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P2) - 1

Các chuyên gia vũ khí vẫn liên tục nghiên cứu các loại vũ khí hóa học

Thế Chiến 2 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt vũ khí hóa học mới với sức hủy diệt và hậu quả để lại cho con người ngày càng kinh khủng hơn. Lúc bấy giờ, với sự phát triển của khoa học công nghệ, guồng máy kỹ nghệ chiến tranh hoạt động hết công suất và tạo ra những sản phẩm hủy diệt hàng loạt “ngoài sức tưởng tưởng của con người”. Một trong những loại vũ khí đó chính là bom napan.

Napan là một loại hóa chất giống như xăng nhưng có khả năng bám dính rất cao vào bề mặt các vật thể khác. Napan dễ bốc cháy, khi cháy có khói màu đen, lửa màu vàng, có mùi khét và tạo ra nhiệt độ từ khoảng 800 đến 1000 độ. Loại hóa chất giết người này được nhà hóa học Louis Fieser và nhóm nghiên cứu ở trường đại học Havard tạo ra vào năm 1943.

Fieser phát minh ra napan để sử dụng làm một loại chất diệt cỏ hữu hiệu, thế nhưng quân đội Mỹ nhanh chóng nhận ra năng lực hủy diệt của nó, và lập tức biến nó thành một thứ vũ khí hóa học trong chiến tranh bằng cách nhồi napan vào bom, tạo ra những quả bom cháy có trọng lượng và phạm vi gây cháy khác nhau.

Bom napan lợi dụng đặc tính của napan để gây bỏng nặng, bỏng sâu cho người. Napan là chất cháy gây bỏng đặc biệt nguy hiểm, có thể vô hiệu hóa và giết chết nạn nhân rất nhanh chóng. Đối với những người sống sót nhưng bị bỏng độ 3, phần da và mạch bị thương tổn không có các cơ quan tiếp nhận cảm giác đau. Tuy nhiên, các nạn nhân bị bỏng độ 2 do bị các giọt napan bắn phải sẽ phải chịu rất nhiều đau đớn.

Napan đã chứng tỏ được uy lực và hiệu quả của mình trong Thế Chiến 2 khi một trận ném bom napan của Mỹ vào thành phố Tokyo đã khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng, tương đương với số nạn nhân thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và nhiều hơn số nạn nhân trong vụ Nagasaki.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P2) - 2

Bom napan do quân đội Mỹ sử dụng

Thậm chí quân đội Mỹ còn muốn phát huy hiệu quả của napan lên một tầm cao mới bằng dự án chế tạo bom dơi napan. Trong công trình có tên là Dự án Tia X này, quân đội Mỹ dự định sẽ thả một đội quân dơi mang theo những quả bom napan hẹn giờ xuống các thành phố của Nhật.

Mỹ hy vọng những con dơi này sẽ tìm đến làm tổ trong các ngôi nhà bằng gỗ vốn rất phổ biến ở Nhật và khi thời khắc trên chiếc đồng hồ hẹn giờ điểm, con dơi sẽ ngay lập tức biến thành một quả bom nổ tung và giải phóng chất cháy napan nóng hàng ngàn độ, thiêu cháy tất cả những gì nó bám vào.

Rất may là sau vài lần thử nghiệm thành công, dự án bom dơi này đã bị hủy bỏ vì viên sĩ quan phụ trách dự án tính toán rằng Mỹ sẽ không đủ khí tài và napan để sử dụng cho hàng ngàn con dơi cho đến năm 1945, thời điểm khi chiến tranh kết thúc. Nếu không, chắc chắn người dân Nhật Bản sẽ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc hơn rất nhiều từ loại vũ khí hóa-sinh học ghê gớm này.

Mặc dù gây tổn thương và có thể là cái chết tức thì, vô cùng đau đớn cho các nạn nhân nhưng bom napan không để lại những hậu quả lâu dài về sau. Có một loại vũ khí hóa học cũng do quân đội Mỹ tạo ra có sức tàn phá khủng khiếp không chỉ cho nạn nhân mà còn để lại di chứng nặng nề cho rất nhiều thế hệ sau, đó chính là chất độc màu da cam.

Được phát minh vào thập niên 1940, chất độc màu da cam vốn dĩ được coi là một loại vũ khí hóa học diệt cây chứ không phải để tấn công con người. Chất độc màu da cam là một chất lỏng không màu, tên gọi của nó xuất phát từ màu của những sọc được vẽ trên các thùng phuy dùng để vận chuyển.

Quân đội Mỹ đã sử dụng rộng rãi chất độc da cam trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ 1961-1971 trong chiến dịch Bàn tay Nối dài (Ranch Hand), đây là một phần trong cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ áp dụng ở Việt Nam nhằm tiêu hao sinh lực của quân đội ta và hủy diệt môi trường, hệ sinh thái địa phương.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P2) - 3

Quân đội Mỹ rải chất độc màu da cam ở Việt Nam

Người ta đã phát hiện ra rằng chất độc da cam có chứa dioxin, một loại hóa chất gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, dị dạng và nhiều rối loạn chức năng ở cả người, đồng thời nó để lại di chứng nặng nề cho các thế hệ sau của những người bị phơi nhiễm chất độc này. Con cái của những người lính nhiễm phải chất độc da cam sẽ có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh và các căn bệnh hiểm nghèo khác.

Nửa thế kỷ sau cuộc chiến tranh, rất nhiều người bị phơi nhiễm chất độc da cam vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp của nó. Ước tính khoảng 400.000 người Việt Nam đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam ước lượng khoảng 1 triệu nạn nhân đã bị tàn phế hoặc bệnh tật vì chất độc da cam.

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, quân đội các nước ngày càng chú trọng nghiên cứu và phát triển những loại vũ khí hóa học có liều lượng nhỏ nhưng vẫn có khả năng gây ra thương vong lớn cho đối phương. Trong các loại vũ khí hóa học được sử dụng phổ biến trong và sau Thế Chiến 2, chất độc thần kinh (nerver agent) là loại vũ khí có tác hại tức thì ghê gớm nhất và hiệu quả nhất trong việc tiêu hao, tiêu diệt sinh lực đối phương. Đây cũng chính là loại vũ khí mà Mỹ và các nước phương Tây đang cáo buộc chính phủ Syria sử dụng trong hồi tuần trước và được cho là gây ra cái chết của hơn 1000 người ở khu vực ngoại ô thủ đô Damascus.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P2) - 4

Một quả tên lửa chứa chất độc sarin

Chất độc thần kinh khi được phát tán dưới dạng lỏng và hơi nước có thể giết chết nạn nhân chỉ trong vòng vài phút sau khi bị nhiễm độc. Sau Thế chiến 2 và đặc biệt là trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã nghiên cứu và sản xuất nhiều loại chất độc thần kinh có khả năng giết người rất nhanh chóng. Sau đây là một số loại chất độc thần kinh đầu bảng:

Sarin: Sarin là một loại chất độc thần kinh do Đức quốc xã phát minh nhưng chưa bao giờ được thử nghiệm trên chiến trường. Khi xâm nhập vào cơ thể, chất độc Sarin sẽ tác động đến khả năng truyền tín hiệu của các tế bào thần kinh. Do các tế báo thần kinh không thể truyền tín hiệu điều khiển, các cơ bắt đầu mất kiểm soát và khiến nạn nhân chết ngạt do cơ hoành không hoạt động. Khí Sarin tác động trong khoảng 5 đến 12 tiếng, một người hít phải 100mg sarin có thể sẽ chết chỉ trong vòng 1 phút.

Một loại chất độc khác có tác động tương tự nhưng mức độ ảnh hưởng cao gấp 2 lần khí sarin là Cyclosarin. Một người trưởng thành hít phải 35mg khí Cyclosarin sẽ chết trong chưa đầy 1 phút. Hơi độc Cyclosarin đã được Tổng thống Iraq Saddam Hussein sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh với Iran.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P2) - 5

Một nạn nhân bị nhiễm khí độc trong cuộc chiến tranh Iraq-Iran

Một loại chất độc thần kinh khác có tác động nhanh gấp 100 lần khí Sarin là Soman. Trong thập niên 1960, Liên Xô đã sản xuất và dự trữ rất nhiều hơi độc Soman.

VX là vũ khí hóa học dạng lỏng, độc hơn khí Sarin gấp 10 lần. Chỉ cần một giọt 10mg VX dính trên da là đủ để giết chết một người. Mỹ đã từng sản xuất loại vũ khí hóa học này trong những năm 1950 và 1960.

Loại chất độc thần kinh kinh khủng nhất phải kể đến Novichoks, được Liên Xô sản xuất từ năm 1980 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bằng cách pha trộn nhiều loại chất độc khác nhau. Hơi độc Novichok có mức độc hại gấp 10 lần chất độc VX và được Liên Xô sản xuất dưới 3 dạng là Novichok-5, Novichok-7 và Novichok-#.

Là loại vũ khí rẻ tiền, dễ chế tạo, dễ ngụy trang và gây ra thiệt hại rất lớn về nhân mạng, vũ khí hóa học không chỉ là thứ vũ khí đáng sợ trong tay lực lượng quân sự các nước nhằm mục đích phục vụ chiến tranh mà những kẻ khủng bố trên thế giới cũng đang ngày càng chú trọng vào loại vũ khí này. Và một trong những vụ khủng bố bằng vũ khí hóa học gây chấn động dư luận quốc tế là vụ tấn công bằng chất độc sarin trên hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản hồi năm 1995.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P2) - 6

Các nạn nhân trong vụ khủng bố sarin ở Tokyo năm 1995

Khoảng 8 giờ sáng 20/3/1995, các thành viên của giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo đã phối hợp tiến hành 5 vụ tấn công bằng khí độc sarin trên những đoàn tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản trong giờ cao điểm, làm chết 13 người và nhiễm độc 6.300 người.

Trước khi tiến hành vụ tấn công khủng bố gây thương vong lớn nhất Nhật Bản này, giáo phái Aum đã tích lũy một kho chứa khối lượng lớn các loại vũ khí thông thường, vũ khí sinh học và hóa học nhằm sẵn sàng cho một cuộc thánh chiến một mất một còn với chính quyền.

Sau vụ khủng bố kinh hoàng này, chính phủ Nhật Bản đã truy nã gắt gao và bắt giữ những thành viên cấp cao của giáo phái Aum, đồng thời đề ra những biện pháp quyết liệt đề phòng nguy cơ bị tấn công khủng bố bằng chất độc hóa học.

Ngày nay, vũ khí hóa học đã bị cộng đồng quốc tế coi là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt bị cấm trong mọi cuộc chiến tranh. Điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia nào sử dụng vũ khí hóa học sẽ bị coi là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế và sẽ gây ra làn sóng phẫn nộ, bất bình trong dư luận quốc tế. Đây cũng chính là cái cớ để Mỹ và các nước phương Tây có thể can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, mà điển hình là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học diễn ra ở Syria hồi tháng trước.

Vụ tấn công được cho là được thực hiện bằng vũ khí hóa học này đã châm ngòi cho sự phản ứng dữ dội từ Mỹ và phương Tây, và nguy cơ về một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Syria đang ngày càng hiển hiện. Vậy một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria ghê gớm đến mức nào mà Mỹ và các nước phương Tây lại sục sôi như vậy, xin mời các bạn đón đọc kỳ 3.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN