Vụ chìm tàu nửa đêm: Chôn chân ở cửa biển đợi tin

Trên đê Hải Ninh, người nhà nạn nhân và người dân địa phương hướng cái nhìn khắc khoải về phía biển. Họ cầu mong điều kỳ diệu sẽ tới với người thân gặp nạn ngoài khơi xa.

Như Tiền Phong đã thông tin, tàu cá mang số hiệu TH 91174 TS do ông Lê Văn Sen, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) làm thuyền trưởng, đã bị chìm vào ngày 29/12.

Thông tin ban đầu được biết, chiếc tàu trên bị chìm tại tọa độ 19,56 độ Bắc, 107,4 độ Đông (thuộc khu vực Nam đảo Bạch Long Vĩ). Trước khi tàu bị chìm, ông Sen đã phát tín hiệu cấp cứu và đã được tàu TH 1218 do ông Vũ Hữu Thông ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, đến cứu.

Tuy nhiên các ngư dân trên tàu TH 1218 chỉ kịp cứu được hai người gồm ông Lê Văn Sen và ông Lê Văn Thành.

Vụ chìm tàu nửa đêm: Chôn chân ở cửa biển đợi tin - 1

Người nhà nạn nhân ngóng đợi trên đê biển. Họ hy vọng điều kỳ diệu có thể đến với nạn nhân đang bị mất tích.

Còn lại 3 ngư dân khác trên tàu TH 91174 TS bị mất tích. Đến sáng 30/12, công việc tìm kiếm ba ngư dân trú tại xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị mất tích trên biển, vẫn đang diễn ra.

Theo ông Hoàng Văn Lực (thôn Đồng Minh, xã Hải Ninh)-chú ruột của ngư dân mất tích Hoàng Văn Thành, kể lại: “Lúc 10h ngày 28/12/2013, chiếc tàu TH 91174 TS rời bến Lạch Ghép (huyện Tĩnh Gia- Thanh Hóa) đi khai thác nghề vó ghẹ ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

Lúc khoảng gần 1h ngày 29/12, khi cách đảo Bạch Long Vĩ chừng 35 hải lý thì tàu gặp sóng to, gió lớn nên bị chìm dần. Ngay lập tức, chủ tàu là Lê Văn Sen (SN 1974) đã phát tín hiệu cứu hộ, cứu nạn với các tàu bạn ở vùng lân cận. Sau đó, cả 5 người trên tàu ôm can, bình nhảy ra khỏi tàu, bám trụ các vật nổi để chờ tàu đến cứu”.

Vụ chìm tàu nửa đêm: Chôn chân ở cửa biển đợi tin - 2

Người thân của gia đình anh Hoàng Văn Thành.

Khoảng hơn 1 tiếng sau, các tàu bạn mới đến vị trí tàu gặp nạn và cứu được 2 trong tổng số 5 người. Hai người được cứu nạn là Lê Văn Sen và Nguyễn Văn Thành (SN 1994).

Ba ngư dân còn lại bị mất tích gồm Lê Ngọc Xuân (SN 1956), Hoàng Văn Thành (SN 1974), Hoàng Văn Tuấn (SN 1991). Tất cả 5 người trên đều ở thôn Đồng Minh, xã Hải Ninh.

Trưa 30/12, trên đê Hải Ninh, người nhà nạn nhân và người dân địa phương khắc khoải hướng về phía biển, cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến với các ngư dân mất tích. Dẫu vậy, không khí bao trùm trong những ngôi nhà có người mất tích, là nỗi hoang mang, lo sợ, đau đớn.

“Với thời tiết giá lạnh thế này, ai có thể sống sót khi ngâm mình dưới sóng biển hàng chục giờ đồng hồ như thế. Chúng tôi chỉ mong tìm thấy thi thể người thân của mình”- ông Lực cho biết.

Vụ chìm tàu nửa đêm: Chôn chân ở cửa biển đợi tin - 3

Anh Sen đang được người thân chăm sóc tại nhà.

Được biết, hoàn cảnh gia đình các ngư dân mất tích đều rất khó khăn. Anh Hoàng Văn Thành có 3 người con đang còn học phổ thông. Chi phí sinh hoạt của gia đình, học phí cho con đều phụ thuộc vào những chuyến đi biển thuê của anh. Thế nhưng, thu nhập từ nghề biển thất thường, gia đình anh nhiều khi cũng phải vay mượn để trang trải cuộc sống.

Chàng trai trẻ Hoàng Văn Tuấn cũng sinh ra trong gia đình khó khăn. Tuấn là con đầu trong gia đình 4 anh em. Hai em sau của Tuấn đang còn học phổ thông. Tuấn và người em khác phải bỏ học giữa chừng để đi làm thuê, giúp đỡ gia đình và nuôi bản thân mình.

Trong khi đó, dù đã lớn tuổi nhưng ông Lê Ngọc Xuân vẫn phải ra khơi kiếm sống nuôi mình và vợ.

Sau khi được cấp cứu và đưa về nhà, anh Lê Văn Sen vẫn chưa hết hoảng loạn. Anh kể lại sự việc bằng những lời kể đứt gãy.

Theo đó, sau hơn 1 tiếng bị ngâm dưới nước, anh Sen và Thành được tàu bạn cứu. Trước đó, có một chiếc tàu khác đi qua nhưng không nghe thấy, không nhìn thấy tiếng kêu cứu của các anh.

Sau khi vớt được anh Lê Văn Sen và Nguyễn Văn Thành, tàu bạn tiếp tục tìm kiếm ba nạn nhân còn lại nhưng tới nay, vẫn chưa thấy.

Được biết, chiếc tàu bị nạn là một con tàu còn rất mới, có giá trị vào khoảng 500 triệu đồng. Trước khi bị nạn, tàu này vừa có một đợt khai thác ốc tại vùng biển Hà Tĩnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Lam (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN